Lê Nguyễn - Chuyện về em Dư ở Chương Mỹ, Hà Nội bị tử vong ở bệnh viện Bạch Mai sau khi bị tạm giam 2 tháng ở trại giam số 3, Xa La, Hà Đông, Hà Nội đã khiến chúng ta không thể làm ngơ cho tội ác của nhà cầm quyền độc tài được.
Và đúng như thế, dư luận đã rất phẫn nộ. Trong một tuần qua, nhất là hai ngày nay, khi tin em qua đời, trên mạng xã hội chia sẻ dày đặc hình ảnh em nằm bất động trong quá trình điều trị và hình ảnh người mẹ đau khổ gào khóc xót thương con mình bị chết oan uổng đã lan chuyền đến chóng mặt. Đó là về mặt hình thức.
Còn hành động cụ thể thì, ngay khi nhận được tin em qua đời thì đã có rất nhiều người dân và đội ngũ dân oan đã có mặt tại nhà xác bệnh viện phản đối, đồng thời yêu cầu thi thể em phải được phẫu thuật khám nghiệm để điều tra, làm rõ về nguyên nhân cái chết của em theo đúng quy trình pháp luật hiện hành, tránh nhà chức trách vội vàng chôn cất em nhằm phi tang chứng cứ tội ác của bọn chúng.
Điều này đã được các trang báo lề dân cập nhập liên tục để bạn đọc nắm chắc được vấn đề.
Thế nhưng, báo chí chính thống lề Đảng hoàn toàn im lặng về tin tức thời sự này. Rất nhiều người đã lên tiếng thắc mắc về vai trò của báo chí lề Đảng trong sự việc này ra sao? Nhiệm vụ và trách nhiệm của báo chí ai cũng biết: cập nhập tin tức, bình luận và phân tích những vấn đề có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội của nhân dân, chí ít là như thế và trọng tâm là phải vậy. Hay họ cho rằng, sự việc này chỉ là một sự việc tầm thường không ảnh hưởng gì đến xã hội nên họ không cần phải lên tiếng góp lời? Một sinh mạng đó! Và có thể sẽ có n sinh mạng bị cướp mất tiếp theo khi báo chí đồng lõa với tội ác của nhà cầm quyền.
Quay trở lại vài tháng trước, trên các trang mạng xã hội chia sẻ về hình ảnh một chú chó bị băng keo quấn chặt quanh mồm đang vật vờ bới rác và bất lực trước cái đói quằn quại trên thân hình gầy gò, sắp kiệt sức của nó. Hiệu ứng ngay tức thời khi lòng thương được “lên đồng” như vũ bão, mọi “công dân mạng” lập tức sụt sùi khóc thương cho con chó tội nghiệp. Báo chí cũng không ngoài cuộc, nhanh chóng lao vào khai thác tin tức, cập nhập tới bạn đọc một cách nhanh nhất. Với tay nghề được đào tạo, các phóng viên rất xuất sắc khi mau chóng tìm được tung tích của chú chó tội nghiệp kia để kịp thời thông tin tới bạn đọc. Ngay sau đó, lập tức xuất hiện một đội quân thiện nguyện tìm cách tiếp cận và giải cứu, chăm sóc chú chó đáng thương đó. Kết quả là, hành động đó đã nhận được những tràng pháo tay và những lời có cánh không tiếc dành tặng cho những “Thường Mạnh Quân” có tấm lòng bao la ấy một cách hoan hỉ, vui sướng: “May quá, nó đã được giải cứu!”. Trong vụ này, báo chỉ quả là có công to lớn góp phần cứu sống một sinh vật vô tội. Thế mới thấy, vai trò của báo chí lớn nao biết bao một con chó còn được cứu sống lẽ nào một con người lại không?
Đó, chúng ta đã nhìn thấy sự khác biệt chưa? Đấy chỉ là một con chó còn chưa chết, nếu nó chết rồi thì sao nhỉ? Lòng trắc ẩn của các nhà báo sẽ hùa theo đám đông bị tổn thương đến nhường nào?
Ước gì mạng người ở Việt Nam cũng được người ta quan tâm như con chó này.
Không khó để nhiều người có tâm, có băn khoăn, trăn trở với thực tại của nước nhà thốt lên một mong ước: “Ước gì mạng người của chúng ta cũng đáng giá như con chó kia thì tốt biết bao!”
Nhưng không, mạng người ở Việt Nam rẻ lắm, rẻ mạt khi giống như một cái cây, ngọn cỏ sẵn sàng bị những kẻ được cho là đang bảo vệ họ lấy tay ngắt vèo một cái, định đoạt trong lòng bàn tay. Còn rẻ thậm tệ hơn khi mà báo chí còn không dám vào cuộc đưa tin mà ở đây, chúng ta không cần đếm xỉa đến lòng trắc ẩn của họ, chúng ta chỉ cần đồi hỏi nhiệm vụ và trách nhiệm thông tin đến bạn đọc một tin tức thời sự có tầm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đời sống của nhân dân mà thôi.
Có ảnh hưởng không, khi biết đâu, con của các vị ngày mai vì phạm phải một sai lầm nào của con trẻ mà bị bắt giam, bị gài hết bẫy này đến bẫy khác nhằm kết tội thật nặng để các vị vì thương con mà không ngần ngại dốc hầu bao tích cóp cứu nó ra? Ấy là quý vị còn có tiền. Nếu vào hoàn cảnh đa số gia đình người nông dân nghèo khổ khác như bà Mai mẹ em Dư đây thì có lẽ các vị cũng sẽ mất con như họ thì là một điều không hề viển vông ở cái xứ sở “thiên đàng” này đâu nhỉ?
Em Dự đã chết, công luận lên tiếng quá manh mẽ, im lặng mãi cũng không được càng khiến người ta nhìn nhận đúng thực chất của đội ngũ “công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân quên mình” này lên ngày hôm nay sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng và theo chỉ thị của cấp trên đã có hai tờ báo đưa tin về cái chết của em Dư nhằm định hướng dư luận. Theo đó, họ kết luận, nguyên nhân dẫn đến kết cục đau lòng này là em Dư đã bị bạn cùng buồng giam hành hung chỉ vì… rửa bát bẩn. Và em Vũ văn Bình sẽ bị bắt giữ để làm sáng tỏ vấn đề.
Việc kết luận trên không làm thỏa mãn dư luận với nghi vấn đã được dàn xếp và có “quy trình” (trong đầu tôi hình dung, có hai trường hợp sẽ xảy ra: mua chuộc, giàn xếp với em Bình một điều kiện nào đó có lợi cho em nếu em chịu nhận tội thay họ. Nếu không đạt thỏa thuận thì cũng giống như vụ của nguyễn văn Chưởng, Hồ Duy Hải,... công an sẽ tạo chứng cứ giả và o ép em Bình nhận tội thay chúng) khi năm qua có đến 260 trường hợp chết trong đồn công an, chưa kể đến rất nhiều người khác bị tổn hại đến sức khỏe khi ra khỏi đồn. Điều đáng nói ở đây, tháng 2 năm nay, Việt Nam đã đặt bút cam kết không tra tấn nghi phạm trong quá trình điều tra của công ước quốc tế về phòng chống tra tấn. Thế nên, chúng ta có quyền hy vọng khi bà Đỗ thị Mai, mẹ em Dư đã đệ đơn lên Báo Cáo Viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn để điều tra về trường hợp của con trai bà.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra khách quan nhất từ tổ chức quyền lực và uy tín nhất thế giới này. Chúng ta (công luận) phải lên tiếng mạnh mẽ để chấm dứt ngay nạn bắt giữ người tùy tiện không theo một quy chuẩn pháp luật nào cả, nhất là với trẻ vị thành niên. Bởi, theo bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Công an chỉ có thể tạm giữ hình sự tối đa 9 ngày. Sau đó, buộc phải có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nếu không, phải trả tự do cho người bị tạm giữ. Khi tạm giữ, tạm giam phải có căn cứ, phải theo trình tự, thủ tục Luật định và phải thông báo ngay cho gia đình. Đối với trường hợp của Dư, theo qui định tại khoản I Điều 88 BLTTHS, cho dù Công an có đủ căn cứ xác định Dư lấy trộm 2 triệu của hàng xóm, cũng không được tạm giam.
Vì thế, song song với tội danh tra tấn tội nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, thì công an Hà Nội còn vi phạm luật tạm giam và điều cần lưu ý ở đây, em Dư vẫn là trẻ vị thành niên (17 tuổi).
Mong hương hồn em yên nghỉ, chúng tôi sẽ tiếp tục đòi công lý cho em.