Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

TT Obama tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc nổi giận

Ông Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Phòng Bản đồ Tòa Bạch Ốc thay vì Phòng Bầu Dục, nơi tổng thống thường hội đàm với các nhà lãnh đạo thế giới

VOA - 21.02.2014 - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp kiến nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ Sáu. Trung Quốc đã nổi giận về cuộc tiếp xúc này và cảnh báo quan hệ với Mỹ sẽ bị tổn hại.

Cuộc hội kiến hôm thứ Sáu mang tính riêng tư và không cho báo giới tiếp cận.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết ông Obama nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với những truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của Tây Tạng. Ông ca ngợi phương thức đấu tranh bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma đòi thêm quyền tự trị cho Tây Tạng ở bên trong Trung Quốc.

Ông Carney cho biết Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tổng thống rằng ông không đòi hỏi Tây Tạng được độc lập và hy vọng sẽ tái tục đối thoại với giới chức Trung Quốc.

Ông Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Phòng Bản đồ Tòa Bạch Ốc thay vì Phòng Bầu Dục, nơi tổng thống thường hội đàm với các nhà lãnh đạo thế giới.

Giới chức Tòa Bạch Ốc nói tổng thống tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa mà quốc tế kính trọng.

Trước cuộc hội kiến, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Tòa Bạch Ốc hủy bỏ cuộc họp và cảnh báo về những hậu quả ngoại giao nghiêm trọng.

Trung Quốc nói Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng tôn giáo làm vỏ bọc cho việc tham gia vào những hoạt động ly khai chống Trung Quốc. Họ cũng cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động những người Tây Tạng ly khai tự thiêu như một hình thức phản đối. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn phủ nhận cáo buộc này.



Mặc dù ủng hộ nhân quyền cho người Tây Tạng, Mỹ công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và phản đối việc tuyên bố độc lập.

Ông Obama từng tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2010 và 2011 mà khi đó Trung Quốc không có hành động trực tiếp nào.

Nhiều người Tây Tạng ở Trung Quốc cáo buộc chính phủ thực hiện chiến dịch đàn áp tôn giáo và văn hóa trong khi đa số sắc dân người Hán dọn đến những khu vực từng là của người Tây Tạng trong lịch sử.

Trung Quốc nói người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tôn giáo và chỉ ra rằng những khoản đầu tư lớn vẫn tiếp tục đổ vào đã mang đến hiện đại hóa và mức sống cao hơn cho Tây Tạng.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam