Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Em Bụi - Duyệt lại "Thành tích chết người" của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến



Nguyễn Thị Kim Tiến, bà phải từ chức!!! 

Theo Danlambao - Share
Năm 2013, hàng loạt ca tử vong bất thường, những bê bối trong ngành y tế bị phát giác khiến người dân Việt trong và ngoài nước vô cùng phẫn nộ. Trước tình hình đó bà bộ trưởng bộ Nguyễn Thị Kim Tiến lắp bắp tuyên bố: "Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; Lỗi do người tiêm, xử người tiêm; Lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật..." 

Khi không còn đổ lỗi cho ai được nữa thì bà tuyên bố... đầu hàng và gửi thư cầu cứu đến Bộ công an. Năm 2014, dưới cái "ngai bằng vàng" của bà Tiến đã liên tục xảy ra ít nhất 203 ca tử vong, trong đó nhiều nhất là 142 ca liên quan tới Sởi và 34 ca liên quan tới mẹ, con sản phụ tử vong sau khi sinh. Ấy thế mà bà vẫn nhất quyết không chịu rời ghế, còn dày mặt tuyên bố "Với sự nát bét của ngành y như bây giờ, không có ai làm tốt hơn tôi thời điểm này, nếu các vị chỉ ra ai làm giỏi hơn, tôi sẽ từ chức để họ làm..."

Sau đây chỉ là thống kê sơ bộ (có thể có thiếu sót) những ca tử vong trong năm 2014 đã được đăng tải trên các hệ thống truyền thông nhà nước.

Dịch Sởi

Dịch Sởi được phát hiện vào tháng 1 năm 2014, bệnh đã bùng phát ở 24 tỉnh, thành bao gồm Sài Gòn và Hà Nội, với 993 ca bị nhiễm và 7 tử vong trên toàn quốc. Đến 30 tháng 5 số ca tử vong ít nhất là 142 ca và 21.639 nhiễm bệnh. (Wiki)

Giữa tháng 4, 2014 Dịch Sởi đã có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố, con số tử vong ít nhất 114 ca, 85.000 ca bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên Bộ trưởng y tế vẫn cương quyết "ỉm bệnh", khẳng định không công bố dịch bệnh và đưa ra lý do "Việc Hà Nội có công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành Y tế không có thẩm quyền bắt phải công bố hay không công bố dịch" (Baophatluat) và "UBND TP Hà Nội chưa công bố dịch là hợp lý, vì nếu công bố dịch sởi trên toàn TP thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành, đi lại, du lịch... của thành phố". (Baodatviet)

Không dừng lại ở đó, ngày 17/4/3014, bệnh viện Nhi Trung Ương cấm phóng viên đưa tin về tình hình bệnh sởi.

23/4/2014, TT Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng phê bình công tác chỉ đạo điều hành trong việc phòng chống dịch và yêu cầu Bộ Y Tế "rút kinh nghiệm". Cũng từ ngày 23 tháng 4, báo chí Việt Nam rơi vào trạng thái “hạn chế” đưa tin về dịch sởi, mặc dù tới thời điểm đó, dịch sởi không có chiều hướng giảm đi như lời bộ trưởng Kim Tiến nói mà số trường hợp tử vong ít nhất đã là 119 ca.

21/4/2014, Trên cương vị đứng đầu ngành y tế, Bà Kim Tiến đã đưa ra 4 nguyên nhân "đổ thừa" khiến dịch sởi nặng, nhiều trẻ tử vong:

- Thứ nhất, trẻ không được tiêm vắcxin.

- Thứ hai, bệnh nhân đổ dồn đến Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dẫn đến quá tải.

- Thứ ba, bệnh nhân dồn quá đông vào một vị trí dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.

- Thứ tư, khí hậu miền Bắc từ sau Tết Âm lịch đến nay ẩm liên tục khiến virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh.

30/5/2014, Bộ Y Tế trơ trẽn viết báo cáo tổng kết và kết luận rằng "Việt Nam đã phản ứng rất nhanh đối với dịch sởi".

Trước cái chết hàng loạt của các ca nhiễm bệnh, với thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, thông tin không minh bạch, yếu kém về trình độ khi bất lực không kiểm soát được Dịch Sởi của người đứng đầu Bộ Y Tế, đã gây ra sự hoang mang và phẫn nộ trong lòng người dân. Rất nhiều người đã ký tên, chụp ảnh biểu tình yêu cầu bà phải từ chức. Nhiều người nổi tiếng trong đó có nhạc sỹ Tuấn Khanh, người dẫn chương trình Phan Anh, đại hiểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng đã lên tiếng kêu gọi bà Kim Tiến từ chức. Tuy nhiên bà vẫn cương quyết mà rằng "Tôi không nghĩ đến từ chức ngay".

Một trong những phát ngôn gây sốc của bà Tiến liên quan tới vấn đề sởi đó là: "Ở địa vị chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy khi có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 16/4/2014

Liên quan tới Vắc-xin

Năm 2014 có ít nhất 8 bé tử vong, 29 bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi tiêm, 31 sản phụ bị tiêm nhầm Vắc-xin.

- 11/1/2014: Hà Nội, Bé T.Q.T., (hơn 2 tháng tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) tử vong sau khi sau tiêm vắc xin 6 (sản phẩm được nói "nhập khẩu từ Bỉ") tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

- 15/1/2014: Đà Lạt, bé trai T.L.N (gần ba tháng tuổi, trú P.7, TP Đà Lạt) tử vong sau thời gian cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Trước đó một ngày, bé N. được Trạm y tế P.7 tiêm vắc-xin Quinvaxem.

- 16/4/2014: Nghệ An, bé Lê Nguyễn Hà Phương (4 tháng tuổi) tử vong sau khi tiêm vắc-xin 3 trong 1 phòng ho gà, uốn ván, bại liệt tại Trạm y tế Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An. Ngay sau đó anh Lê Hồng Sâm đã gửi đơn tố cáo đội ngũ cán bộ trạm y tế xã Diễn Ngọc tắc trách khiến con gái anh tử vong tức tưởi.

- 25/6/2014: Hải Phòng, 6 cháu bé phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, tím tái, khó thở sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 ở trạm y tế xã Hồng Thái.

- 8/7/2014: Đồng Tháp, cháu Võ Thị Bảo Trâm (2 tháng tuổi) chết bất thường sau khi tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười vào ngày 7/7.

- 13/9/2014: Đắk Lắk, Bé Lê Anh Tâm (sinh ngày 6-7-2014) tử vong sau khi tiêm Vacxin ở Trạm y tế xã Ea Hiao, trước đó 3 ngày nhiều lần gia đình đưa bé tới Trạm y tế xã nhưng y tá đều xua tay không khám.

- 6/11/2014: Lai Châu, bé gái Thào Thị Dở (2 tuổi) con của anh Thào A Chư và chị Lý Thị Sung (17 tuổi), dân tộc Mông tử vong bất thường sau khi tiêm vắc xin phòng lao tại bản Hoa Dì Hồ, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào ngày 5/11.

- 8/11/2014: Ninh Bình, bé Đậu Ngọc Phú (12 ngày tuổi, ngụ thôn 4, xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tử vong sau khi tiêm Vacxin tại y tế xã Nga Sơn.

- 11/11/2014: Bình Dương, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) tiêm vắc-xin ngừa sởi - Rubella khiến 12 học sinh nhập viện.

- 17, 24,25/11/2014: Gia Lai, Trường Tiểu học Nay Der (phường Đoàn Kết) tiếp tục tiêm Vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella dẫn đến 17 học sinh nhập viện cấp cứu sau khi tiêm.

- 20/12/2014: Bắc Ninh, Trạm Y tế xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn đã Tiêm nhầm vắc-xin DPT cho 31 phụ nữ mang thai.

Những cái chết bất thường

Theo truyền thông lề đảng, năm 2014 có ít nhất 19 ca tử vong sau khi tiêm hoặc điều trị tại bệnh viện.

- 16/2/2014: Tại BV Đa khoa huyện Kỳ Anh, Nghệ An, Bà Nguyễn Thị Luyệt (SN 1928, trú tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) chết tức tưởi sau 1 mũi thuốc bổ não.

- 17/2/2014: Tại BV đa khoa huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, ông Mai Văn Quế (SN 1953, trú tại khối 19 thị trấn Hương Khê) tử vong bất thường sau 1 mũi tiêm.

- 20/3/2014: Tại BV Đa khoa huyện Lục Ngạn, cháu Hoàng Minh Khôi 4 tháng tuổi, con anh Hoàng Văn Chiến chết bất thường sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc. Trước khi gia đình đưa đi bệnh viện cháu bé chỉ có biểu hiện là ho, còn sức khỏe thì hoàn toàn bình thường, không hề uống thuốc hay bị suy dinh dưỡng trước đó.

- 20/4/2014: Tại BV Nhi Trung ương Vĩnh Phúc, Cháu Tô Quốc An 8 tuổi tử vong sau khi bị đau bụng và được gia đình đưa vào bệnh viện khám. Theo người nhà của bé, trong khoảng thời gian nằm điều trị, các bác sĩ trong ca trực rất dửng dưng và có thái độ thờ ơ vô cảm đối với bệnh nhân. Bé là con trai đầu lòng của anh Tô Văn Hải và chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Bé rất thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn.

- 30/7/2014: Tại TT Nhi khoa, BV TƯ Huế, cháu Nguyễn Ngọc Hoàng Châu tử vong sau khi tiêm 2 liều thuốc. Trước đó vào ngày 18/7 cháu bị ho sốt, có biểu hiện viêm phổi nên gia đình đưa cháu lên khám ở BV. Chiều tối cùng ngày, người nhà đã vây kín trước TT để yêu cầu giải thích về cái chết của cháu.

- 6/8/2014: Tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cháu V.N.B. A (8 tháng tuổi) con gái anh Vũ Thành Khương và chị Nguyễn Thị Tuyển chết tức tưởi do sự vô trách nhiệm, không quan tâm của các y bác sĩ bệnh viện.

- 17/8/2014: Tại BV Đa khoa Kỳ Anh Hà Tĩnh, bé trai Nguyễn Minh Vương 2 tuổi chết tức tưởi sau khi tiêm thuốc kháng sinh. Trước đó cháu được chẩn đoán bị viêm họng và đầy hơi, khi đi khám bé vẫn chơi đùa vui vẻ, đôi lúc còn đùa nghịch với ông bà. Cháu chưa đầy 2 tuổi và nặng 18kg, ít khi ốm đau. Bác sỹ giải thích do 'sự cố y khoa'...

- 24,25/8/2014: 3 trẻ đã tử vong khi phẫu thuật từ thiện sứt môi, hở hàm ếch ngày. Đó là 3 bé Pi Năng Tuấn Hữu, 14 tháng tuổi; Nguyễn Quang Minh, 14 tháng tuổi và Nguyễn Ngọc Tuyết Vân, 11 tháng tuổi. Cả 3 em bé đều được Chương trình phẫu thuật từ thiện miễn phí sứt môi, hở hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA - thuộc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện 87, Cục Quân y, trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thực hiện từ ngày 23/8.

- 20/9/2014: Tại BV Sản-Nhi Nghệ An, bé Nguyễn Khánh Hà (2 tuổi) đột ngột qua đời sau 1 tuần điều trị cơn sốt.

- 21/10/2014: Tại BV Đa khoa huyện Quốc Oai Hà Nội, Bé Nhung (11 tuổi) tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện vì có biểu hiện đau bụng buồn nôn. Trước đó, cháu Nhung nôn khan, nhiều lần gia đình đề nghị chuyển lên tuyến chuyên, nhưng bác sĩ lại bảo để qua đêm theo dõi thêm. Cho rằng cái chết của cháu Nhung “bất thường”, người nhà nạn nhân đã đến quây kín bệnh viện yêu cầu lãnh đạo nói rõ nguyên nhân.

- 2/11/2014: Tại BV Quảng Ninh, bé Nguyễn Trung Kiên (5 tháng tuổi) đột ngột tử vong sau 4 ngày nhập viện với chẩn đoán mắc bệnh sốt phát ban. Theo gia đình, bé chết do sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ bác sỹ tại bệnh viện.

Trước đó 7 ngày bé được tiêm vắc-xin 5 trong 1. 

- 18/11/2014: Tại phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng tỉnh Bình Dương, Sản phụ Trần Thị Mỹ (28 tuổi, mới sinh con hơn 2 tháng) tử vong bất thường sau khi được tiêm thuốc. 

- 20/11/2014: Tại BV Đa khoa Thường Tín, cháu Nguyễn Đình Quân 16 tháng tuổi đã tử vong sau khi tiêm một mũi điều trị bệnh viêm phổi tại phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. Sau khi sảy ra sự việc này phòng khám vẫn hoạt động bình thường...

Cùng ngày, cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi) tử vong tại Bệnh viện đa khoa Quốc Oai, Hà Nội. Sáng 19/10 với triệu chứng đau bụng, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Thời gian điều trị tại BV, thấy biểu hiện bệnh ngày càng nặng, anh Tình bố của bé đề nghị 5 lần đưa con lên tuyến trên, nhưng không được chấp nhận. Anh đề nghị gặp bác sĩ trực để thông báo tình trạng của cháu và xin chuyển viện nhưng cũng không gặp được cũng không một cán bộ nào mảy may giúp đỡ. Điều đáng chú ý, Ban đầu cháu được chuẩn đoán và Điều trị rối loạn tiêu hóa, nhưng khi tử vong cháu bé lại được kết luận là viêm màng não. Quá phẫn nộ vì điều này, nhiều người thân của cháu bé đã kéo đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (Hà Nội) yêu cầu làm rõ trách nhiệm.

- 26/11/2014: Tại BV Nhi Đồng Cần Thơ, cháu Võ Hoàng Minh Châu, 4 tuổi tử vong vì bác sĩ không cho nhập viện.

- 5/12/2014: Tại BV Đa Khoa tỉnh Hòa Bình, cháu Bùi Hải P., (32 tháng tuổi, trú tại tổ 15, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) tử vong sau khi được các bác sĩ tiêm 2 liều thuốc. 

- 26/12/2014: Tại BV Trẻ em Hải Phòng, bé Nguyễn Minh Nhật, (22 tháng tuổi ở tổ 16, phường Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng) tử vong sau khi phẫu thuật tách ngón tay 4,5. Trước đó bé Nhật hoàn toàn bình thường, sức khỏe ổn định.

Mẹ con sản phụ tử vong bất thường

Vấn đề sản phụ, em bé sau khi sinh tử vong không hề giảm so với năm 2013. Năm 2014 có ít nhất 34 sản phụ và bé tử vong. Nguyên nhân chính dẫn tới những cái chết thương tâm chủ yếu là do thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém của các y bác sỹ trong bệnh viện. Sau những cái chết thương tâm này, nhiều gia đình đã đem quan tài nạn nhân đến phản đối bệnh viện.

- 27/1/2014: Tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, sản phụ Lê Thị Tuyết Phượng chết tức tưởi sau một mũi tiêm. Trước đó, ngày 22/1 chị sinh mổ một bé gái nặng 3 kg, sức khỏe của 2 mẹ con hoàn toàn bình thường. Sáng 26-1, chị Phượng vẫn còn ăn sáng và cười đùa với chồng. Đến khoảng 8 giờ 15 phút ngày 26-1, sau khi y tá Hoàng Thị Kim Thúy vào tiêm thuốc, tình trạng sức khỏe chị Phượng xấu đi. Chị Phượng nói với chồng rằng miệng, mặt và tai chị có cảm giác tê tê, khó thở. Sau đó, hai bác sĩ vào phòng chuyền thêm 1 chai nước, tiêm liên tục khoảng 10 ống thuốc, cho bệnh nhân thở bình ôxy. Đến khoảng 2 giờ 45 phút ngày 27-1, chị Phượng qua đời.

- 4/2/2014: Tại BV Đa khoa Kiến Thụy, 2 mẹ con sản phụ Phạm Thị Trang đột ngột tử vong.

Theo gia đình chị Trang cho biết, chị Trang chuyển dạ tại bệnh viện đa khoa huyện Kiến Thụy trong tình trạng khỏe mạnh với thai kỳ 39 tuần tuổi, tiên lượng việc sinh tốt. Tuy nhiên sau hơn 4 tiếng nhập viện, tim chị Trang đột ngột ngừng đập khi đã vỡ ối và đang trên bàn sinh. Bé trai nặng gần 3kg trong bụng chị đã tử vong khi chưa kịp chào đời... Bệnh viện cho biết "đã làm đủ quy trình chỉ thiếu mỗi siêu âm".

- 7/2/2014: Tại BV Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm ở huyện Đức Phổ Quảng Ngãi, sản phụ Phan Thị Phương Trang (31 tuổi) chết bất thường sau khi sinh mổ.

- 2/4/2014: Tại BV Đa khoa huyện Kim Thành, Hải Dương, chị Phí Thị Thúy tử vong bất thường trong quá trình sinh đẻ mặc dù trước đó các bác sĩ chuẩn đoán cho thai nhi kết luận sản phụ đẻ bình thường. Theo gia đình chị Thúy, sự việc diễn ra nông nỗi này là do các y bác sĩ tắc trách, trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém, không có khả năng chẩn đoán, điều trị kịp thời nên bệnh nhân dẫn đến tử vong.

- 4/4/2014: Tại BV Đa khoa huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, sản phụ Nguyễn Thị Huyên (SN 1977) tử vong bất thường ngay sau khi sinh con khoảng 1 giờ trước sự ngỡ ngàng của gia đình, người thân.

- 13/4/2014: Tại BV Sản - Nhi, Ninh Bình, bé trai (con anh Nguyễn Văn Thủy và Ninh Thị Mỹ) nặng gần 4kg tử vong sau khi cất tiếng khóc chào đời khi trong bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình. Bệnh viện không hề giải thích rõ nguyên nhân. Giám đốc bệnh viện gọi đại diện gia đình vào “giải quyết tình cảm” và yêu cầu nhận “hỗ trợ” số tiền 50 triệu đồng cho ''kín chuyện''.

Khi nỗi đau mất con còn chưa kịp nguôi ngoai trong lòng, anh Nguyễn Văn Thủy (bố cháu bé tử vong trong bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình) còn chịu đau đớn về thể xác khi bị hai kẻ lạ mặt hành hung dằn mặt giữa cổng bệnh viện khiến anh Thủy bị Chấn thương sọ não...

- 8/5/2014: Tại BV Phụ Sản Hà Nội, sản phụ Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1984) chết sau khi sinh mổ ngày 5/5.

- 9/7/2014: Tại BV TP Huế, 2 mẹ con sản phụ Lê Thị Thu tử vong bất thường trong lúc sinh... Sáng 29/8, rất đông người nhà sản phụ Lê Thị Thu (43 tuổi), ở thôn Dạ Khê (Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đã có mặt tại Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế để yêu cầu làm rõ cái chết của sản phụ này.

- 30/7/2014: Tại BV Đa khoa tỉnh Hà Nam, sản phụ Nguyễn Thị Liễu (34 tuổi) tử vong bất thường sau khi sinh. Được biết trong quá trình mang thai, chị Liễu được khám và theo dõi đầy đủ các bước khám thai, do đó cả sản phụ và thai nhi đều khỏe mạnh. Gia đình đã gửi đơn tố cáo lên Bộ Y Tế.

- 3/8/2014: Tại BV Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, Con chị Phan Thị Hà Tr. (26 tuổi, ở thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) tử vong bất thường sau khi sinh vài giờ đồng hồ.

- 17/8/2014: Tại BV An Bình Sài Gòn, sản phụ Nguyễn Thị Hạnh, 35 tuổi, tử vong bất thường sau khi sinh con... nhưng trên giấy xuất viện lại ghi “bệnh nặng xin về”.

- 19/8/2014: Tại BV Đa khoa huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang, sản phụ Nguyễn Thị Bích Hường (SN 1981) đã tử vong bất thường sau khi sinh. Phẫn nộ trước cái chết của sản phụ Hường, sáng 20-8, rất đông người nhà sản phụ đã đến Bệnh viện đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết và thi thể chị Hường vẫn để trước cửa phòng khám bệnh viện. 

- 2/9/2014: Tại BV Hùng Vương Sài Gòn, con đầu lòng của anh Hồ Sở Minh và chị Vũ Kim Xuân tử vong khi chưa kịp chào đời.

Chị Xuân nhập viện trong tình trạng cạn ối, với những biểu hiện bất thường, sản phụ và người thân nhiều lần cầu cứu song bệnh viện vẫn bỏ mặc. Anh Minh chia sẻ: trưa cùng ngày, bệnh viện ghi giấy báo tử với nội dung: lúc 10h ngày 2/9 bé tử vong tại khoa cấp cứu do suy hô hấp nặng. Nội dung này là bịa đặt bởi con tôi đã chết từ trong bụng mẹ rồi mới mổ bắt ra. Họ còn vờ đưa thằng bé vào phòng dưỡng nhi. Sự vô tâm và xem thường tính mạng con người của bệnh viện khiến con tôi chết tức tưởi khi chưa kịp chào đời.

- 5/9/2014: Tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, 3 trẻ em chết trong một ca trực... các bác sĩ giải thích "chỉ là trùng hợp".

+ Trường hợp thứ nhất: Con chị Hồ Thị Phơ ngụ tại xã Phước Kim, huyện Phước Sơn tử vong chỉ sau 45 phút bé trào đời.

+ Trường hợp thứ 2: Con chị Hồ Thị Íp (17 tuổi, ngụ xã Phước Thành, Phước Sơn). Bé được sanh lúc 23h45p ngày 4-9, đến 6 giờ ngày 5-9, bé đột nhiên khó thở, tím tái. Các bác sĩ chẩn đoán: Viêm phổi sơ sinh nghi do sặc sữa và đề nghị chuyển về tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, bé tử vong lúc 8 giờ ngày 5-9.

+ Trường hợp thứ 3: Con chị Hồ Thị Tiểu Điệp (17 tuổi, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn) mất sau khi sanh.

- 18/10/2014: Tại BV Đa khoa huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa, hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân (SN 1973) đều tử vong bất thường. 

Được biết trong quá trình mang thai, thai nhi phát triển bình thường, sức khỏe của hai mẹ con chị Xuân đều rất tốt. Cho rằng cái chết của chị Xuân cùng cháu bé là do sự tắc trách của các bác sỹ, rất đông người thân của sản phụ Xuân đã kéo đến bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mẹ con chị Xuân tử vong.

- 23/10/2014: Tại BV đa khoa huyện Thạnh Hóa - Long An, chị Lê Thị Mộng Lan (39 tuổi) tử vong bất thường sau khi sinh.

- 4/11/2014: Tại BV 331 Tp. Pleiku - Gia Lai, 2 mẹ con sản phụ Phạm Thị Ngân (32 tuổi - trú tại tổ 7-Phường Yên Thế - Tp. Pleiku) tử vong bất thường sau khi sinh. Trước đó, trong những lần khám thai định kỳ đều cho kết quả bình thường, lúc nhập viện, sản phụ và thai nhi đều có sức khỏe tốt, không cho thấy có biểu hiện gì xấu.

- 6/11/2014: Tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, con gái anh Nguyễn Văn Quyết và Cao Thị Nhung chết oan ức sau khi sinh. Theo anh Chung, vợ anh khi chuyển dạ đau dữ dội nhưng 3 bác sĩ và y tá đỡ để không quan tâm, họ thờ ơ vô trách nhiệm mới dẫn đến cái chết của con anh chị.

- 6/11/2014: Tại BV Phụ sản Hà Nội, con anh Nguyễn Văn Tài và chị Phạm Thị Ngọc (SN 1988, ở Lục Nam, Bắc Giang) bị chết bất thường sau khi chào đời 14 tiếng.

- 22/11/2014: Tại BV Đa khoa tỉnh Gia Lai, sản phụ Đoàn Thị Ngọc Huyền (39 tuổi) tử vong sau sinh mổ tại. Người nhà sản phụ Huyền cho biết, chị Huyền chuyển sinh và được nhập viện chiều 21/11 trong tình trạng khỏe mạnh bình thường.

- 24/11/2014: Tại trạm y tế xã Liên Giang, Thái Bình, sản phụ Nguyễn Thị Hiền (sn 1988) chết thảm sau khi sinh. Sau cái chết của sản phụ trẻ, rất nhiều thân nhân sản phụ Hiền cùng người dân kéo đên bao vây Trạm y tế xã vì cho rằng cái chết của sản phụ trẻ này là do sực tắc trách của các nhân viên trạm y tế.

- 25/11/2014: Tại BV sản nhi Ninh Bình, sản phụ Ninh Thị Duyên (39 tuổi) chết bất thường sau khi được điều dưỡng bệnh viện truyền dịch. Nguyên nhân khiến chị Duyên tử vong được người nhà cho rằng do điều dưỡng truyền dịch nhầm khi chị Duyên thấy khó chịu, người nhà nhiều lần nói với điều dưỡng và muốn rút truyền ra, nhưng đáp lại là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm. Sau khi chị Duyên mất, người nhà đã người nhà nạn nhân đã tới vây kín viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường của chị Duyên.

Cùng ngày: Tại BV Nhân Dân Gia Định, chị Cao Thị Minh (SN 1978) và con gái nặng 2,8kg tử vong sau khi sinh mổ. Trước đó chị Minh khỏe mạnh bình thường, suốt quá trình mang thai đều cho kết quả tốt. Khi nhập viện cũng được chuẩn đoán sức khỏe của mẹ và thai nhi bình thường (Tên của nạn nhân đã được thay đổi).

- 9/12/2014: Tại BV Đa Khoa huyện Kim Thành - Hải Dương, 2 mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Điệp tử vong bất thường sau khi tiêm và truyền dịch chờ sinh. Trước đó khi vào viện chờ sinh nở, sức khỏe chị Điệp hoàn toàn bình thường.

- 13/12/2014: Tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, con chị Hoàng Thị Th. (sinh năm 1979, ở Hương Điền, TP. Nha Trang) tử vong bất thường sau khi chào đời 38h đồng hồ. Chị Th. cho biết chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các bác sĩ khoa sản trong ca trực đã dẫn đến cái chết của con chị.

- 1/1/2015: Tại BV Đa khoa huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thùy (SN 1986, trú tại Thanh Lương - Hoàng Lương - Hiệp Hòa - Bắc Giang) tử vong sau khi mổ đẻ. Trước đó ngày 27/12/2014, chị chuyển dạ nên được gia đình đưa đến BV để sinh con. Đến ngày 29/12/2014, chị được các bác sỹ chỉ định mổ đẻ, sau khi mổ xong cả hai mẹ con khỏe mạnh bình thường. Nhưng đến tối ngày 31/12/2014, sản phụ bất ngờ thấy đau ở vùng bụng dưới, đến rạng sáng ngày 1/1/2015, gia đình nhận được tin chị Thùy tử vong.

*

Nguyên nhân tử vong của ít nhất 203 ca năm 2014 phần lớn là do sự non kém về tay nghề, sự thờ ơ vô trách nhiệm, bỏ mặc bệnh nhân của y bác sỹ trong bệnh viện. Do vậy, trách nhiệm này trực tiếp thuộc về các y bác sỹ, bệnh viện và người đứng đầu ngành Y Tế - Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Sau làn sóng yêu cầu bà từ chức, bà lớn tiếng mà rằng “Với sự nát bét của ngành y như bây giờ, không có ai làm tốt hơn tôi thời điểm này, nếu các vị chỉ ra ai làm giỏi hơn, tôi sẽ từ chức để họ làm”. Tuy nhiên ngay sau đó con số tử vong không hề giảm mà tiếp tục tăng một cách nhanh chóng (Thêm ít nhất 90 ca tử vong).

Nguyễn Thị Kim Tiến, bà phải từ chức!!! 


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam