Bùi Hải - Soha News - NSƯT Chí Trung đã phải kêu lên như vậy khi đọc một mẩu tin ngắn.
Cái nhân tình thế thái ẩn trong mẩu tin vài trăm chữ ấy có sức công phá như đạn pháo:
Một người đàn ông ở TP.HCM không ngần ngại để xe máy trên đường, lao xuống nước cứu một đôi trai gái nhảy cầu, đến khi quay lên, thì bọn bất lương đã cuỗm mất chiếc xe máy ấy.
Chiếc xe ấy có thể chỉ được bán với giá vài triệu ở chợ tiêu thụ đồ ăn cắp, nhưng nó đã cuỗm đi luôn một tài sản vô giá, đó là lòng tin ở con người?
Người đàn ông đó và những người chứng kiến cảnh ấy, liệu sẽ liều mình lần thứ hai, để rồi ôm hận?
"Trời ơi, ai dám làm nhà báo tốt nữa" - tối qua chính tôi đã thốt lên câu nói ấy khi thấy đồng nghiệp - một người em của mình, cây bút phóng sự điều tra hàng đầu, Đỗ Doãn Hoàng, bị đánh bầm dập.
Hoàng, một người chịu đi không còn một có xỉnh nào của đất nước, dũng cảm điều tra nhiều vụ bê bối tày trời, đã phải thốt lên những lời mà tôi tin, nó xuất phát từ tận cùng cay đắng của lương tâm nghề nghiệp:
"Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi không thì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!
Tôi sẽ chùn bước, sẽ dừng lại với một số vụ vì nó đã đe dọa tôi nếu không dừng lại thì nó sẽ giết. Tôi có thể nói như thế mà không thấy xấu hổ, không thấy mình hèn tí nào!".
Bị đánh đến hơn một ngày Hoàng mới dám công bố thông tin. Anh và gia đình đã cân nhắc rất lâu vì sợ chúng tiếp tục trả thù.
Sự cân nhắc ấy giống như tình huống một vụ bắt cóc trong phim hành động Mỹ, báo cảnh sát có khi con tin phải chết.
Khi đối diện cái xấu, cái ác, rất nhiều người sẽ chọn cách im lặng. Bây giờ, không làm hại ai, đã có thể được xem như người tốt.
Đối mặt với côn đồ chắc chắn là điều cực kỳ tồi tệ, nhưng có lẽ một trong những điều quan trọng khiến Hoàng chùn bước, lại không đến từ những côn đồ.
Khi Hoàng bị đánh bầm dập, đã nằm đó như một xác chết đầy máu me, thì 3 người đi xe máy qua đã chạy thẳng, mặc cho Anh van vỉ nhờ họ chở đi chỗ khác.
"Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả".
Nỗi tuyệt vọng của Hoàng trước đồng loại không phải nỗi tuyệt vọng cá biệt.
Có rất nhiều ví dụ, nhưng tôi chỉ nêu ra đây tâm sự đau đớn của một cô gái từng trải qua ranh giới sự sống và cái chết khi chiếc xe cô đang lái bị ép và kẹt giữa làn xe container và bị một chiếc xe bồn kéo lê đi.
"Nhưng cái cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ, phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ô tô, dừng xe tay ga chen chúc nhau giơ máy điện thoại quay lại.
Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ...".
Những gương mặt vô cảm này dường như giống y chang "những người tốt" đã không đưa cháu bé 7 tuổi trong vụ xe điên ở Ái Mộ, Gia Lâm đi cấp cứu vì lý do rất nhân văn": chờ 115 đến cho chuyên nghiệp.
Nhưng bi kịch không chỉ đến từ những kẻ côn đồ giấu mặt, từ những người đi đường cúi gằm mặt quay đi trước lời kêu cứu của nạn nhân, mà còn đến từ những kẻ đang chường mặt trên mạng xã hội.
Đã có người hân hoan tột cùng khi Hoàng bị đánh và công khai niềm hân hoan ấy trên diễn đàn.
Họ kêu gọi nhân dân phải "giao lưu" nhiều hơn nữa với báo chí bằng... dùi cui và gạch đá, để xã hội trong lành hơn.
Họ có thể ghét nhiều nhà báo tiêu cực, ghét những tờ báo làm ăn chụp giật, nhưng nhân danh việc đó để "trả thù" một nhà báo bị đánh, bị đe dọa tính mạng, thì không thể hiểu nổi.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói, nhiều người Việt đang đánh mất đi sự hiền lương vốn có của mình, trở nên ác độc với nhau.
Tôi muốn bổ sung thêm một điều mà ai cũng biết: Những người hiền lương đang dần dần cô độc trên hành trình cự tuyệt và chống lại cái ác.
Một nông dân của HTX trồng rau an toàn Ba Chữ ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội đã chỉ cho chúng tôi luống rau anh trồng cho nhà anh ăn: "Xấu, cằn thế này, có đem đi bán cũng chẳng ai mua".
Luống rau anh đem bán ở góc ruộng, dĩ nhiên xanh non, lớn nhanh như thổi.
Mấy người bạn tôi, khởi nghiệp trồng rau sạch và thực phẩm sạch, đều đã phá sản nhanh chóng sau 3-8 tháng.
Muốn làm một người nông dân tốt cũng khó. Họ làm sao sống sót trong một môi trường mà giả nhiều hơn thật và lòng tin của thượng đế đã bị mang ra phát mãi?
Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn, một người tốt điển hình, chuyên giúp người mà không toan tính, đôi lúc cũng phải thở dài:
"Trong số hơn 40 người tự tử mà tôi cứu sống, chỉ có vài người quay lại cảm ơn".
Đến ơn cứu mạng mình mà người ta còn vô tình như vậy.
Khuất Nguyên phải tự chết vì "đời đục cả, mình ta trong". Chí Phèo cũng phải chết vì "Ai cho tao làm người lương thiện?".
Xã hội còn rất nhiều người tốt - ngay cả trong lúc bĩ cực, phải trốn ở một nơi bí mật - Đỗ Doãn Hoàng vẫn khẳng định như vậy.
Người tốt còn rất nhiều, nhưng xã hội sẽ đi về đâu khi những người tốt không lên tiếng, không hành động để chống lại cái ác?
Tổng biên tập báo Lao động Trần Duy Phương, sếp của Hoàng, nói với các nhà báo: Đỗ Doãn Hoàng thoát chết nhờ... chiếc mũ bảo hiểm.
"Còn ai dám làm người tốt nữa" khi mạng sống của họ chỉ được bảo hiểm bằng những vật vô tri giác như một chiếc mũ bảo hiểm?