Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Việt Nam và Philippines điêu đứng vì thiên tai

Bình Định - Quy Nhơn chìm trong biển nước 16/11/2013. RFA files

RFA - Cơn bão dự trù đổ vào miền Nam Việt Nam thực tế đã không xảy ra nhưng đã gây rất nhiều mưa lớn và gây lũ lụt khắp nơi cộng thêm với sự xả lũ của các đập thủy điện trên toàn miền Trung.

Miền Trung Việt Nam khổ vì thủy điện

Chúng tôi tiếp xúc với một người dân sống cạnh đường quốc lộ 14B, con đường đi từ Đà Nẵng đi Kon-tum. Anh cho chúng tôi biết về tình hình lũ lụt năm nay như sau:

Em đang ở Đại Lộc, Quảng Nam. Cái lụt năm nay tương đối lớn. Từ năm 99 đến giờ thì lụt này lớn nhất. Đặc điểm của lụt này là nó lớn rất nhanh. Theo em được biết. Nguyên nhân lụt lớn nhanh là do thủy điện xả nước, đồng loạt xả. Chỗ em không thiệt hại nhân mạng nhiều, thiệt hại vật chất không đáng kể vì dân ở Quảng Nam thì tương đối có kinh nghiệm về chống lụt. Đường quốc lộ 14B trước nhà em thì ngập chừng cỡ khoảng hơn 2 mét nước. Theo dự báo thời tiết thì đợt lũ này đã qua. Hiện mực nước sông đã rút xuống. Giao thông thì đã thông suốt lại rồi. Dân miền Trung mình thì năm nào cũng bị bão lũ nên nó trở thành bình thường rồi. Tuy nhiên những năm gần đây thì lại có đặc điểm là những đập thủy điện người ta xây dựng lên; Ban đầu người ta nói là sẽ phát điện và sau đó vào mùa lũ thì người ta sẽ điều tiết nước lũ. Người ta giải thích là khi lũ về người ta sẽ chứa nước lại bớt, người ta sẽ giảm thiểu nước trong cơn lũ. Qua thực tế thì những năm vừa rồi thì những điều người ta nói là không đúng. Lượng nước trong hồ luôn rất nhiều rồi vì vậy khi lũ về người ta sợ vỡ đập nên lại càng xả nước nhiều ra thêm nữa làm cho lũ càng trầm trọng hơn nữa. Nguy hiểm nữa là khi xả nước, người ta làm cho mực nước dâng lên rất là nhanh. Nhiều người dân trở tay không kịp.

Việc xả lũ với cường độ lớn đã gây ngập lụt cho vùng hạ du, gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua.

Đó là tình hình lũ lụt tại Việt Nam được chúng tôi ghi nhận từ một người dân sống ở vùng Quảng Nam, Đại Lộc, Việt Nam.

Philippines và trận bão thế kỷ

Cũng với trận bão Haiyan nhưng Philippines xấu số hơn VN.

Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao tường trình từ thành phố Tacloban, Philippines khi anh cùng đoàn cứu trợ của Nhật báo Người Việt mang sự trợ giúp của đồng bào Việt Nam Hải ngoại đến với những nạn nhận bão Haiyan cho chúng ta biết.

Kính Hòa: Xin chào anh Giao. Anh đang ở Tacloban phải không?

Phạm Phú Thiện Giao: Không ạ. Chúng tôi vừa rời Tacloban để về thành phố Omot, cách Tacloban 2 tiếng đồng hồ lái xe nhưng hôm nay chúng tôi đi bằng bus nên phải mất 3 tiếng rưỡi mới đến, thưa anh.

Kính Hòa: Vừa mới rời Tacloban, anh thấy tình hình ở Tacloban như thế nào, thưa anh?

Phạm Phú Thiện Giao: Hôm nay tôi cùng người bạn đồng nghiệp là anh Đinh Quang Anh Thái bên Nhật báo Người Việt trải qua một ngày ở Tacloban. Nếu nói về an ninh thì đây là vấn đề chúng ta cần xác thực nhất vì thông tin rất là trái ngược nhau. Có những người thì nói an ninh là bình thường, là O.K. nhưng có những người khác thì lại nói ngược lại. Chẳng hạn chúng tôi phỏng vấn một người lính Mỹ ở đơn vị Thủy quân Lục chiến đang làm công tác cứu trợ tại đây thì người lính này nói rằng trực thăng cứu trợ của Hoa kỳ đến một số nới bên trong thành phố, họ chỉ ngồi trên mày bay trực thăng và thả đồ xuống chứ không đáp xuống.

Toàn bộ nhà cửa vùng ven biển Tacloban đã bị trận bão Haiyan san bằng ngày 10 tháng 11, 2013

Tuy nhiên, khi chúng tôi đi một số nơi thì thấy có những trạm phát lương thực. Còn cá nhân chúng tôi thì đã đi vào trong thành phố khá lâu, khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu chúng tôi đi với một người Philippines thì an ninh chắc chắn bảo đảm. Nếu đi một mình thì không biết điều gì sẽ xảy ra vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra giữa một thành phố không có điện, không có nước, không có thức ăn và một số nơi không có cả nhân viên của quân đội nữa.

Kính Hòa: Còn tình hình lương thực, thực phẩm, nước uống đến với người dân bị nạn ở Tacloban hiện nay như thế nào anh Giao?

Phạm Phú Thiện Giao: Đó là điều rất khó khăn đối với người dân Tacloban. Họ không có nước uống, không có thức ăn và tất cả đều dựa vào thực phẩm cứu trợ. Khi chúng tôi đi vào thành phố thì thỉnh thoảng chúng tôi thấy có những trạm phát cứu trợ nhưng rõ ràng là cả một thành phố với chừng đó dân mà không nước và điện thì chắc chắn nhu cầu của họ rất là cao. Suốt ngày hôm nay, hai anh em chúng tôi tự mang nước uống cũng như thực phẩm của mình từ Manila xuống chứ tại đó không có. Tuy nhiên nếu có thì mình cũng không dám ăn vì cả thành phố nói chính xác thì mang mùi tử khí rất là nặng. Ngay tại con đường chúng tôi đi rất nhiều xác chết. Chúng tôi cũng có tiếp xúc với một số thân nhân, họ nói rằng có vài ngàn người được chôn trong những hố chôn tập thể. Trên đường đi thì nước quyện cùng rác và xác chết cũng như xác các con trâu, heo và của những con chó. Do vậy nếu có nước thì cũng không thể nào dùng được.

Kính Hòa: Như anh mô tả , tình hình vệ sinh của thành phố Tacloban rất là thảm hại. Điều này cũng được Tổ chức Y tến thế giới cảnh báo một hai ngày trước là nếu không khéo thì dịch bệnh sẽ kéo đến. Anh có thấy nỗ lực nào cao hơn để giải quyết việc này không, thưa anh?

Phạm Phú Thiện Giao: Tôi thấy rằng sự nỗ lực của họ là rất lớn, nhất là từ phía quân đội của các nước cũng như từ những tổ chức y tế. Tuy nhiên, tôi không tin rằng ngay tại lúc này sự nỗ lực nào có thể lớn hơn được thực tế của thành phố Tacloban, đó là sự ô nhiễm kinh khủng. Tôi cũng tin là sẽ rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm đó cho dù là vào giờ phút này đã có nhiều nỗ lực cứu trợ cũng như giúp đỡ về mặt y tế ngay tại thành phố Tacloban.

Sau cơn bão người dân đi góp nhặt vật liệu để che chắn và chuẩn bị cho chỗ ngủ tạm bợ. AFP

Kính Hòa: Theo anh trong toàn cảnh việc cứu trợ hiện nay thì điều khả quan nhất là gì?

Phạm Phú Thiện Giao: Nếu nói về khả quan thì tôi nghĩ rằng sự giúp đỡ tốt nhất là khả quan nhất; Có nghĩa là mình làm được tất cả những gì có thể làm được dù lớn hay nhỏ nếu không thì nhu cầu của người dân thành phố trong hoàn cảnh như vậy sẽ vượt lên tất cả những nỗ lực. Tuy nhiên chúng ta phải nói đến sự nỗ lực của những cơ quan cứu trợ mà chúng tôi nhìn thấy tại phi trường Tacloban. Chúng tôi thấy có quân đội Hoa kỳ, quân đội Úc Đại Lợi, các đoàn cứu trợ từ Nhật Bản, từ Nam Hàn, từ Ireland....rất nhiều anh ạ.Và họ nói rằng họ rất vui khi thấy nỗ lực chung của quốc tế đối với thành phố này. Chúng tôi phỏng vấn một người lính trong đơn vị Thủy quân Lục chiến của Mỹ thì anh ta nói rằng hãy thử so sánh tình trạng của thành phố này với cuộc cứu trợ cách đây nhiều năm ở Ấn Độ ( do tsunami) mà chúng ta đã biết là số người chết rất cao thì hãy tưởng tượng là có một người đàn ông ở đây đi bộ 8 cây số và nói rằng cứ mỗi bước chân của ông ta là bước trên xác người. Họ tin rằng tình trạng này rất bi đát, thưa anh.

Kính Hòa: Cho tôi hỏi một câu cuối: anh có thể nói đôi điều về sự giúp đỡ của đồng bào Việt Nam hải ngoại và đặc biệt là sự quyên góp của đồng bào ở Nam Cali cho Philippines?

Phạm Phú Thiện Giao: Vâng, khi chúng tôi lên đường sang Philippines thì đã biết có một số nỗ lực của cộng đồng của chúng ta ngay tại Nam California đã tổ chức những buổi đi bộ để gây quỹ. Một ngày trước đó thì đại diện của tổ chức Voice của người Việt Nam, một tổ chức NGO ngay tại Philippines mà đại diện là luật sư Trịnh Hội có đến Nam California và Nhật báo Người Việt đã tổ chức một buổi gây quỹ chớp nhoáng nằm trong khuôn khổ gây quỹ chung của Voice. Thông tin sơ khởi cho biết thì vào tối hôm qua, số tiền đếm được của Voice là 75 ngàn Mỹ kim, chưa tính những số tiền khác gởi qua bưu điện hoặc là gởi qua đường khác......Cách đây khoảng chừng 15 phút, chúng tôi có nói chuyện với anh Hoàng, đại diện của Voice ngay tại Manila. Anh Hoàng cho biết là tối mai, anh và một đại diện sẽ mang số tiền đó để đi xuống vùng Tacloban để làm công tác từ thiện và sẽ cùng chúng tôi đi gặp một nhóm người Việt Nam khoảng 7 người bị ảnh hưởng của bão ở cách Tacloban chừng 2 giờ lái xe để tìm các mang họ về Manila, thưa anh.

Kính Hòa: Xin cảm ơn anh Thiện Giao đã cho đài chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/centr-shed-flood-hydropw-11182013131951.html

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam