Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Vì sao những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử ĐBQH đều thất bại?

Share
Kami - Cuộc chơi tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã khép lại, với kết quả là hầu hết ứng cử viên độc lập ra tranh cử ĐBQH đã bị loại khỏi danh sách bầu cử sau những hội nghị hiệp thương. Điều đó không hề gây bất ngờ, vì ai cũng biết rằng trong một cuộc bầu cử vào cơ quan quyền lực cao nhất theo quy định của hiến pháp, nhưng thực hiện theo quy chế "Đảng cử, Dân bầu" thì mọi việc đều phải tuân thủ theo một kịch bản mà đảng đã vạch sẵn và việc ai sẽ được họ "bế" vào ngồi ghế đại biểu cho nhân dân cũng đã được sắp xếp sẵn sàng rồi

Toàn cảnh

Tại Hà Nội, số người tự ứng cử là 48 người chỉ còn sót lại hai người trong đó chỉ có một người ngoài đảng. Đó là các ông Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch hội đồng quản lý trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội và ông Nguyễn Anh Trí - Giáo sư Tiến sĩ, Bí thư đảng ủy, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, có 48 ứng cử viên tự do song cũng chỉ có 2 người tự ứng cử được Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thống nhất lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đó là ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND thành phố khóa XVIII, Giám đốc Công ty Tiên Phong) và bà Nguyễn Thị Hồng Chương (cử nhân sư phạm ngành ngữ văn, giáo viên, Bí thư chi bộ trường THPT Tân Túc, Bình Chánh).

Trong số những cử viên độc lập bị loại có một số người có tên tuổi và uy tín lớn như nhà báo Trần Đăng Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Quang A... cũng bị loại khỏi cuộc chơi một cách không thương tiếc. Đáng chú ý, 100% các nhân vật từng tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền không ai lọt qua được vòng hiệp thương thứ 3. Như vậy có thể coi rằng, về mặt hình thức, phong trào tự ứng cử do TS. Nguyễn Quang A khởi xướng đã thất bại hoàn toàn. Tuy vậy, phong trào tự ứng cử đã đạt được mục đích của nó, đó là vạch trần sự mất dân chủ trong các cuộc bầu cử tại Việt nam. Đồng thời khẳng định cho thấy Quốc hội VN chỉ là một công cụ của Đảng CSVN, nhằm hợp thức hóa các nghị quyết của đảng hòng che mắt quốc tế và dân chúng trong nước.

Cho dù kết quả này hoàn toàn không bất ngờ, nhưng kết quả này khiến nhiều người thất vọng về cách hành xử của chính quyền. Từ Sài gòn, nhà báo Nguyễn Thiện đã viết trên trang facebook cá nhân của mình một cách mỉa mai rằng: "Qua chuyện anh Trần Đăng Tuấn - một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng - bị loại, tôi thấy rằng: hễ giàu thì ghét, nghèo thì khinh, còn thông minh và tâm huyết với cộng đồng thì người ta tìm cách tiêu diệt! Đúng là một đất nước không chịu phát triển!"

Nói về kết quả Hội Nghị Hiệp thương lần 3 do Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội tổ chức, đã không đưa phần lớn các cá nhân tự ứng cử vào danh sách bầu ĐBQH khoá 14. Nhà báo Trần Đăng Tuấn, một người tự ứng cử đã bày tỏ rằng: "Có những người trong số họ tôi đánh giá cao và trân trọng. Tôi cũng nằm trong số ứng cử viên không được chọn. Tôi không bình luận, cũng không quan tâm lý do và động cơ khiến số đông trong 83 người dự cuộc họp này không ủng hộ tôi ứng cử.Theo thủ tục bầu cử hiện nay, họ có quyền như vậy. Họ cũng có trách nhiệm với xã hội và cử tri khi sử dụng quyền này. Đó là việc của họ."

Vì sao những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử đều thất bại?

A. Khách quan: 

Chính quyền không khuyến khích tự và chấp nhận người ứng cử

Trong điều kiện thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo, nên số lượng ĐBQH hiện nay chủ yếu được bầu theo dự kiến và sự định hướng của lãnh đạo Đảng CSVN. Với cơ chế "Đảng cử, Dân bầu" nên những người trúng cử là do định hướng và cơ cấu sắp sẵn chứ không phải vì năng lực và chương trình hành động của họ được thể hiện qua vận động tranh cử. Hơn nữa chính quyền luôn muồn rằng, các ĐBQH phải là những người biết vâng lời và chịu sự giật dây. Đây là lý do khiến phía chính quyền không khuyến khích các cá nhân tự ứng cử, cũng như việc cử tri không được giới thiệu người mình tín nhiệm. Mà bằng chứng là quá trình hiệp thương được sử dụng như một thứ rào cản nhằm ngăn chặn những trường hợp cá nhân tự ứng cử, cho dù pháp luật hiện nay có quy định cho người tự ứng cử. Bên cạnh đó là việc những văn bản pháp luật quy định về việc đề cử và tự ứng cử còn tùy tiện, chưa được quy định chặt chẽ.

Tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự cởi mở cho các cá nhân tự ứng cử. Đây là một hạn chế lớn, mà nguyên nhân chính là do các cử tri chưa có thói quen cho một cuộc bầu cử dân chủ tự do, họ vẫn quá tin tưởng vào cách làm cũ trong các cuộc bầu cử ĐBQH trước đây. Hành động tự ứng cử còn quá xa lạ, dưới con mắt của số đông cử tri Việt nam hiện nay, việc tự ứng cử ĐBQH là việc làm dị hợm. Do đó hầu hết người dân không đồng tình và ủng hộ đối với những người tự ứng cử ĐBQH.

B. Chủ quan:

1. Chưa thực sự nghiêm túc

Người tham gia tự ứng cử ĐBQH trước hết phải là những người có ý thức thượng tôn pháp luật, phải xác định đây là chuyện nghiêm túc, để tránh tình trạng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử ” hoặc là tham gia “cho vui”. Những người tự ứng cử phải là người có trình độ, có đạo đức, có uy tín, được đông đảo cử tri tín nhiệm và phải có khả năng tài chính. Nên xác định việc quyết định ra tự ứng cử là sự đặt cược danh dự và uy tín của mình, vì không được lựa chọn làm ứng cử viên, hay không trúng cử hoặc được số phiếu bầu quá thấp là tự mình đánh mất danh dự và uy tín của cá nhân mình.

Tuy vậy đã có không ít người tự ứng cử tham gia với tinh thần tự ứng cử theo phong trào, chính vì thế họ đã thiếu sự tìm hiểu về vai trò, nhiệm vụ cũng như chức năng của một ĐBQH. Cụ thể là một trong những khoản của Điều 3 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội quy định một ứng cử viên ĐBQH tối thiểu phải có những tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế nên trong cương lĩnh tranh cử của một vài cá nhân đã tuyên bố sẽ xóa bỏ chế độ độc đảng như hiện nay. Điều đó cho thấy, những người này chưa có đủ nhận thức trong cuộc chơi này hoặc họ đã coi việc tự ứng cử như một trò đùa.

2. Đánh giá quá thấp vai trò một ĐBQH

Việc đa số những người tự ứng cử ĐBQH vừa qua còn chưa có đủ bề dày kinh nghiệm và kiến thức, sự hiểu biết, các đóng góp cho xã hội nói chung và khu dân cư mình cư trú nói riêng đã cho thấy điều đó. Có lẽ vì họ không biết rằng, chẳng có ở quốc gia nào trên thế giới mà các ứng cử viên suy nghĩ và quyết định việc tham gia tự ứng cử chức vụ đại biểu nhân dân, để vào ngồi trong Quốc hội - một cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất lại đơn giản như thế. Nguy hiểm nhất là họ chưa đánh giá đúng năng lực của cá nhân mình cũng như xác định được rằng họ sẽ vào Quốc hội để làm việc gì? Và những việc họ muốn làm có phù hợp với luật chơi (Luật Quốc hội) của tổ chức mà họ định tham gia hay không? Đây là một sai sót hết sức trầm trọng, họ không hiểu rằng điều này sẽ còn ảnh hưởng đến những người tự ứng cử khác, vốn là những người có bề dày kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực cũng như uy tín xã hội, như các ông: Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Quang A .v.v...

Cho dù rằng trong số các ĐBQH Việt nam hiện nay, có nhiều người tỏ ra không có năng lực, được Đảng chọn theo cơ cấu để ngồi cho kín chỗ. Song không thể vì vậy mà quyết định tự ứng cử, vì bản thân những người tự ứng cử không có năng lực, rồi nghĩ rằng mình có thể trám chỗ của những ĐBQH nói trên thì xin hỏi họ ứng cử để làm gì? Một nhà báo đã phỏng vấn một số người tự ứng cử để viết bài về bầu cử Quốc hội khóa 14, có thổ lộ với tôi rằng "Không ngờ có rất nhiều các ứng cử viên độc lập thiếu hiểu biết như vậy, phỏng vấn họ xong mà tôi không dám viết bài về họ, vì viết ra những điều họ phát biểu sẽ thấy xấu hổ.".

3. Coi thường vai trò của cử tri

Các thông tin, hình ảnh tại các vòng hiệp thương có những người tự ứng cử tham gia đã phản ánh cho thấy điều đó. Việc các ủng hộ viên và cử tri chia thành 2 phe công kích lẫn nhau với thái độ và lời lẽ quá khích, một việc làm gây nên ấn tượng xấu đối với các cử tri cao tuổi vốn là những người vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN, và họ là những người nắm quyền quyết định trong các hội nghị hiệp thương. Điều này chính là lý do vì sao họ đã nói không với những người tự ứng cử.

Dù rằng ai cũng biết, việc tổ chức các vòng hiệp thương được coi là cái bẫy để dùng các đại biểu của cử tri nhằm đánh trượt các ứng cử viên độc lập. Song cũng cần hiểu rằng, việc lấy ý kiến của người dân nơi đại biểu cư trú, cũng là việc cần thiết vì họ hiểu rất rõ cá nhân người đó thế nào, gia đình thế nào, quan hệ với cộng đồng dân cư ra sao. Nếu người tham gia ứng cử mà tốt thì nhân dân sẽ đánh giá tốt, nhưng nếu không tốt thì cũng sẽ bị đánh giá không tốt. Đây là công việc cần thiết để buộc những người tự ứng cử phải xem xét lại mình và có những hành động việc làm tạo sự tín nhiệm từ cử tri. Những người tự ứng cử đừng chủ quan khi nghĩ đơn giản rằng, nếu không có hội nghị cử tri thì họ sẽ được đưa vào danh sách ứng cử viên và có thể được bầu chọn là ĐBQH. Vấn đề là ở chỗ những người tự ứng cử có thuyết phục và giành được sự ủng hộ của cử tri thông qua các hành động và việc làm cụ thể của họ hay không?

4. Chưa được cử tri tín nhiệm

Người đại biểu nhân dân trước hết phải là người phải mang lại quyền lợi cho cử tri và bảo vệ các quyền lợi của họ. Người dân sẽ không tín nhiệm và chắc chắn sẽ không lựa chọn những ứng cử viên không có đóng góp và mang lại quyền lợi cho cá nhân cũng như cộng đồng của họ. Đây là điều chắc chắn và ở bất kể quốc gia nào cũng vậy. Việc tại các hội nghị hiệp thương tại khu vực những người tự ứng cử cư trú, các đại diện cử tri có nhận xét rằng người tự ứng cử ông B, bà C... không có đóng góp gì cho địa phương nên họ không ủng hộ là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy vậy, các ý kiến đó bị một số người mang ra bình phẩm chế diễu và coi đó là sự thiếu dân chủ thì cũng cần nên xem xét lại.

Trong bài viết "Người tự ứng cử ĐBQH nên biết" cách đây chưa lâu tôi đã viết rằng "Lá phiếu bầu cử ĐBQH là sự lựa chọn của cử tri, do đó vấn đề quan trọng hơn cả của những người tự ứng cử là uy tín của họ đối với cử tri ở khu vực mình tự ứng cử, là những người lựa chọn họ. Hầu như những người tự ứng cử đang quên đi rằng, lực lượng cử tri là đối tượng duy nhất họ cần hướng tới, để từ đó có các cương lĩnh tranh cử hợp lòng cử tri. Đây là yếu tố thúc đẩy cử tri lựa chọn và bỏ phiếu cho mình.". Song có lẽ đa số những người tự ứng cử vẫn chưa ý thức được điều này (!?)

Bài học nào?

Ở các quốc gia theo chế độ chính trị dân chủ, ở đó những người đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp Xã (Phường), Huyện, Tỉnh (Thành phố) và cao nhất là ĐBQH họ luôn ý thức được rằng, nếu là đại biểu của nhân dân thì họ sẽ là đại biểu của dân, mọi hành động cũng như lời nói của họ đều do dân và vì dân. Và chắc chắn cử tri sẽ không lựa chọn những người không mang lại quyền lợi cho họ, cho dù họ tài giỏi đến đâu, nhưng không đủ uy tín đối với các cử tri trực tiếp bỏ phiếu bầu. Đây là điều mà có lẽ đa phần những người tự ứng cử chưa xác định và nhận thức được.

Để được dân tin tưởng bỏ phiếu cho mình, thì họ cần một thời gian dài để tạo dựng uy tín, mà bắt đầu tự địa bàn dân cư mà họ sinh sống. Rồi sau một thời gian, tùy theo khả năng trình độ, cũng như tài chính và sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị họ lần lượt tham gia tranh cử các chức vụ hội đồng nhân dân các cấp. Đây là điều kiện để họ tự khẳng định mình, một khi họ đã kinh nghiệm hoạt động trong các tổ chức này cộng với khả năng về tài chính thì họ mới dám nghĩ đến việc tham gia ứng cử ĐBQH. Cũng vì họ ý thức được rằng, việc quyết định ra tự ứng cử là sự đặt cược danh dự và uy tín của mình, vì không được lựa chọn làm ứng cử viên, hay không trúng cử hoặc được số phiếu bầu quá thấp là tự mình đánh mất danh dự và uy tín của cá nhân mình. Đây là kinh nghiệm đáng để học hỏi.

Một số người đấu tranh dân chủ tự ứng cử, nhưng khi đưa ra hội nghị cử tri tại nơi mình công tác nhận được sự ủng hộ quá thấp là điều đáng suy nghĩ. Một khi đồng nghiệp của anh còn không chấp nhận được, thì làm sao mong rằng cử tri họ sẽ lựa chọn. Đây là một bài học để mỗi cá nhân tự đánh giá lại chính mình, cần phải nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp của mình trước đã, rồi mới hy vọng vào cử tri sẽ bầu cho mình.

Đã tham gia cuộc chơi thì trước hết phải chấp nhận luật chơi, không thể dùng diễn đàn Quốc hội để thực thi các chính sách tranh cử nhằm thay đổi chế độ chính trị. Đó là suy nghĩ không chỉ ngây thơ, mà nó còn thể hiện sự ấu trĩ về chính trị, nhất là trong một chế độc độc tài một đảng lãnh đạo, ở đó không có chỗ đứng cho những người có suy nghĩ như thế. Những người có ý thức như vậy thì không bị đánh trượt mới là chuyện lạ. Nguy hiểm hơn, những người đó là nguyên nhân của vấn đề khi báo chí nhà nước cho rằng một số người tự ứng cử do các tổ chức phản động đứng đằng sau.

Tóm lại, trong cuộc đời của mỗi người, chẳng có ai sinh ra mà biết được tất cả mọi điều, nhưng nếu chúng ta muốn biết bất cứ điều gì thì bạn phải học hỏi hoặc được trải qua thực tế. Làm chính trị cũng vậy, nếu như những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội những khóa sau biết được những bài học thì chắc chắn sẽ giúp cho họ có kinh nghiệm cho các cuộc bầu cử khóa sau. 

Kết:

Việc chính quyền tỏ ra cởi mở hơn đối với những người ứng cử ĐBQH lần này, là một bước tiến lớn đáng ghi nhận. Sự thất bại của hầu hết những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 nói chung và những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử không nên coi đó là sự thất bại. Mà coi đó là việc tập dượt trong sinh hoạt chính trị để rút ra các bài học. "Ngày tết đâu chỉ có một lần." chuyện bầu cử, ứng cử ĐBQH cũng như vậy, sẽ còn nhiều dịp diễn ra sau này. 

Đa số những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử đều thất bại là do họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm sinh hoạt chính trị trong một xã hội dân chủ. Cho dù việc chủ trương của chính quyền Việt nam không khuyến khích và chấp nhận họ là có thật, mang yếu tố quyết định. Nhưng cần phải thừa nhận rằng họ (những người đấu tranh dân chủ) chưa tạo dựng được uy tín đối với dân chúng, nói đúng hơn là đa số dân chúng ở Việt nam và số đông trí thức không ủng hộ những người này. Việc tại sao ông Trần Đăng Tuấn một người có uy tín xã hội cao, trong cơ chế hiện tại nhưng vẫn được được 100% cử tri ủng hộ đã cho thấy điều đó. Và việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại cũng là bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm của cơ chế "Đảng cử, Dân bầu". Nghĩa là cơ chế này đâu cần những người có tài, có đức, mà nó chỉ cần các ĐBQH dễ sai bảo.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", hãy tự biết trách mình trước khi trách người. Một khi mình không được cử tri tin tưởng, lựa chọn thì trước hết hãy soi lại bản thân mình, để xem lại rằng mình đã mang lại quyền lợi cho cử tri và bảo vệ các quyền lợi của họ hay chưa? Chứ đừng tưởng rằng, mình nhận được nhận nhiều like trên mạng xã hội, như thế là có tài năng. Những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử dẫu có tài, mà cử tri không tin dùng thì cũng là điều vô nghĩa. Huống chi chỉ là thứ tài "ảo", trong khi thực sự họ chưa đủ tài đức để đảm nhận chức trách đại diện cho dân.

Hãy bắt đầu phép thử từ việc ứng cử Hội đồng Nhân dân cấp xã, để xem rằng cử tri nơi bạn sinh sống có ủng hộ các bạn hay không? Lúc đó các bạn sẽ có câu trả lời chính xác. Nên nhớ "Một người có thể nhầm, một nhóm người có thể sai, nhân dân thì không bao giờ sai".

© Kami

Source: RFA Blog

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam