VOA - Số tử vong trong lũ tại miền Trung Việt Nam đã lên tới 36 người trong khi 80.000 người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa chạy lên các vùng cao để tránh lũ, theo số liệu từ giới hữu trách Việt Nam. Hiện còn gần chục người đang bị mất tích.
Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết gần 250.000 nhà cửa bị nước lũ nhận chìm và gần 3.000 hecta hoa màu bị phá hủy.
Trong số các tỉnh bị thiệt hại nặng nề có Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, và Gia Lai. Bình Định được xem là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 18 nạn nhân tử vong.
Một người tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp tại địa phương liên tục mấy ngày nay, ông Hồ Đắc Hưng, Phó Trưởng Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Bình Định, cho VOA Việt ngữ biết tình hình lũ năm nay nghiêm trọng hơn các năm trước rất nhiều.
Ông Hồ Đắc Hưng: 10 huyện thuộc tỉnh Bình Định trong đó có Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, An Lão, Hoài Nhơn…bị rất nặng do người ta xả lũ từ mấy đập thủy điện. Mưa làm nước trên thượng nguồn nhiều quá, mấy hồ chứa nước thủy điện nước nhiều quá, họ sợ vỡ nên xả ào ào xuống. Nặng nhất là vùng Tuy Phước. Có mấy người chết.
VOA: Nhà cửa, đường sá, hoa màu ra sao?
Ông Hồ Đắc Hưng: Hoa màu mùa này ở đây người ta cũng gặt hái hết rồi. Nhà cửa bị ngập.
VOA: Hiện giờ nước lũ đã rút bớt chưa, độ cao khoảng bao nhiêu?
Ông Hồ Đắc Hưng: Vẫn còn cao, ngập tới mái nhà luôn. Dân leo lên mái nhà ngồi rất nhiều, nước ngập sâu quá mà. Ngay cả vùng núi mà cũng bị ngập nào giờ đâu có vụ đó. Mấy vùng trũng gần biển bị ngập thì đương nhiên, nhưng giờ như huyện An Lão là huyện miền núi mà cũng bị ngập chạy không kịp. Như huyện An Khê trên núi cao mà nước lũ cũng chảy xiết, người ta chỉ kịp chạy thoát thân thôi, không lấy được đồ đạc gì cả.
VOA: Theo ghi nhận của anh, địa phương cứu trợ, giúp đỡ cư dân bị nạn thế nào?
Ông Hồ Đắc Hưng: Họ huy động quân đội có ca-nô chở mì tôm với nước cấp cứu cho những người đang ngồi trên mái nhà ăn tạm. Ăn khô vậy thôi chứ có lửa đâu mà nấu. Ăn khô vậy thôi, uống nước vô cho nở ra bao bụng. Chứ giờ nước lênh láng biết làm sao? Cung cấp cho họ tạm thời vậy thôi.
VOA: So sánh với những thiên tai trước, đợt này anh thấy thế nào?
Ông Hồ Đắc Hưng: Gần đây năm 2009 tương đối chỉ có 1 vùng bị xả lũ. Còn nay do tất cả các nguồn nước trên cao đổ xuống rất nhanh. Cho nên, năm nay lớn hơn mấy năm trước rất nhiều. Xã An Nhơn hồi giờ đâu có ngập lụt mà nay cũng ngập nhà luôn mà.
VOA: Anh nói lũ do người ta xả lũ xuống chứ không phải do mưa bão?
Ông Hồ Đắc Hưng: Không có bão. Mưa thì nhiều trên thượng nguồn. Vì phá rừng, không giữ được nước, nên nước đổ xuống các hồ nhiều. Họ sợ vỡ đập thì còn chết nhiều hơn nữa. Cho nên, họ xả lũ, xả hồ chứa nước đập thủy điện mới gây lũ, chứ không phải lụt. Lụt thì nước dâng lên từ từ. Còn đây lũ nó ào xuống chạy đâu có kịp.
VOA: Báo chí trong nước nói tình trạng này do ‘ảnh hưởng của bão số 15 và mưa lũ’?
Ông Hồ Đắc Hưng: Họ phải nói vậy thôi. Thứ nhất do mở đập thủy điện nhiều quá. Thứ hai, do nạn phá rừng nên giờ không giữ nước được khi mưa nhiều.
VOA: Đã có sơ tán, sao lại có nhiều người bị mắc kẹt trong lũ, thưa anh?
Ông Hồ Đắc Hưng: Tại chạy không kịp. Phương tiện cũng không có. Lũ mà, sao chạy cho kịp.
Báo Thanh Niên nói nước lũ dâng cao nhanh chóng sau khi 15 nhà máy thủy điện trong vùng mở cổng xả lũ để tránh vỡ bồn chứa.
Quảng Nam, Bình Định bị ngập trên diện rộng trong khi Quảng Ngãi bị ngập sâu với nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn.
Hình ảnh trên truyền hình nhà nước cho thấy tại hai địa điểm được UNESCO liệt kê là di sản văn hóa thế giới gồm phố cổ Hội An và cố đô Huế, nhà cửa, đường sá bị ngập chìm trong nước. Hàng trăm khách du lịch đã được sơ tán.
AFP dẫn nguồn tin từ một giới chức ở Đà Nẵng cho hay lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho lưu thông đường bộ, đường không, và đường sắt xuyên suốt khu vực.
Trước đợt lũ này hồi cuối tuần trước, Việt Nam sơ tán hàng trăm ngàn cư dân sau khi bão Haiyan càn quét Philippines.
Vừa tránh được những thiệt hại nặng nề trong bão Haiyan vì sức bão suy yếu trước khi ập bờ biển miền Trung, thì nay Việt Nam lại phải đối phó với tình trạng lũ.