Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Đôi điều về bệnh sởi tại Hà Nội

Một em bé bị bệnh sởi tại một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014. AFP PHOTO.

Vũ Hoàng - RFA - Trong những ngày vừa qua, các gia đình có trẻ nhỏ tại Hà Nội tỏ ra vô cùng lo lắng vì đang phải sống trong một môi trường của “cơn bão” mang tên bệnh sởi vì có đến trên 100.000 trẻ em chưa được tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng sởi.

Dễ bị lây chéo

Sau 4 tháng dịch sởi bùng phát và đã có nhiều bệnh nhân nhi tử vong, đến ngày 22/4, Bộ Y tế Việt Nam mới tổ chức tập huấn cho bệnh viện các tuyến về điều trị sởi.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 3.500 trường hợp mắc sởi trong số gần 9.500 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh thành và có 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Riêng tại Hà Nội, sau 3 năm không có dịch, Hà Nội phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc sởi vào tháng 12 năm ngoái và đến thời điểm này, Hà Nội có 14 trường hợp tử vong do sởi. Điều đáng lưu ý là các trường hợp tử vong hầu hết trước đó các bệnh nhân nhi chưa được tiêm vắc xin sởi, thường xuyên mắc các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi hay phải điều trị tại bệnh viện, tử vong do đồng nhiễm nhiều loại virus khác nhau.
Bệnh viện thì quá tải, mà vào trong đó thì cũng rất sợ vì nghe thông tin là vào viện Nhi dễ bị lây chéo vì chưa chắc đã là sởi mà vào đó lại bị lây sởi. -Chị Hương
Liên lạc với người thân của một gia đình có bệnh nhân nhi 19 tháng tuổi đang bị sởi giai đoạn đầu do chưa tiêm chủng, chúng tôi được chị Hương cho biết những thông tin liên quan khi đưa trẻ đến Bệnh Viện Nhi Trung Ương như sau:

“Cách đây khoảng 2-3 ngày tôi có đi cùng bạn tôi, đưa con đi vào khám ở Viện Nhi, lúc đầu thì nghi là bị sởi thôi, bây giờ thì cháu nằm trong đấy được 2-3 hôm rồi, bệnh viện thì quá tải, mà vào trong đó thì cũng rất sợ vì nghe thông tin là vào viện Nhi dễ bị lây chéo vì chưa chắc đã là sởi mà vào đó lại bị lây sởi. Con của bạn tôi lại chưa đi tiêm vắc xin nên cũng lo sợ, vào các bệnh viện khác thì sợ các bác sĩ tay nghề không cao, cháu bây giờ vẫn nằm theo dõi trong đấy, đang chuẩn đoán là sởi giai đoạn đầu thôi.”

Các gia đình có con cái bị bệnh sởi tại một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014. AFP PHOTO. Photo: RFA


Chị Hương cho biết ban đầu gia đình người bạn cũng tính là sẽ chuyển cháu sang bệnh viện khác nhưng nhìn chung khoa nhi của các bệnh viện khác tại Hà Nội cũng rất đông bệnh nhân và dẫu sao thì bệnh viện Nhi cũng là tuyến trung ương nên gia đình chấp nhận để cháu bé ở lại. Theo quan sát tại chỗ, chị Hương nói rằng do tình trạng quá tải mà các cháu bé phải nằm chen chúc trong các giường bệnh:

“Tình hình trong đó quá tải, không chỉ viện Nhi mà các viện khác có khoa về nhi nữa, hầu như khoa nào cũng quá tải hết, các cháu thường phải nằm khoảng 5-6 cháu / một giường cho các cháu dưới 1 tuổi, còn các cháu trên 1 tuổi thì 3-4 cháu / một giường. Máy hô hấp điều trị cho các cháu bị bệnh nặng cũng thiếu, thành ra, gia đình cũng rất lo lắng, nhưng bây giờ Bộ chưa công bố có dịch thì cũng không biết thế nào cả.”

Điều chị Hương lo lắng không phải không có cơ sở khi truyền thông trong nước liên tục đưa tin vì sao với số lượng bệnh nhân sởi và số tử vong nhiều như vậy mà Bộ Y Tế không cố bố dịch sởi. Để giải đáp thắc mắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 21/4 về các giải pháp phòng chống dịch sởi và kết quả tiêm phòng vắc xin, bà nhận xét: “Hà Nội đã giảm số người mắc bệnh, 2 tuần gần đây không có tử vong do sởi, điều đó cho thấy, bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội đang trong tầm khống chế, bởi vậy, Hà Nội chưa công bố dịch sởi ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp vói quy định cũng như thực tiễn.”

Bệnh viện quá tải do vượt tuyến?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sau khi đi khảo sát, bà nhận định rằng dịch sởi trên địa bàn Hà Nội nặng nhất trong cả nước vì chiếm 1/3 số ca mắc và trên 50% số người chết. Đồng thời, bà Bộ trưởng cũng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến dịch sởi nặng và nhiều trẻ tử vong, theo đó thì do “vượt tuyến” và dồn về bệnh viện Nhi trung ương, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện và do thời tiết, vì thế, số tử vong do bệnh sởi chủ yếu chỉ ở bệnh viện Nhi 95% mà không xảy ra ở các bệnh viện khác của Hà Nội.

Chúng tôi liên lạc trực tiếp với một nữ y tá bệnh viện Nhi vào tối ngày 22/4 và được y tá này cho biết những gì đang diễn ra tại chỗ:

“Mấy hôm nay thì cũng có vẻ giảm giảm hơn rồi, cũng có vẻ đỡ hơn vì trên Bộ nói là bệnh sởi ở tuyến nào cũng (chữa) được, không nên cho lên tuyến trung ương, tuyến dưới không vượt lên nữa, thì cũng giảm tải, đỡ đông hơn. Cho nên mật độ lên khám bây giờ cũng giảm rồi, không ùn ùn như trước.”
Mấy hôm nay thì cũng có vẻ giảm giảm hơn rồi, cũng có vẻ đỡ hơn vì trên Bộ nói là bệnh sởi ở tuyến nào cũng (chữa) được, không nên cho lên tuyến trung ương. -Một Y tá
Khi hỏi vị y tá này về tiến trình bệnh nhân nhập viên và các bước chuẩn đoán, chữa trị tiếp theo sẽ như thế nào, nữ y tá cho biết tiếp:

“Bây giờ vào, giả sử nếu nghi ngờ (bị sởi) thì người ta cho xét nghiệm ngay, làm CPR sởi, còn nghi ngờ người ta vẫn cho vào điều trị, còn nếu đúng là sởi thì người ta chuyển sang khu lây. Đông quá thì (bệnh nhân) nằm tràn sang các khoa khác, nếu bệnh nhân không bị lây thì cho đi các khoa khác, còn các khoa lây hay các khoa điều trị tự nguyện thì người ta phải bỏ đi để chứa bệnh nhân lây.”

Được biết, bệnh viện Nhi Trung ương ngày 21/4 điều trị cho 254 bệnh nhân, với 9 ca nhập viện mới, 2 ca mắc sởi chuyển từ khoa khác sang và 17 bệnh nhi phải thở máy. Bộ Y tế cũng khẳng định số trường hợp nhiễm sởi từ các khoa khác tại bệnh viện Nhi Trung ương trong 2 ngày 20 và 21 cũng giảm rõ rệt, mỗi ngày ghi nhận 2-3 trường hợp so với trên 10 trường hợp những ngày trước đó.

Trên website tiemchungmorong.vn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thì bệnh sởi là do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.

Khi trả lời phóng viên Việt Hà vào ngày 15/4, bác sĩ Trần Tịnh Hiền cho biết, trong trường hợp trẻ không may mắc bệnh sởi, phụ huynh chỉ nên đưa trẻ vào bệnh viện khi có nghi ngờ có dấu hiệu biến chứng:

“Phần lớn những bệnh sởi thì mình chỉ chăm sóc vệ sinh, tránh nó bị biến chứng thì cái bệnh của virut tự khỏi, hết chu kỳ thì nó tự khỏi. Chỉ trừ khi nó bị biến chứng do viêm não, hay viêm phổi do bội nhiễm, tiêu chảy gây suy dinh dưỡng ở trẻ thì nó có thể tử vong. Nếu trẻ bị thì mình phải chăm sóc vệ sinh cho trẻ. Nếu thấy có dấu hiệu biến chứng như trẻ lơ mơ, sốt viêm não có dịch, ho nhiều có đàm thì những trường hợp đó bắt buộc phải đưa vào bệnh viện còn chữa nhà không được. Còn các trường hợp khác thì mình có thể chăm sóc ở nhà vì nếu mang hết vào bệnh viện thì cũng không có lợi.”

Trong giai đoạn ngay trước mắt hiện tại, Bộ Y tế đang cho triển khai một số giải pháp nhằm hạn chế các ca tử vong cũng như giảm các biến chứng, tiêm phòng sởi miễn phí cho trẻ, nhiều bệnh viện cũng thành lập các khu vực cách ly bệnh nhân sởi và nâng cao sự phối hợp giữa các tuyến bệnh viện từ địa phương đến trung ương.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam