Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Phát động chiến dịch ủng hộ Linh mục Nguyễn Văn Lý

Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, 69 tuổi, bị Hà Nội kết án 4 lần với tổng cộng hơn 53 năm tù.







Trà Mi - Cộng đồng người Việt tại Mỹ trong tháng này phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế vinh danh một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu bị cầm tù lâu nay tại Việt Nam.

Cuộc vận động do Ủy ban Tự do Tôn giáo khởi xướng thu thập chữ ký trên mạng nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với công cuộc tranh đấu của linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý vì dân chủ-nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Thỉnh nguyện thư viết ‘Xin ủng hộ cho linh mục Nguyễn Văn Lý đang đại diện cho hàng triệu người dân Việt Nam bị áp bức bằng cách kêu gọi các tổ chức Quốc tế công nhận cuộc đấu tranh vì quyền con người và tự do tôn giáo qua bốn giải thưởng quốc tế năm 2015: Nobel, Shakarov, Rafto, và Unesco.’
Tinh thần ngài vẫn tốt. Ngài vẫn bình an vui vẻ, nhưng sức khỏe thì giảm sút, lưng gù hơn, dáng đi yếu hơn, không hồi phục được bình thường, đi cà nhắc và tay thì cũng yếu vậy vì không có điều kiện chữa trị."
Cháu ruột của linh mục Lý, ông Nguyễn Công Hoàng, nói.
Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, 69 tuổi, một tù nhân lương tâm nổi tiếng của Việt Nam, bị Hà Nội kết án 4 lần với tổng cộng hơn 53 năm tù giam.

Ông từng chịu tù khổ sai và bị biệt giam hơn 23 năm, bị quản thúc trên 15 năm, nay đang thi hành bản án 8 năm tù tuyên hồi năm 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động mà giới bảo vệ nhân quyền xem là cổ súy cho quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận tại Việt Nam, nhưng bị nhà cầm quyền Hà Nội gọi là ‘chống phá nhà nước.’

Dù đang bị bại liệt sau cơn tai biến từ năm 2009, linh mục Lý vẫn tiếp tục bị biệt giam tại trại Tân Lương ở huyện Hà Nam. Cháu ruột của linh mục Lý, ông Nguyễn Công Hoàng ở Đồng Nai, cho biết thêm về tình hình của ông hiện nay:

"Tinh thần ngài vẫn tốt. Ngài vẫn bình an vui vẻ, nhưng sức khỏe thì giảm sút, lưng gù hơn, dáng đi yếu hơn, không hồi phục được bình thường, đi cà nhắc và tay thì cũng yếu vậy vì không có điều kiện chữa trị."

Gia đình linh mục Lý nói điều kiện giam cầm đối với tù nhân lương tâm ‘đặc biệt’ này, không đến nỗi hà khắc ngoại trừ một điều cấm kỵ tuyệt đối là ông không được tiếp xúc với bạn tù.

Tuy nhiên, thân nhân nhà tranh đấu này cho biết ông chấp nhận bản án với tinh thần tự tại và khoan dung, không ưu tư hay than phiền điều gì cho bản thân mà chỉ có những trăn trở cho một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng hơn.

Vẫn theo nguồn tin từ gia đình, thỉnh thoảng linh mục Lý vẫn được các phái đoàn ngoại giao quốc tế vào trại giam thăm hỏi, động viên và cũng có đề nghị đưa ông ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng ông từ chối.

Đầu tháng này, chính phủ Việt Nam mở đợt ân xá lớn nhất từ trước tới nay đánh dấu 70 năm ngày Quốc khánh 2/9, phóng thích hơn 18.000 tù nhân nhưng không có trường hợp nào là tù nhân lương tâm.

Một trong những điều kiện để được nhà nước đặc xá là phải làm cam kết ‘nhận tội, xin khoan hồng’.
Được sống trong cộng đồng và gia đình là ao ước của gia đình và của bản thân ngài, nhưng hoàn cảnh vậy thì chịu vậy thôi. Gia đình đi thăm cũng xa xôi quá, đi quá xa mà ra thăm được chút xíu phải quay về lại. Gia đình cũng cảm ơn tất cả bà con và các chính khách quốc tế đã lên tiếng an ủi và bênh vực cho ngài rất nhiều trong thời gian qua. Điều đó gia đình rất cảm kích.
Ông Nguyễn Công Hoàng nói.
Ông Hoàng nói từ đầu chí cuối, linh mục Lý nhất mực khẳng định mình vô tội và không ký kết bất kỳ biên bản nào chính quyền yêu cầu, cho nên phía trại giam không nỗ lực thuyết phục ông ký đơn nhận tội nữa. Theo lời ông Hoàng, bất luận tình trạng sức khỏe thế nào, linh mục Lý cũng không được ân xá vì nằm trong danh sách ‘tái phạm,’ ‘không hối cãi.’

Linh mục Lý từng nhiều lần được các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới và các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ kêu gọi phóng thích nhưng không được chính phủ Việt Nam hồi đáp.

Tuy nhiên, dưới áp lực quốc tế, giữa tháng 3 năm 2010, Hà Nội đã tạm hoãn thi hành án cho linh mục Lý về địa phương chữa bệnh trong 1 năm. Gia đình ông cho biết hiện ông đang ‘trả nợ’ cho khoản thời gian đó và có thể sẽ mãn án tù vào cuối tháng 3 năm sau.

Ông Nguyễn Công Hoàng chia sẻ nguyện vọng của gia đình:

"Được sống trong cộng đồng và gia đình là ao ước của gia đình và của bản thân ngài, nhưng hoàn cảnh vậy thì chịu vậy thôi. Gia đình đi thăm cũng xa xôi quá, đi quá xa mà ra thăm được chút xíu phải quay về lại. Gia đình cũng cảm ơn tất cả bà con và các chính khách quốc tế đã lên tiếng an ủi và bênh vực cho ngài rất nhiều trong thời gian qua. Điều đó gia đình rất cảm kích. Ngài được về sớm chừng nào là niềm vui và hạnh phúc của gia đình."

Các bản án Hà Nội dành cho sáng lập viên Khối đấu tranh cho dân chủ 8406 bị cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án là vi phạm nhân quyền.

Trường hợp của linh mục Lý đặc biệt gây chú ý công luận với bức ảnh ông bị một công an bịt miệng ngay trước tòa năm 2007.

Hà Nội nói các hoạt động của nhà bất đồng chính kiến này vi phạm pháp luật Việt Nam.

Linh mục Lý từng được đề cử nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2013 và Giải Nhân quyền Sakharov năm 2010 vì tinh thần kiên định cổ súy nhân quyền cho người dân Việt Nam bất chấp sự đàn áp thường xuyên từ nhà cầm quyền.

Source: VOA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam