Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Xử lý vụ chê Chủ tịch tỉnh xấu: thói lạm quyền và suy diễn luật

Lã Yên - Dân Luận - Theo thông tin báo chí đã đưa, cô giáo Lê Thị Thùy Trang - Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) đăng thông tin “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” lên trang Facebook cá nhân kèm theo lời bình luận về gương mặt ông chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Hai người khác là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) và Phan Thị Kim Nga (Phó văn phòng Sở Công thương) cũng vào bình luận. 

Sau sự việc này, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh An Giang đã ra quyết định xử phạt bà Trang, ông Phúc mỗi người 5 triệu đồng, với lý do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác, bà Nga bị nhắc nhở. Đồng thời ba cán bộ này còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. 

Về phía dư luận, nhìn chung rất bức xúc về cách xử lý vụ việc trên của các cơ quan chức năng tỉnh An Giang. Trên các trang mạng xã hội cũng như trong phần bình luận của các trang báo mạng, mọi ý kiến điều cho rằng xử phạt trên là quá nặng, tùy tiện, theo kiểu "cả vú lấp miệng em", làm dụng quyền và suy diễn luật để kết tội người khác... 

Về mặt pháp luật, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tiểu Long - Đoàn luật sư Long An, với nội dung bình luận "cái mặt kênh kiệu" thì không vi phạm pháp luật, khó có căn cứ nào để cho rằng từ "Kênh kiệu" là xúc phạm danh dự, uy tín. (Dân trí) 

Còn Đảng ủy khối dân chính Đảng tỉnh An Giang cho rằng việc xử lý, xử phạt là đúng. Thậm chí còn cho rằng mức kỷ luật khiển trách với giáo viên Lê Thị Thùy Trang là... nhẹ so với quy định. Ông La Công Tâm, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo An Giang cho rằng “Việc xử lý sai phạm đúng cơ sở, đảm bảo đúng quy trình, đúng thẩm quyền và có kết hợp với các cơ quan như Công an, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Công thương. Cho nên không thể nói việc xử lý này là nặng” (Tuổi trẻ. 18/11/2015) 

Trả lời trên báo điện tử vietnamnet.vn, Ông Vương Bình Thạnh, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói ông không chỉ đạo xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng làm việc vô tư khách quan. 

Dù là về mặt tư cách đạo đức hay pháp lý, thì việc nói người khác có bộ mặt "kênh kiệu" không có gì là nói xấu, là xúc phạm danh dự, là phạm pháp. Suy cho cùng đây chỉ là câu nói mô tả điệu bộ của của gương mặt. Nếu chỉ có vậy mà bị cho là xúc phạm danh dự người khác thì thật là khôi hài. Bản thân mình đẹp thì ngại gì người khác chê xấu, chỉ sợ là mình xấu mà người khác lại nói đẹp mới nguy hiểm. 

Nếu ở đây là câu nói của một người thường dân thì xử lý thế nào? 

Đảng luôn kêu gọi phê bình và tự phê bình, phát huy dân chủ, ý kiến đóng góp đảng viên, chấn chỉnh lề lối làm việc. Vậy mà người ta mới chỉ nói là mặt anh kênh kiệu đã phải nhận hậu quả như vậy thì không biết trong các cuộc họp "kiểm điểm phê bình" nội bộ ai dám phát ngôn điều gì? Khen chê trong xã hội văn minh là bình thường, đừng lập lờ câu nói xấu bôi nhọ uy tín lãnh đạo để khép tội người ta. 

Cây ngay đâu sợ chết đứng, bản thân ông trong nhiệm kỳ làm chủ tịch An Giang đã có nhiều sai phạm và những sai phạm đó đã được thanh tra chính phủ công bố trên phương tiện thông tin và bị đề xuất kỷ luật. Vậy người dân cảm thấy thất vọng và tỏ thái độ chuyện bình thường, có gì sai? 

Ông chủ tịch này tính tình nhỏ mọn, ích kỷ, hẹp hòi, mượn việc công trả thù riêng, không có tư chất của một người làm lớn, không có lòng bao dung và công minh. Hành động không khôn ngoan này tự hạ thấp giá trị của ông và làm cho mọi người càng đánh giá thấp về ông. 

Nền dân chủ ở nước ta, theo lời Phó Doan: "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản". Ở Mỹ bình luận, hoặc vẽ tranh biếm họa về tổng thống vô tư. Còn ở mình vì một câu nói mặt ông chủ tịch "Kênh kiệu" mà bị xem là phạm pháp thì xin hỏi thế này là thứ dân chủ gì? 

Ở nước mình nó lạ, cán bộ tự xưng là đầy tớ của dân, dân là chủ, nhưng sao dân phê bình thói hư tất xấu của cán bộ lại bị phạt? Lời nói thật thì thường khó nghe, việc lắng nghe các ý kiến phản biện là phẩm chất còn thiếu của quan chức hiện nay. Nếu làm cán bộ toàn thích nghe lời xua nịnh không chấp nhận nghe phản biện, sẽ chẳng khá lên được. 

Source: Dân Luận

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam