Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Vũ Hoàng: Nhạc Giáng Sinh 2014

Mùa Giáng Sinh ở Hoa Thịnh Đốn. Cây Giáng sinh ở tòa Nhà Trắng 2014. Courtesy michellepictures.com


Theo RFA - Share
Một mùa giáng sinh lại về trên khắp ngả đường, con phố, mùa Thiên Chúa giáng sinh, mùa của yêu thương và hy vọng… Và khi đất trời hoan ca, rộn rã đem hơi ấm xua tan đi lạnh giá của tiết trời đông, khắp nơi nơi những bản nhạc thánh ca bất hủ về mùa Giáng Sinh lại vang lên… Sự tin yêu và hi vọng đang tỏa sáng, làm dịu bớt những nỗi đau và mất mát của những mảnh đời bất hạnh đâu đó vẫn tồn tại trong xã hội này…

Mùa của bình an, sum họp lại về khắp nơi trên thế gian, những nẻo đường, góc phố từ vài tuần trước lễ Giáng sinh đã rộn rã không khí nhộn nhịp đón chào ngày lễ Thánh. Những khu trung tâm thương mại, các cửa hàng quà tặng đèn hòa rực rỡ, trang hoàng lộng lẫy với màu sắc đỏ trắng đặc trưng … màu đỏ trang phục truyền thống của ông già Noel và màu trắng của hoa tuyết... Từ những ngôi nhà thờ lớn và cổ kính ở thành thị cho đến những ngôi nhà thờ nhỏ ở vùng thôn quê heo lánh đều trang hoàng một hang đá với những cây thông lấp lánh… nhiều xóm đạo cùng nhau giăng đèn phủ kín cả con phố… mạng lại những cung bậc cảm xúc khác thường. Khắp phố phường dường như ngập tràn trong một không khí lễ hội với muôn ngọn nến sáng lấp lánh mùa Noel, ánh nến hân hoan thắp sáng mùa Vọng trong lòng người Ki-tô, mong đợi ánh nến sáng tin mừng Chúa phục sinh cứu chuộc cho nhân loại.

Ngày Lễ Giáng Sinh

Chúng tôi muốn xin được dành chút thời gian để cùng quí vị tìm hiểu về một số những biểu tượng đặc trưng của ngày lễ lớn này trên thế giới.

Lễ Giáng Sinh là kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, Christmas, Noel hay Xmas, ở nhiều quốc gia mừng ngày này vào đêm 24, ngày 25 tháng 12. Khi nói lời chúc mừng ngày Giáng Sinh, người ta thường gắn với từ: Merry Christmas – “merry” mang nghĩa một niềm hân hoan, cảm giác ấm áp, hanh phúc. Theo sử sách cho biết, người nói cụm từ “Merry Christmas” đầu tiên là một sĩ quan hải quân, ông viết trong một bức thư thân mật vào năm 1699. Vào dịp lễ Giáng Sinh, không chỉ những giáo dân Thiên Chúa mà hầu như tất cả mọi người đều gửi lời chúc đến cho nhau “Merry Christmas.”

Thông thường, vào dịp lễ Giáng Sinh, trên bàn tiệc, người ta thường thấy chủ nhân của ngôi nhà đặt Vòng Lá Mùa Vọng, vòng lá tròn này được kết bằng lá xanh nói lên sự hi vọng Đấng Cứu Thế sẽ cứu rỗi những linh hồn, hình tròn nói lên tính vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Đôi khi vòng lá mùa vọng này cũng được trang trí với 4 cây nến thắp sáng 3 màu tím, một màu hồng, màu tím tượng trưng màu của Mùa Vọng, màu hồng là màu của Chúa Nhật Vui Mừng.

Vào dịp lễ Giáng Sinh một trong những tục lệ không thể thiếu được là gửi quà mừng cho nhau. Những món quà không cầu kỳ đắt tiền nhưng thường được các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân gửi tặng nhau. Những món quà này cũng mang ý nghĩa tượng trưng để tưởng nhớ về món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Khi chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong máng cỏ, ba vị vua phương Đông đã đến bày tỏ sự thành kính với 3 món quà: vàng, trầm hương và mộc dược. Vàng tượng trưng cho vua, trầm hương tượng trưng Jesus là Thiên Chúa và mộc dược thể hiện hình ảnh Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá, đó cũng cái chết của Người để cứu chuộc cho nhân thế.

Một biểu tượng không thể thiếu của dịp Giáng Sinh là những cây thông Neol. Cây thông Noel có nguồn gốc từ Đức thế kỷ 16, bởi cây thông có thể chịu được thời tiết giá rét khắc nghiệt và mang màu xanh vĩnh cửu, đó là biểu tượng của niềm hi vọng và sức sống mới trong lễ hội đón chào năm mới. Thế kỷ 19, cây thông Noel được sử dụng rộng rãi ở Anh và đến tận năm 1820, cây Noel mới chính thức xuất hiện ở Mỹ.

Một trong những hình ảnh mà người ta thường bắt gặp vào mỗi dịp Giáng Sinh đó là ngôi sao năm cánh, xuất hiện rực rỡ đủ sắc màu. Ngôi sao này thường được treo ở đỉnh của cây thông hay ở nơi cao nhất của tháp chuông nhà thờ, rồi từ đó những dải màu căng ra theo 4 phía. Tương truyền cho hay, khi Chúa vừa chào đời thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ, ánh sáng tỏa rạng ngời… ngôi sao tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.

Bên cạnh đó, hình ảnh những chiếc bít tất màu đỏ ngộ nghĩnh cũng hay được sử dụng trang trí vào ngày lễ Giáng Sinh. Chuyện kể rằng, nhà kia có 3 cô gái đến tuổi lập gia đình nhưng vì gia cảnh quá nghèo nên không thể lấy chồng. Đức Giám Mục Myra thương xót nên ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của 3 cô gái, những đồng tiền vàng này rơi trúng vào những đôi tất mà các cô đang hong bên lò sưởi… Và để được nhận quà và những điều may mắn, ngày nay, trẻ em thường treo bít tất ở cạnh lò sưởi để mong nhận quà từ ông già Noel…

Một hình ảnh quen thuộc vào dịp lễ Giáng Sinh là ông già Noel. Nguồn gốc của ông già Noel (Santa Claus) hay Thánh Nicholas bắt đầu từ thế kỷ thứ 4. Từ nhỏ, thánh đã là một người rất ngoan đạo và cống hiến cả cuộc đời mình cho đạo Cơ Đốc. Sử sách ca tụng Thánh Nicholas rất yêu thương trẻ em, ông là người được trao gửi những ước mơ của biết bao con trẻ. Ông mặc quần áo đỏ, đội chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ, đi đôi giày cao cổ đen, mái tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết, ông cưỡi xe tuần lộc mang quà đến cho mọi trẻ thơ.

Bên cạnh, màu đỏ rực rỡ của ông già Noel là màu đỏ của cây hoa trạng nguyên. Truyền thuyết kể rằng, có một bé trai không có quà dâng lên Chúa Hài Đồng, em mang đến máng cỏ một chùm lá cây, em bị người ta chế nhạo, thế nhưng thật kỳ lạ những nhánh lá dưới chân chúa đã biến thành những bông hoa đỏ rực rỡ…

Cũng với màu trắng đỏ, chiếc gậy kẹo lại mang một ý nghĩa khác. Màu trắng thể hiện sự trong trắng và vô tội của chúa Jesus, ba sọc đỏ tượng trưng cho những gì mà ngài phải gánh chịu khổ hình thay cho nhân loại, đôi khi người ta còn lý giải 3 sọc đỏ thể hiện sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh Thần. Nhìn vào cây gậy kẹo uốn cong còn khiến người ta liên tưởng nó giống cây gậy chăn cứu vì Chúa cũng là người chăn dắt đàn con chiên.

Vũ Hoàng xin được thay mặt toàn ban Việt Ngữ gửi tới quí vị lời chúc một Giáng Sinh đầm ấm, an lành và sum họp đoàn viên bên gia đình và người thân. Merry Christmas!!!

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam