Phạm Hy Sơn - Danlambao - Lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng có lúc nhục, lúc vinh. Tại châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Ý... từng bị Hy Lạp rồi La Mã đô hộ cả ngàn năm. Tây Ban Nha bị một nước nhỏ ở Bắc Phi là Ma Rốc cai trị gần 1000 năm.
Trung Hoa, một nước từ trước tới nay thường tự đề cao là thiên triều, xưa kia đã từng có thời kỳ phải triều cống dưới hình thức thuế cho các dân tộc ở bên kia Vạn Lý Trường Thành hàng năm để được sống yên ổn. Nhưng cũng không được yên ổn mãi mãi mà bị hết người Mông Cổ đến người Mãn Châu cai trị rồi người phương Tây Anh, Pháp, Nga, Đức, Bồ… xâu xé làm bao nhiêu mảnh, chưa kể người Nhật sát nhập quần đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ thành lãnh thổ Nhật cho tới năm 1945, khi Nhật đầu hàng người Mỹ bởi 2 trái bom nguyên tử mới lại trở về dưới sự cai trị của người Trung Hoa.
Dân tộc Việt Nam chúng ta cũng không thoát khỏi tình trạng ấy khi bị người Tàu đô hộ cả ngàn năm, từ năm 111 trước TL đến năm 939 sau TL. Lịch sử còn ghi lại trong thời kỳ đen tối kéo dài đó, dân tộc chúng ta đã quật cường chống lại những mưu toan thâm độc diệt chủng và đồng hóa của người Tàu.
Tổ tiên chúng ta vẫn bảo tồn được nòi giống và lấy lại được nền độc lập từ năm 939 với chiến thắng trên sông Bạch Đằng do tài cầm quân của vua Ngô Quyền.
Trước đó mấy trăm năm, dân tộc chúng ta giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng. Thời kỳ độc lập đầu tiên ấy ngắn ngủi trong 3 năm (từ năm 40 đến năm 43 sau TL) nhưng đã tạo lòng tự tin và bồi đắp thêm tinh thần quật cường của dân tộc để đem lại chiến thắng quyết định sau cùng vào năm 939.
Từ năm 111 TTL đến năm 40 STL, có mấy cuộc khởi nghĩa bị quân Tàu đánh bại và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã chiến thắng, đã quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, lá cờ độc lập tung bay trong toàn cõi làm lòng người náo nức và tự hào, tự tin vào tinh thần quật cường bảo tồn nòi giống và đất nước.
Tinh thần ấy được nối tiếp và bùng lên với cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh 200 năm sau, năm 248, tại các huyện Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống tiến lên đánh chiếm huyện lỵ Tư Phố ở Thanh Hóa làm quân Tàu run sợ:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan.
Tạm dịch:
Múa giáo đánh cọp dễ
Đối mặt vua Bà thì nguy.
Tuy cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu không thành nhưng đã bùng lên ngọn lửa truyền thống bất khuất để chuyển tiếp cho các thế hệ sau. Một điều rất ngạc nhiên là Hai Bà Trưng cũng như phần lớn các nữ tướng của hai bà đều là những phụ nữ rất trẻ tuổi, mới ngoài tuổi đôi mươi và Bà Triệu khởi nghĩa khi vừa tròn 23 tuổi.
Phụ nữ Việt Nam thật đáng kiêu hùng!
Vào thời Pháp thuộc cũng có những bậc nữ anh hùng với hùng tâm Trưng Triệu nổi lên chống ngoại xâm như bà Đặng Thị Nhu đã cùng với chồng là cụ Đề Thám bao nhiêu năm kháng chiến ở chiến khu Yên Thế làm cho quân Pháp phải lao đao, run sợ. Nối gót bà Đặng Thị Nhu là Cô Bắc, Cô Giang, Cô Tâm và rất nhiều phụ nữ khác đã sát cánh cùng với các bậc anh hùng Nguyễn Thái Học, Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn… của Quốc Dân Đảng mở cuộc khởi nghĩa năm 1930 lúc các cô ở tuổi 18, 20, ngoài 20.
Ngày nay dân tộc và đất nước lại đứng trước nạn xâm lăng từ phương Bắc, nữ lưu Việt Nam cả nước một lần nữa đem hùng tâm Trưng Triệu cùng với nam giới quyết ngăn cản quân xâm lăng và đấu tranh với kẻ nội thù là đảng csVN đang tâm bán nước cho kẻ thù của dân tộc. Hơn 1.000 km2 đất liền đã mất, hơn 20.000 km2 biển đã mất, Hoàng Sa mất và bây giờ kẻ thù đang lăm le lấy cả Trường Sa.
Trước nguy cơ đó, những phụ nữ đầy hùng tâm dũng chí như cụ Lê Hiền Đức, bà Bùi Thị Minh Hằng và những người tuổi trẻ Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Tạ Phong Tần, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy, Hồ Thị Bích Khương… và biết bao nhiêu phụ nữ khác đang âm thầm hoạt động và đang đối mặt với tù đày, tra khảo bất cứ lúc nào nhưng không có gì có thể làm họ nhục chí...
Truyền thống bất khuất của dân tộc, của Bà Trưng, Bà Triệu, Cô Bắc, Cô Giang luôn chảy trong huyết quản họ, đốt cháy trái tim họ.
Ý nguyện bảo vệ giống nòi, đất nước khắc sâu trong tâm hồn họ, là lẽ sống của họ, phụ nữ Việt Nam.