Nhiều nội dung trong bản báo cáo tổng kết của Thủ tướng Dũng đã bị ông Nguyễn Đức Kiên phản bác. Ảnh: Hoang Dinh Nam (AFP GETTY)
|
Trương Duy Nhất - Phát biểu trên vneconomy.vn ngày Chủ nhật 1/11/2015, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng Chính phủ đã hiểu sai chức phận của mình. Ông nói “Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính nhà nước” chứ không phải “cơ quan kinh doanh”.
Theo ông Kiên, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế của chính phủ nhiệm kỳ qua là “không thấy có nhiều điểm sáng”.
Nhận định trên, có thể nói như cú vỗ mặt sau bản báo cáo tổng kết “bảo đảm, nâng lên, đẩy mạnh, tích cực” của Thủ tướng tại Quốc hội hôm 20/10/2015.
'Tái cơ cấu thất bại'
Trong khi báo cáo của Thủ tướng Dũng cho rằng “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả”, thì ông Kiên nhìn nhận là “có vấn đề”, thậm chí là thất bại.
Ông Kiên nói: “Tái cơ cấu đầu tư công có thể nói là không thành công, thể hiện rõ ở việc bội chi ngân sách vẫn cao, cùng với đó là việc phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn. Chỉ số ICOR không cải thiện nhiều, nếu 2012 chỉ số chung của cả nước là 5,3 thì 2015 là 5,18. Như vậy 4 năm thực hiện tái cơ cấu mới chỉ giảm được 0,12, như vậy là tái cơ cấu đầu tư công có vấn đề.”
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Dũng báo cáo, “Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường. Đã sắp xếp 465 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.”
Ông Kiên nhận định rằng như thế "chưa thể nói là thành công”.
“Chúng ta có 432 tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải cổ phần hóa theo kế hoạch chính phủ trình quốc hội, nhưng đến nay còn hơn 100 chưa làm được. Trong lúc doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản là gần 5 triệu tỷ đồng không những không có tác động tích cực với nền kinh tế mà còn đang bon chen với doanh nghiệp dân doanh kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế” – Ông Kiên nói.
Ông Kiên nói thêm “Trong ba trọng tâm tái cơ cấu thì tái cơ cấu ngân hàng làm bài bản nhất, có đề án và thực hiện đúng tiến độ, giảm được số lượng yếu kém và giữ được ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên cũng chưa phải đã hết những vấn đề đáng lo ngại. Nhưng bảo là tác động của thành công của tái cơ cấu đến đến nền kinh tế thực như thế nào thì ý kiến còn khác nhau. Ví dụ như nhiều chỉ tiêu như ICOR, xuất siêu, nhập siêu cũng không phản ánh được bản chất thành công của tái cơ cấu”.
'Kinh tế VN đi ngược xu hướng thế giới'
Đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Dũng nhìn nhận là "được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên”.
Ông Kiên cho rằng: "Mô hình tăng trưởng gần như là không thay đổi, ví dụ sự nhảy múa của các con số về nhập siêu qua các năm cho thấy chúng ta đã không cầm cương được nền kinh tế. Nếu tình hình xấu thì bảo là do thế giới tác động mà không thấy khuyết điểm do điều hành.”
Thủ tướng Dũng báo cáo có “các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.”
Ông Kiên nhận định ngược lại: “Tư duy vẫn của nền kinh tế kế hoạch hóa. Nhà nước vẫn can thiệp và vẫn muốn chỉ đạo thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và chỉ trong trường hợp cùng bất đắc dĩ mới quay lại hành động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường nên luôn luôn chậm so với diễn biến của thị trường. Khi đã chậm thì chi phí xử lý cao mà không quy được trách nhiệm cá nhân, những vấn đề như thế tiềm ẩn không phải là nguy cơ mà chính là lực cản của nền kinh tế”.
“Nếu chỉ nhìn năm này sang năm kia từ 2012 đến 2015 thì GDP năm sau cao hơn năm trước, nhưng nếu nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển ngược thế giới”- Ông Kiên nói.
'Quốc hội cần có tiếng nói quyết định về nhân sự nhiệm kỳ tới'
Nặng nề hơn khi vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế quốc hội cho rằng “Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 nói rõ Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính nhà nước cao nhất, chứ không nói Chính phủ là cơ quan kinh doanh cao nhất của đất nước”.
Ông Nguyễn Đức Kiên nói Quốc hội cần phải có "tiếng nói quyết định chứ không phải tiếng nói bình thường cho việc lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ tới". Ảnh: Hoang Dinh Nam (AFP GETTY). |
Nói vậy khác gì cho rằng Thủ tướng và Chính phủ đương nhiệm đã không nhận thức đúng vai trò, chức phận của mình là gì.
Từ những phản bác trên, ông Kiên đưa ra yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân, đánh giá chính xác “hạn chế ở đâu, do thể chế hay do con người?”
Thay đổi thể chế, với một người như ông Kiên, có lẽ là chưa thể, dù chỉ là... ý tưởng. Nhưng dường như ông đã đang có ý chỉ đến việc thay đổi con người, ở đây là nhân sự cấp cao.
“Hiện nay, khả năng tập hợp và khả năng quyết đoán của cán bộ chủ chốt còn yếu nên không lôi cuốn được mọi người. Có những người có khả năng thì không được chọn,” ông Kiên nói.
Nhiệm kỳ của cả Chính phủ và Quốc hội đều sắp hết, đến kỳ chuyển giao. Đề cập đến việc thay đổi nhân sự này, ông yêu cầu Quốc hội phải có tiếng nói, mà là “tiếng nói quyết định chứ không phải tiếng nói bình thường - cho việc lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ tới”.
Việc bản cáo cáo của Thủ tướng bị phản bác một cách vỗ mặt như thế, đến giờ vẫn là hi hữu.
Trong Quốc hội (và cả bộ máy Đảng, Chính phủ) không phải ít người nhìn nhận ngược như ông Kiên. Nhưng phản pháo (qua báo) một cách vỗ mặt như thế thì không phải ai cũng dám lên tiếng.
Sự lên tiếng của ông Kiên vào thời điểm này cũng là chỉ dấu cho thấy đã có những nút cài nào đấy cho ván bài nhân sự trước đại hội XII.