Trần An Lộc - Danlambao - Một bản tin vừa được Thanh niên online đăng ngày 30/3/2014 với tựa đề “Hàng triệu kiều bào có nguy cơ mất quốc tịch”, đã cho nhiều người Việt hải ngoại một trận cười no nê hơn cả những phim hài ăn khách nhất. Bản tin viết như sau (trích):
“TP - Hàng triệu kiều bào có nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam nếu đến ngày 1/7/2014 không đăng ký giữ quốc tịch theo quy định ở Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Nghị định hướng dẫn số 78/2009/NĐ-CP. Theo thống kê của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đến ngày 31/12/2013, mới chỉ có hơn 6.000 người làm thủ tục đăng ký, trong khi đang có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài”.
Nghiêm túc hơn, tôi, Trần An Lộc lại thấy vấn đề không phải chỉ là một chuyện để cười, mà chính nó lại là một bằng chứng hùng hồn về tinh thần chống cộng và thái độ không công nhận nhà nước CSVN của hầu hết người Việt trong và ngoài nước.
Thật thế, bản tin viết: “Mới chỉ có hơn 6.000 người làm thủ tục đăng ký, trong khi đang có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài”, nghĩa là mới chỉ có 0.13% tổng số người Việt đang sinh sống tại nước ngoài làm đơn xin làm công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam. Nói cách khác là 99.87% người Việt ở nước ngài không muốn dính dáng gì đến cái gọi là CHXHCNVN này.
Đây quả thực là một cuộc bỏ phiếu, một cuộc trưng cầu dân ý, một thái độ rõ ràng minh bạch nhất của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại trên khắp thế giới về mức tín nhiệm của họ với đảng CSVN và nhà nước CHXHCNVN do đảng này độc tôn lãnh đạo.
Bài báo sau đó dù có con cà con kê loanh quanh đổ lỗi cho hết lý do này đến lý do kia, nhưng càng nói thì lại càng “lạy ông tôi ở bụi này” là họ đã hoàn toàn thất bại trong việc thi hành nghị quyết 36-NQ/TW và mọi tuyên truyền xảo trá, bịp bợp của đảng cộng sản cho tính chính danh của chế độ và về mức ủng hộ của người Việt hải ngoại nói riêng và của toàn dân Việt Nam nói chung đối với đảng CSVN.
Cũng cần nói thêm về con số 6000 người đã xin “đăng ký giữ quốc tịch”. Họ là những ai? Dù là con số nhỏ nhoi trong con số khổng lồ 4,5 triệu, nhưng chính con số này cũng còn nhiều nghi vấn - 6000 người này xin “giữ quốc tịch” có thật sự là họ muốn làm công dân của nước CHXHCNVN chịu sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN hay không? Câu trả lời dứt khoát là không, bởi lẽ phần lớn những người này phải mất công làm cái chuyện ruồi bu này, chỉ vì họ vì công việc nên thường xuyên phải đi lại giữa nước tạm dung và VN nên họ buộc lòng phải xin cái mảnh giấy lộn này, để được dễ dãi, an toàn và tiết kiệm được gần trăm đô tiền lệ phí mỗi lần xin visa nhập Việt Nam. Vì vậy con số người thật sự muốn “làm công dân nước CHXHCNVN” mà xin “giữ quốc tịch” thì lơ thơ tơ liễu muông mành, vài ba mạng đếm trên đầu ngón tay là điều khó có thể chỗi cãi. Như vậy thì cái tỷ lệ 99.87% kia cũng chỉ gần đúng, con số thật sự của nó chí ít cũng phải là 99.99% hi hi hi...
Nói tới “chọn” hay “bỏ phiếu” hay “trưng cầu dân ý” thì dân tộc Việt Nam của chúng ta (khốn thay) chưa hề có diễm phúc này.
Trong lịch sử 4000 năm dựng nước, chỉ có 2 lần “một bộ phận không nhỏ” người dân được quyền “bỏ phiếu”, nhưng lại là “bỏ phiếu bằng chân” theo cách nói của truyền thông quốc tế. Nói nôm na thì những người Việt khốn khổ ấy đã buộc phải chạy. Vắt chân lên đầu mà chạy. Gạt nước mắt từ bỏ mồ mả ông cha, thân bằng quyến thuộc, ruộng vườn đất đai mà chạy. Chạy thục mạng. Chạy bán sống bán chết. Chạy mà không dám ngoái cổ lại.
Lần “bỏ phiếu bằng chân” thứ nhất diễn ra vào năm 1954, khi đảng CSVN bắt tay với đế quốc Pháp và quan thầy Nga Tầu cắt đất nước Việt Nam ra làm hai theo Hiệp định Geneve, lấy sông Hiền Lương vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Xin mở dấu ngoặc ở đây là trong hội nghi Geneve, đại diện của những người không cộng sản là Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam, ngoại trưởng Bác sĩ Trần Văn Đỗ đã khóc mà không ký vào văn bản chia đôi đất nước này.
Như kết qủa của Hiệp định, Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở lên là nước VNDCCH do đảng Cộng sản lãnh đạo, và miền Nam tứ vĩ tuyến 17 đổ xuống là Quốc Gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại đứng đầu. Dân 2 miền được quyền chọn miền Nam hay miền Bắc. Và dù đảng CSVN dùng trăm mưu ngàn kế, kể cả bạo lực, mã tấu và súng... người dân ở những nơi ít bị Việt cộng ngăn cản đã bế bồng nhau mà chạy. Con đường ngắn và dễ nhất là chạy ra biển: nơi có tầu há mồm của hải quân Pháp và đồng minh chờ đón chở họ vào miền Nam. Những vùng không có biển thì đành chịu, cũng có một số đi đường bộ (qua Lào, qua Miên, vượt Trường Sơn) nhưng số này không đáng kể. Điều này giải thích tại sao những người di cư năm 1954 toàn dân các vùng ven biển: Hải tiền, Hải hậu, Nam Định, hoặc Bùi chu, Phát Diệm... có hơn một triệu người đã “bỏ phiếu” bằng đôi chân và tìm được tự do nơi miền Nam trù phú yên bình mà cộng sản tuyên truyền là “không có lá trầu mà ăn”! Lương tâm nhân loại rúng động và từ ngữ “Bỏ phiếu bằng chân” ra đời từ đó.
Lần “bỏ phiếu bằng chân” thứ hai xẩy ra sau khi Bắc quân cộng sản “giải phóng” miền Nam. “Giải phóng” kiểu gì mà sau khi 200,000 quân cán chính VNCH bị trả thù mút chỉ trong các trại khổ sai lao động gọi là “cải tạo” thì đảng đã lột sạch, vét sạch tất cả của cải miền Nam đem về bắc bằng các lần đổi tiền và chiến dịch đánh tư bản. Người dân miền Nam bây giờ mới té ngửa là họ bị “phỏng dái” (nói theo văn chương Nguyễn Bá Chổi) chứ không hề được “giải phóng” và thế là họ lại tìm cách chạy. Lần chạy này bi thảm, khó khăn hơn hơn vì Việt cộng đã nắm chính quyền ở cả hai miền và vì quốc tế đã đến lúc kiệt quệ không còn quan tâm đến một nơi có cái tên gọi là Việt Nam nữa. Con đường “dễ nhất” vẫn là chạy ra biển. Bất chấp đại dương mênh mông, bất chấp cướp biển hãm hiếp, bất chấp làm mồi cho cá, người ta cứ chạy. Già chạy. Trẻ chạy. Con nít cũng chạy. Nông dân chạy. Người thành thị chạy. Trí thức chạy. Bác đạp xích lô chạy. Chị bán hàng rong chạy. Cái cột điện nếu có chân thì cũng chạy... Người dân miền Nam bây giờ mới biết thế nào là cộng sản, nên vắt đầu lên cổ mà chạy... Nước Biển đông bỗng chốc đổi thành mầu máu... hai triệu người chạy ra biển bằng những chiếc tầu ọp ẹp chỉ dùng trong sông. Cướp biển hãm hiếp hàng trăm ngàn thiếu nữ rồi quăng xác xuống biển. Kệ. Chạy. Không chạy thì chết mà chạy thì có cơ thoát và nếu có chết cũng chết nhanh chứ không chết khắc khoải, chết từ từ, chết tủi nhục dưới bàn tay cộng sản... Vì thế người ta bất chấp. Hơn hai triệu người (sân Mỹ Đình chỉ chứa được 70,000 người) loi ngoi ngoài biển mà không có một cái tầu há mồm nào hứa hẹn ngoài biển cả mênh mông để cứu vớt... thế mà vẫn lao ra biển. Mất những số tiền kếch xù để được ra biển... Thật kinh dị và phi thường. Kết quả là chỉ có hơn triệu người thoát, còn một nửa thì mất xác trong lòng biển Đông. Điểu này chứng minh Còn nỗi sợ nào hơn nỗi sợ cộng sản. Cuộc “bỏ phiếu bằng chân” bi thảm này một lần nữa lại rúng động lương tâm thế giới. Và từ ngữ “Boat people” ra đời. Cả thế giới đã mở vòng tay nhân ái cứu giúp những con người can trường liều chết vì hai tiếng Tự Do. Và Cộng đồng Người Việt tỵ Nạn cộng sản ra đời trên khắp năm châu bốn biển từ đấy.
Để kết luận bài viết này tôi có vài lời gửi ông Hà Sĩ Phu - một người mà tôi ngưỡng mộ - Về vấn đề “chọn lựa” này. Số là tôi có đọc được bài viết “Dư Âm Của Những đám Tang“ của ông Tưởng Năng Tiến trong đó trích lại đoạn viết của ông Hà Sĩ Phu, như sau:
Trích: “- Hà Sĩ Phu: Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường rầy Phan Chu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thuỵ Điển bây giờ thì sao nhỉ? Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:
- không có cuộc đánh Pháp 9 năm
- không có cuộc “Nam Bắc phân tranh lần thứ 2” dẫn đến cuộc đánh Mỹ
- không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
- không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
- không có lý do gì phải tiến hành cuộc “đổi mới hay là chết”
- không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước tòa cho thiên hạ xem, vân vân…”
“Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc…”
“Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không chọn Phan Chu Trinh. Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.”
Thưa ông Hà Sĩ phu, ông bảo rằng: “Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.” tôi e có điều không ổn. Vì theo tôi, đối chiếu với những gì tôi viết ở trên thì dân tộc Việt Nam chúng ta, thật sự đã có lần nào được “bỏ phiếu” để lựa chọn đâu? Nếu có thì chỉ có hai lần “một bộ phận nhỏ” người Việt bất hạnh đã tự mình “bỏ phiếu bằng chân” (như đã viết ở phần trên) chứ cả dân tộc chưa một lần được diễm phúc này, ông ạ.
Tất cả những gì mà đảng CSVN có ngày hôm nay chỉ là do người dân hiền lành chất phác mà đa số chưa được “khai dân trí - chấn dân khí” bị lừa bịp và do bị khủng bố, bị ép buộc, mà ra thôi.
Tôi mong rằng cuộc bỏ phiếu thứ ba của cộng đồng người Việt Hải ngoại này - một nơi nằm ngoài sự kiểm tỏa của đảng CSVN - nơi có tự do lựa chọn giữ hay không giữ, xin hay không xin quốc tịch của nước CHXHCNVN dưới sự lãnh đạo toàn trị của đảng CSVN (mà số không xin, không giữ lên đến gần 100%, theo tài liệu của cộng sản)- sẽ làm ông công tâm minh định lại điều mình đã viết, vì nó chẳng những không đúng sự thật mà còn nhục mạ biết bao vong linh người đã nằm xuống vì muốn chọn sống trong tự do thay vì chọn sống trong thiên đường cộng sản. Tôi nghĩ rằng ông Hà Sĩ Phu đã nợ dân tộc Việt Nam một lời xin lỗi về sự khẳng định vội vã này.
Trần An Lộc
danlambaovn.blogspot.com