Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Alan Phan: Cho Người Thiện Tâm…


Theo Góc Nhìn Alan - Share
20 December 2014 - Nếu bạn không có Giáng Sinh trong trái tim, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó dưới cây thông Noel (He who has not Christmas in his heart will never find it under the tree – Roy L. Smith) 

Vài ngày trước, câu trả lời ngắn gọn của tôi cho comment của một đọc giả tạo nên một làn sóng email làm tôi ngạc nhiên. Chuyện tự hào dân tộc quả là rất lớn lao ở xứ này. Người bạn yêu nước và yêu bóng đá này viết,” đừng làm anh hùng bàn phím, hãy làm gì cho đất nước tự hào rồi mới được mở miệng…” Tôi đáp,” nếu đây là một điều kiện hiến định cho tự do ngôn luận, thì chúng ta phải đóng cửa hết hệ thống VTV, VTC…và 700 tờ báo lề Đảng sao? Còn các quan chức thì phải ngậm miệng ăn tiền à? Kỳ quá”. Rồi tôi suy nghĩ thêm và viết tiếp,” Thực ra, tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị này. Sau gần trăm năm, hai lỗ tai tôi bị ô nhiễm khá tồi tệ với những cái loa nhảm nhỉ, có lẽ chúng cũng cần nghỉ ngơi và tĩnh lặng…” 
Share

Nhất là trong những đêm mùa đông đem theo cái lạnh buốt người đang từng bước quay về. Tôi khá bận rộn với những sổ sách, thuế má cuối năm cho công việc, nhưng vẫn còn vài giây phút rãnh rỗi để “tâm tư” với bạn bè, thân hữu qua các bài viết. Tuy nhiên, tôi không biết viết gì. Bao nhiêu câu hỏi phỏng vấn qua emails, bao nhiêu yêu cầu về bài cho báo xuân…tôi phải né tránh. Vì những âm thanh và cuồng nộ (the sound and the fury) từ quê nhà hay từ thế giới bao phủ đầu óc và nhận thức, tạo nên một lớp sương mù dầy đặc khiến chúng ta dễ lạc lối. Sự thật hay góc nhìn nào của tư duy cũng dễ dàng bị cảm xúc nhất thời chế ngự, gây nguy hiểm cho bất cứ quyết định nào về tương lai. 

Do đó, mùa lễ cuối năm là dịp may để có thì giờ rãnh rỗi nhìn lại hành trình năm qua, những sự kiện hiện tại đang uốn nắn tương lai và những điều chỉnh cần thiết để đạt mục tiêu cho ngày tháng còn lại. 

Tôi đã qua 69 mùa Noel. Ngoài những năm còn bé chưa biết gì, những ấn tượng lúc sâu đậm lúc hời hợt của quá khứ vẫn tràn phủ khi nghe lại “Bài Thánh Ca Buồn” (phải Elvis Phương hát) và những tiếng chuông lúc lắc cùng bầy trẻ ngân nga “Jingle Bells”. Năm của tình yêu đầu đời khi nắm tay người yêu bên Vương Cung Thánh Đường, năm của nghèo đói với gia đình lóc nhóc vừa đến Mỹ định cư, năm của “phồn vinh giả tạo” khi cùng cô siêu mẫu đi sắm quà ở Paris, năm của cô đơn khi còn là học sinh co ro bên cạnh con đường dốc Đà Lạt, rồi nằm nghe tiếng súng và tiếng chuông hoà lẫn giữa đêm…. 

Mỗi kỷ niệm là một tấm thiệp mừng tôi trân trọng nhận, dù chỉ vài nét chữ đơn sơ hay một công trình nghệ thuật thêu trên lụa. Và tôi nhận ra một điều, những ký ức đó hoàn toàn không có những con số kiểm toán hay môi trường kinh doanh hay tình hình thế giới. Tôi có thể nhớ nhiều chi tiết nhỏ của từng ngày lễ đã qua, nhưng sẽ không trả lời được là năm đó mình giàu hay nghèo, thế giới thực sự bình an hay chiến tranh, con người đang văn minh hay đồ đá… 

Tôi chỉ biết là dù thế nào, trong những tĩnh lặng thiêng liêng của không gian, tôi đã rất bình an trước mọi chuyện. Như một con thuyền nhỏ trôi trên sóng, lớn hay nhỏ, vẫn mênh mang tự tại, tin vào một định mệnh luôn tốt đẹp hơn sau bức màn sương. 

Năm nay, như mọi năm, thế giới cố gắng biến đổi nhiều để thích ứng tìm giải pháp cho mọi vấn đề của con người. Trong khi giới trẻ của kỹ thuật số nhộn nhịp với Iphone, công nghệ Uber, giấc mơ IPO cho công ty garage của mình, thì châu Phi quằn quại với Ebola, nhiều cuộc nội chiến, khủng bố bắt cóc. Khắp nơi, ai cũng bị thu hút vào lý do mất tích của những máy bay của Malaysian Airlines, những trận thư hùng của Đức ở World Cup, sự tàn bạo của ISIS, vụ giá dầu giảm mạnh, đồng Mỹ kim lên ngôi, Nga Tầu đang muốn liên minh chống Âu Mỹ với phản ứng phụ là cuộc chiến Ukraine và liên hệ Mỹ-Cuba. 

Việt Nam thì vẫn là Việt Nam. Mặc cho âm thanh của thế giới và cuồng nộ của những người đã sáng mắt, nhà cầm quyền và đa số người dân vẫn kiên định xây dựng một cái lều theo mẫu thiết kế từ trăm năm nay. Chúng ta vẫn hạnh phúc nhất nhì trong văn hoá vỉa hè, kèm theo những giờ nhậu và cà phê quên nghỉ, mặc cho rác rưởi và chất thải lềnh bềnh khắp nơi, dù giữa mưa triều cường hay trong nắng nóng khô gắt. Mặc cho các dự đoán lạc quan từ bộ loa tuyên vận và cheerleading crowds từ những tư bản đỏ-trắng, nội- ngoại, có lẽ mức sống và thu nhập của người Việt vẫn sẽ đội sổ thế giới trong vài thập niên tới. Chuyện nợ xấu, nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ tham nhũng, nợ bất động sản, nợ thuế phí, nợ quan chức, nợ Trung Quốc…thì muôn đời sẽ vẫn là nợ…vì nó đã trở thành chuyện hàng ngày của huyện. 

Nhiều người gọi đó là lời nguyền của Tạo Hoá, cho những ai quá “khôn” với “tiền rừng bạc biển” và “cơ hội”. Cứ hỏi Nigeria hay Zimbabwe. 

Có lẽ vì vậy mà mỗi năm, dư âm của câu hát “bình an dưới thế cho người thiện tâm” vẫn vang vọng như một lời nhắc nhở. Rằng mặc cho ngoại cảnh có tiêu điều, mỗi con người vẫn còn được lựa chọn trong tư duy và kiến thức cho cá nhân, nhất là khi đắm mình vào tĩnh lặng của một ngày lễ thánh. Một chánh quyền thời Trung Cổ có thể bỏ tù anh lái đò chuyên chở món quốc cấm gọi là sự thật, nhưng thế giới số ngày nay có quá nhiều con đò, quá nhiều sự thật (hay góc nhìn), quá nhiều phương tiện tiếp cận, quá nhiều tâm huyết vô vụ lợi…để một bàn tay có thể che ánh mặt trời. 

Cho nên trong cái dằn vặt bởi sự phi lý của nhân tình và sự ngu xuẩn của đám đông, thông điệp của đêm đông lạnh lẽo năm nay là hãy chung tay đốt lửa, để trừ đuổi tà ma và sưởi ấm những con người thiện tâm. Mặt trời vẫn sẽ mọc ngày mai…. 

Have yourself a merry little Christmas….. 

Alan Phan 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam