Mỗi người dân Việt Nam đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công
|
“Tình hình tài chính của Việt Nam đang rất khẩn trương với đầy những vấn đề không được giải quyết: ngân sách cạn kiệt, chi tiêu không được quản lý chặt, lãng phí đầu tư công và rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa”
Báo trong nước tường thuật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung trong bối cảnh ngân sách đang cạn kiệt.
Hôm 17/11, báo Dân Trí viết: “Để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung”.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp.
Trước đó, báo Thanh Niên đưa tin hôm 10/11, Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng tổ chức họp báo để ‘đính chính’ thông tin về việc địa phương này sẽ “xây dựng trung tâm hành chính - chính trị 10.000 tỷ”.
Báo này dẫn lời ông Phạm Hữu Thư, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng khẳng định thành phố chưa nghiên cứu và lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở trung tâm hành chính - chính trị.
"Thực tế, con số 10.000 tỷ với 70% xin ngân sách trung ương là con số dự tính để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm."
Tình hình tài chính của Việt Nam đang rất khẩn trương với đầy những vấn đề không được giải quyết: ngân sách cạn kiệt, chi tiêu không được quản lý chặt, lãng phí đầu tư công...Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Cuối tháng 10/2015, các báo trong nước đồng loạt dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ “ngân sách đang rất căng thẳng” và chỉ còn 45.000 tỷ đồng.
Hôm 23/10, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Tình hình tài chính của Việt Nam đang rất khẩn trương với đầy những vấn đề không được giải quyết: ngân sách cạn kiệt, chi tiêu không được quản lý chặt, lãng phí đầu tư công và rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa”.
Theo ông Thành, việc ngân sách cạn kiệt là chỉ dấu sau một quá trình quản lý nhà nước không hiệu quả. Ông diễn giải thêm: “Kinh tế không đủ thu để nuôi ngân sách trong lúc ngân sách bội chi từ năm này qua năm nọ mà không kiềm lại được. Một quốc gia không trả được nợ mà còn phải đi vay để trả nợ cũ thì có vấn đề lớn về quản lý ngân sách nhà nước rồi”.