Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Một nhà ngoại giao Việt Nam xin tị nạn chính trị ở Thụy Sĩ


Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ.



Trà Mi - VOA - 03.02.2014 - Một nhà ngoại giao từng là lãnh sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Geneva công bố quyết định xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ chỉ vài ngày trước khi phái đoàn của Hà Nội sang đây báo cáo thành tích nhân quyền tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR vào ngày 5/2.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 3/2, ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ (2008-2012), nói quyết định của ông là một sự lựa chọn ‘khôn ngoan’ trong cuộc đấu tranh lâu dài vì dân chủ-nhân quyền Việt Nam.

Ông Đặng Xương Hùng: Người Việt nào cũng đau đáu trong tim về lý do Việt Nam rơi vào hoàn cảnh hiện nay: tụt hậu với thế giới, tất cả các mặt trong xã hội đều đi xuống trầm trọng, kinh tế khủng hoảng, tham nhũng, đạo đức xã hội đi xuống. Đó cũng là tất cả những tâm tư của tôi trước khi đi đến quyết định này. Tuy nhiên, đỉnh điểm của nó phải kể đến việc quốc hội vẫn thông qua điều 4 trong bản Hiến pháp sửa đổi, quy định đảng giữ quyền độc tôn lãnh đạo, vốn là nguyên nhân của tất cả các khủng hoảng ở Việt Nam hiện nay. Tôi chọn việc ly khai để thể hiện một thái độ dứt khoát để, thứ nhất, có thể nói lên tiếng nói của mình, và kế đến, cũng có thể là một sự cảnh báo đối với sự lãnh đạo của đảng, để mọi người thấy ngay cả những người trong bộ máy hưởng lợi đấy bây giờ cũng bắt đầu nghĩ đến việc phải nói lên tiếng nói của chính mình, vượt qua nỗi sợ.

VOA: Vì sao ông phải xin tị nạn chính trị sau khi thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình trong khi ngay tại Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều những tiếng nói thẳng thắn như vậy vẫn ở lại trong nước?

Ông Đặng Xương Hùng: Tôi nghĩ phải nhìn vào mục tiêu và hiệu quả chứ không phải chỉ để chứng tỏ thái độ của mình. Hiện nay trong nước phong trào đấu tranh dân chủ gặp rất nhiều khó khăn vì sự đàn áp, đe dọa, bắt bớ. Tôi từng nghĩ đến việc tỏ thái độ ở trong nước bằng cách xin về hưu hay về ở ẩn. Tuy nhiên việc đó cũng chỉ dừng lại ở một tiếng nói rất nhỏ. Tôi muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho cuộc đấu tranh chung vì một đất nước Việt Nam dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Tôi chọn cách xin tị nạn chính trị vì ví dụ tôi lên tiếng ở Việt Nam, tôi bị bắt. Cách đó không khôn ngoan bằng cách mình tìm một chỗ nấp an toàn để cuộc đấu tranh của mình được lâu dài và có hiệu quả hơn.

VOA: Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng công cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam sẽ tiến bộ hơn, đi nhanh hơn nếu nó xuất phát từ chính những người trong nước, những tiếng nói trong nước mới là những tiếng nói có hiệu quả nhất, mạnh mẽ nhất với quốc tế.

Ông Đặng Xương Hùng: Tôi cho rằng mỗi cuộc đấu tranh dân chủ cần 2 yếu tố. Một là sự trỗi dậy từ trong nước, đó là phong trào hiện nay đang mạnh lên. Thứ hai là sự giúp đỡ từ bên ngoài, từ cộng đồng quốc tế. Tình trạng hiện nay Việt Nam bưng bít thông tin, do đó các thông tin ra nước ngoài cũng rất hạn chế. Thế thì tại sao tôi không đóng vai trò làm cầu nối giữa bên trong với bên ngoài. Tôi muốn truyền đạt các thông tin từ thế giới bên ngoài cho đồng bào trong nước biết nhân quyền trên thế giới như thế nào, chúng ta phải được hưởng những quyền như thế nào. Ở ngay nước sở tại, tôi cũng có thể thông tin cho phía bên ngoài biết tình hình hiện nay ở Việt Nam, lấy những thông tin mà nhà nước che dấu đưa ra nước ngoài. Tôi nghĩ tôi có vai trò đó.

VOA: Gần đây ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp như ông đây, những đảng viên cao cấp lâu năm lần lượt chia tay với đảng cộng sản, kêu gọi dân chủ cho Việt Nam. Có người nhận xét đây là một hiện tượng đáng chú ý nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là vài trường hợp số lẻ trong hàng triệu đảng viên trong hàng ngũ đảng hiện nay. Ý kiến ông thế nào?

Ông Đặng Xương Hùng: Những người trong chính quyền đại loại như tôi, bạn bè của tôi cách nghĩ của họ chả khác tôi, có khi còn hơn tôi. Cái chính là vượt qua được nỗi sợ hoặc hoàn cảnh của mình. Ví dụ hoàn cảnh của tôi có thể thuận lợi hơn trong quyết định đó vì vợ con tôi đang ở Thụy Sĩ này. Thế còn một người bạn của tôi trong nước có tư tưởng như tôi thì hầu như sẽ mất hết chứ không được một cái gì cả. Thật ra phải xác định cho mình một giới hạn xấu nhất của hành động của mình. Nếu mình vượt qua được cái đó thì mới chiến thắng được chính mình. Thật ra phải đúng thời điểm nữa, nhiều yếu tố hội tụ cùng một lúc nào đó thì nó mới thúc đẩy anh đi được. Không phải tự tử là dễ đâu. Tự tử phải có một thời điểm nào đó, chứ còn quá thời điểm đó không tự tử được.

VOA: Một giới chức Việt Nam xin tị nạn tại một nước phương Tây. Qua trường hợp của mình, ông muốn nói gì với quốc tế và với chính phủ Việt Nam?

Ông Đặng Xương Hùng: Tôi muốn thế giới biết rằng đó như một lời cảnh báo. Ví dụ ở Campuchea, phải có người chạy ra khỏi chế độ diệt chủng và tuyên bố với thế giới bên ngoài rằng “Chúng tôi đang bị diệt chủng” thì thế giới mới bắt đầu biết đến. Tôi muốn nói với thế giới: “Đấy tình hình Việt Nam hiện giờ là như vậy đấy. Hãy quan tâm hơn nữa để đưa Việt Nam trở lại với cộng đồng quốc tế, với thế giới văn minh, với tương lai tươi sáng hơn.”

Ông Đặng Xương Hùng bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983. Ông cho biết đi đến quyết định xin tị nạn chính trị từ tháng 10 năm ngoái khi ông chính thức tuyên bố ly khai khỏi đảng cộng sản Việt Nam.

Trước khi công bố quyết định xin tị nạn chính trị ở Thụy Sĩ, ông Hùng đã gửi một lá thư ngỏ tới phái đoàn báo cáo UPR của Hà Nội kêu gọi họ thừa nhận sự thật về những vi phạm nhân quyền tệ hại tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm các nước và cải thiện.

http://www.voatiengviet.com/content/mot-nha-ngoai-giao-vietnam-xin-ti-nan-chinh-tri-o-thuy-si/

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam