Bảng niêm yết giá ngoại tệ đối với đồng rúp của Nga bên ngoài một văn phòng giao dịch tại Moscow ngày 12 tháng 12 năm 2014. AFP photo
|
Nền kinh tế Nga đang suy yếu do việc cấm vận của phương Tây và giá dầu sụt giảm, việc này có ảnh hưởng ra sao đối với quan hệ thương mại Việt Nga, Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội.
TS Lê Đăng Doanh: Việc đồng rúp giảm giá, và nhất là gần đây có hiện tượng giảm rất đột ngột, ví dụ như ngày hôm qua, trong một ngày mà giảm tới 11%. Và tính từ đầu năm đến nay, theo nhiều nguồn tin khác nhau thì đồng Rúp giảm đến 40 đến 50%, việc này ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước Nga, và cũng có ảnh hưởng nhất định đến thương mại giữa Việt Nam và nước Nga. Ví dụ như là khách du lịch Nga đến vùng Nha Trang và Mũi Né đã giảm đáng kể.
Bây giờ chắc chỉ còn khoảng 30%, việc này làm cho các khách sạn nhà hàng ở vùng đấy trước giờ chuyên môn hóa để đón khách Nga, ví dụ như là các khách sạn nhà hàng đều có bảng hiệu bằng tiếng Nga, thì nay đang gặp khó khăn lớn. Thứ hai nữa là quan hệ xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì sức mua của Nga giảm, việc thanh toán bằng đồng đô la chắc chắn gặp khó khăn. Điều này sẽ làm giảm việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và việc thanh toán của Nga bằng đồng ngoại tệ. Còn về lâu dài thì nếu kinh tế Nga vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sẽ có thể ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga ở Việt Nam.
Kính Hòa: Với những ngành có hàng hóa xuất khẩu sang Nga thì ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất thưa Giáo sư?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ các ngành như là dệt may, xuất khẩu hàng da giầy, xuất khẩu các sản phẩm điện tử có thể là ảnh hưởng mạnh. Trong khi đó thì xuất khẩu hàng nông sản thì Nga đang cần và hiện đang bị các nước Liên minh châu Âu cấm vận, cho nên có thể các mặt hàng nông sản vẫn được Nga nhập khẩu và có khả năng thanh toán bằng đồng đô la vì đấy là những mặt hàng nước Nga đang cần và họ không thể nào thay thế được.
Kính Hòa: Giáo sư có thể nói thêm về các dự án đầu tư của nước Nga tại Việt Nam?
TS Lê Đăng Doanh: Hiện nước Nga có nhiều cam kết trong ngành dầu khí, và ngành dầu khí của Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện các việc đó. Nhưng nếu giá dầu giảm đến một mức độ nhất định thì các công ty Nga sẽ phải tính toán lại cái tỉ suất lợi nhuận để xem các dự án khoan dầu còn có thể có lợi hay không. Nếu không thấy có lợi nhuận thì tôi nghĩ là họ sẽ xin giảm tiến độ để chờ tình hình cải thiện khi giá dầu lên thì họ sẽ tiếp tục, chứ tôi không tin là họ sẽ bỏ những dự án đó.
Kính Hòa: Việt Nam và những doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để đối phó với các khó khăn hiện thời và những dự báo không sáng sủa của nền kinh tế Nga?
TS Lê Đăng Doanh: Bài học của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam là không nên bỏ trứng vào một giỏ. Các doanh nghiệp vùng Mũi Né và Nha Trang thì đã quá say sưa với khách Nga, chỉ hoàn toàn toàn chuyên môn hóa vào một khách hàng. Các cửa hàng, các nhà hàng có biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Nga. Điều đó cũng không gây thiện cảm cho các du khách không phải người Nga. Nhiều người nước ngoài đến đó và nói lại với tôi là họ lấy làm không hài lòng vì đã rơi vào một thành phố Nga, rồi thì là sau 10 giờ đêm có những người Nga say sưa cầm chai rượu đi ca hát ngoài đường, cái điều đó cũng không phù hợp với một số du khách châu Âu.
Tôi nghĩ bài học là Việt Nam nên tìm cách đa dạng hóa thị trường. Hiện nền kinh tế Nga đang sút giảm thì tôi nghĩ là ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng đa dạng hóa. Gần đây các đơn đặt hàng của ngành dệt may và da giày tăng lên mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng quá cả công suất của họ. Tôi nghĩ là ngành dệt may và da giày không có tác động gì nặng nề.
Kính Hòa: Tức là những đơn đặt hàng từ những thị trường khác chứ không phải thị trường Nga phải không Giáo sư?
TS Lê Đăng Doanh: Vâng, từ những thị trường khác. Vả lại giao thương giữa Việt Nam và Nga vẫn còn khiêm tốn so với lại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay là các nước ASEAN khác.
Kính Hòa: Xin Tiến sĩ cho câu hỏi cuối là trong việc giao thương giữa Nga và Việt Nam thì cộng đồng người Việt ở Nga đóng một vai trò quan trọng, đôi khi cũng không thấy được qua các con số kinh tế thống kê. Thưa Giáo sư trong cuộc khủng hoảng hiện thời và có thể là trong tương lai nữa, thì Giáo sư đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng lên cộng đồng người Việt ở Nga và sự đóng góp của họ trong sự giao thương giữa đôi bên?
TS Lê Đăng Doanh: Cộng đồng người Việt ở Nga thì rất là đa dạng, nhưng mà cộng đồng người Việt sống bằng kinh doanh ở vùng Mát Cơ Va thì bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì họ thường là nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang để bán, nay đồng Rúp giảm giá quá nhiều nên giá tăng rất nhanh, nhưng giá hàng trên thị trường Nga lại không tăng nhanh bằng sự mất giá của đồng Rúp. Cho nên là hiện nay họ mất khả năng thanh toán, họ chịu thua lỗ. Đã có hiện tượng kho hàng ứ đọng và hiện tượng nợ dây chuyền giữa người Việt Nam này với người Việt Nam khác, người Việt Nam nhập khẩu không thanh toán được, và người bán hàng hiện nay cũng không thanh toán được.
Tôi nghĩ là cộng đồng người Việt làm kinh tế ở Nga nên xem xét lại việc kinh doanh, phải chuyển hướng kinh doanh, và phải tìm một cái cách để mà sống sót trong cái cơn bão rất là nặng nề và cay đắng này. Tôi rất thông cảm với họ trong tình hình nước Nga hiện nay.
Kính Hòa: Xin cám ơn Tiến sĩ đã dành thời giờ cho đài Á châu tự do thực hiện cuộc phỏng vấn này.