Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Liệu vụ cá chết sẽ “chìm xuồng”? (phần 1)

Chân Như - RFA - Hơn 2 tháng qua, kể từ ngày con cá đầu tiên chết dạt vào bờ biển miền Trung, người dân vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển và cá chết do đâu. Truyền thông bị kìm kẹp trong việc đưa tin, tin nhắn điện thoại bị chặn những từ khoá như "formosa", "cá chết", "Vũng Áng",..Đời sống người dân ven biển miền Trung hiện đang khó khăn từng ngày và hàng triệu người tiêu dùng bị ảnh hưởng,ngành du lịch thất thu, ngành xuất khẩu thuỷ - hải sản có nguy cơ bị đe doạ. Vì thế, câu chuyện cá chết liệu có bị “chìm xuồng” như muôn ngàn câu chuyện đã từng xảy ra trên đất nước Việt Nam hay không là suy nghĩ của nhiều người dân. Để hiểu rõ hơn, xin quý vị theo dõi chia sẻ của các bạn khách mời hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam trong diễn đàn bạn trẻ kỳ này: 

Hậu quả sẽ là gì?

Chân Như: Với những gì đang diễn ra hiện nay, theo các bạn sự việc cá chết và ô nhiễm biển miền Trung liệu có “chìm xuồng” hay không ? Nếu “chìm xuồng” thì hậu quả sẽ là gì?

Trường Sơn: Theo ý kiến cá nhân của em, dư luận trong nước thể hiện sự quan tâm của họ đối với vấn đề cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa rồi cũng đã giảm đi khá nhiều so với thời gian đầu tiên. Trên mạng xã hội với tần suất đưa tin về nó rồi các cuộc thảo luận đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lác đác số người nhắc đến vấn đề cá chết thôi. Theo ý kiến cá nhân em, trong xã hội Việt Nam vấn đề cá chết này đã bị làm giảm đi tính cấp bách, sức hấp dẫn của nó đối với dân chúng rất nhiều. Em nghĩ chính quyền rất thành công trong việc bẻ lái dư luận, hướng dư luận đến với rất nhiều các vấn đề khác và cố tình không công bố nguyên nhân cá chết khiến cho vấn đề này bị chùng xuống rất nhiều. Thế nhưng, em vẫn tin sớm hay muộn chính quyền vẫn phải đưa ra một cái kết luận cuối cùng về nguyên nhân tại sao cá chết, vấn đề là thời gian khi nào? Và vấn đề nguyên nhân họ đưa ra là gì?
Nếu chính quyền đi đến quyết định không bao giờ công bố cứ để sự việc chìm xuống đến khi tắt hẳn thì em không nghĩ nó sẽ gây ra hệ lụy gì về mặt chính trị to lớn lắm, nhưng về mặt xã hội thì rất nghiêm trọng.
-Trường Sơn
Còn nếu chính quyền đi đến quyết định không bao giờ công bố cứ để sự việc chìm xuống đến khi tắt hẳn thì em không nghĩ nó sẽ gây ra hệ lụy gì về mặt chính trị to lớn lắm, nhưng về mặt xã hội thì rất nghiêm trọng. Chúng ta để ý trên các phương tiện thông tin lề trái sẽ thấy cuộc sống của các ngư dân miền Trung, những tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm hoạ môi sinh cuộc sống của người dân nơi đây đang hết sức khó khăn. Và nếu để càng lâu hơn nữa, chính quyền hoạt động rất kém hiệu quả và người dân không nhận được sự hỗ trợ, thuyền đánh cá vẫn phải phơi trên bờ thì bản thân của người dân các khu vực này nếu sự việc không được giải quyết thỏa đáng thì cuộc sống của chính người dân sẽ thêm khó khăn. Còn về mặt toàn dân nói chung, em cho rằng nó sẽ là một cú bồi thêm vào sự mất lòng tin nơi chính quyền hiện tại. Người dân vốn đã rất ngao ngán, họ không thể hiện ra bởi vì hết lần này đến lần khác chính quyền hoạt động rất kém hiệu quả. Sự việc này nếu chính quyền không giải quyết dứt điểm sẽ không khiến người dân nổi dậy hoặc khiến người dân biểu tình thêm đâu nhưng sẽ bồi thêm vào sự mất lòng tin của người dân, họ sẽ càng thêm chán nản vào chính quyền này. Đó là ý kiến của em.

Chân Như: Theo những gì chia sẻ của Trường sơn thì đây chỉ là một cú bồi thêm vào sự mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Phan Duy có đồng tình với ý kiến của Trường Sơn không?

Phan Duy: Em cũng đồng ý với ý kiến nêu trên. Việc cá chết ít được nhắc đến nữa trên facebook. Hiện nay em thấy gần như là không có những thông tin đó nữa, nhưng em không nghĩ nó sẽ chìm xuồng là bởi vì (cái này nó phụ thuộc vào việc giải quyết hậu quả của nó nhiều hơn) ví dụ như cá vẫn còn tiếp tục chết thì những bước thảm hoạ sau này vẫn sẽ còn những thông tin đưa lên vì môi trường vẫn còn đang bị ô nhiễm và chưa được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Hiện nay, mọi người rất quan tâm đến sức khoẻ của bản thân mình, cho nên em nghĩ việc này nếu như muốn cho nó chìm xuồng hẳn thì trừ phi chính quyền phải có động thái làm trong sạch lại môi trường.
Đối phó dư luận?

Chân Như: Cám ơn chia sẻ của Phan Duy, đến với Lê Sơn thì, Vừa qua, kênh VTV1 đã có chương trình thảo luận về chia sẻ của MC Phan Anh liên quan đến câu chuyện cá chết, bạn nghĩ sao về những phát biểu trong chương trình và liên quan đến chương trình của các bên tham gia?

Lê Sơn: Vâng, thưa anh, tôi có tham khảo và theo dõi chương trình đó. Tôi thấy đó giống như một chương trình đấu tố trên truyền hình mà nhà VTV đã sử dụng để đối phó với MC Phan Anh sau những quan điểm những suy nghĩ của anh được viết trên status của anh về vấn đề cá chết tại miền Trung và vấn đề người dân xuống đường biểu tình và bị đánh đập. Những câu hỏi và phát biểu mang định hướng của bà Tạ Bích Loan cùng với ekip làm việc trong chương trình 60 phút mở đó đối với MC Phan Anh giống như một trò hề lố lăng nhất trong thời đại internet ngày hôm nay. Theo tôi thấy đó cũng là sự vi phạm trầm trọng về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí của đài VTV.

Trường Sơn: Em cho rằng bản thân chương trình này phải có một lý do nào đó đằng sau: tại sao lại được làm, được chiếu lên trên kênh truyền hình quốc gia ở thời điểm này và với nội dung như thế? Em cho rằng đây là một cách đối phó mà ban tuyên giáo thường hay làm từ trước đến nay nhưng họ thường đi sau dư luận (ban tuyên giáo trước đây chuyên ở thế chủ động để định hướng dư luận còn bây giờ đang ở thế bị động). Bởi mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cán cân trong cuộc chơi xã hội Việt Nam hiện tại. Người dân bây giờ mới là bên chủ động về mặt đưa tin và lan truyền thông tin còn tuyên giáo bây giờ chỉ có chạy đua theo người dân thôi. Do vậy, việc nầy giống như một bước chữa cháy của ban tuyên giáo với mục đích đó là bẻ lái con thuyền dư luận đang đi theo một hướng khác. Bây giờ, ban tuyên giáo cố gắng đỡ lại nhưng rõ ràng mọi người thấy dư luận phản ứng sau chương trình này cho thấy mục đích của ban tuyên giáo hoàn toàn thất bại, bởi vì những thông điệp họ đưa ra người dân lại phản ứng một cách trái chiều 180 độ và rất gay gắt. Đây là một trò lố của ban tuyên giáo, bởi vì họ thực sự không hiểu được tâm lý của người dân và họ đưa ra một chương trình thật sự đi ngược lại lòng dân chưa kể đến chương trình này đã xâm phạm một trong những quyền căn bản nhất của con người đã được viết ở trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đó là “mọi con người có quyền tự do ngôn luận”. Vậy MC Phan Anh viết bất cứ một thứ gì trên facebook cá nhân thì đó là việc của anh ta, VTV và đài truyền hình Việt Nam cũng như ban tuyên giáo không có bất cứ một quyền gì để chất vấn anh ta về “động cơ” tại sao anh lại viết thông tin đó, chia sẻ thông tin đó. Câu hỏi hết sức ngô nghê. Ở những quốc gia phát triển và đối với những xã hội mà quyền con người được tôn trọng thì người ta sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi ngu ngốc như thế. Chương trình đó là một chương trình chữa cháy khá vụng về của ban tuyên giáo và rõ ràng ai cũng thấy nó đã thất bại.

Chân Như: Theo Truờng Sơn và Lê Sơn thì đây là một chương trình chữa cháy nhưng đã thất bại, là một trò hề lố lăng của VTV. Còn quan điểm của Phan Duy?
Em cho rằng đây là một cách đối phó mà ban tuyên giáo thường hay làm từ trước đến nay nhưng họ thường đi sau dư luận (ban tuyên giáo trước đây chuyên ở thế chủ động để định hướng dư luận còn bây giờ đang ở thế bị động).
-Trường Sơn
Phan Duy: Theo em nghĩ thì chương trình vừa diễn ra của MC Tạ Bích Loan trên VTV thể hiện sự bất lực của chính quyền trong việc quản lý cách người dân sử dụng mạng xã hội. Em nghĩ cũng không thể nào quản lý được tại vì mạng xã hội giống như là cuộc sống của họ, là một thế giới khác so với lại cuộc sống của họ thường ngày. Và bình thường họ không được quyền phát biểu, được lên tiếng, nên khi có mạng xã hội, có facebook thì đó là nơi để họ bắt đầu có việc chia sẻ những suy nghĩ và những tâm tư của họ. Vì sự phát triển quá mạnh mẽ của mạng xã hội, của facebook như vậy nên chính quyền đã bất lực trong việc quản lý nó. Trước đây cũng có rất nhiều động thái từ chính quyền giống như chặn facebook, dùng những thủ thuật trong kỹ thuật internet để chặn hoặc là đưa ra thêm những cái chính sách khác đối với nhà mạng để người dân không thể nào truy cập vào facebook nhưng đều thất bại vì mọi người đều biết cách làm thế nào để có thể truy cập vào facebook. Qua việc cá chết vừa rồi thì lại làm dấy lên thêm một phong trào kêu gọi mọi người cùng nhau phản đối ở trên mạng xã hội. Vì thế, chính quyền phải đưa ra một chương trình trên VTV do họ không thể nào tiếp tục chặn facebook hoặc tiếp tục làm những động thái khác và họ cảm thấy không có hiệu quả. Nếu họ ban hành chính sách là không được sử dụng mạng xã hội thì họ sẽ bị vi phạm về nhân quyền một cách trắng trợn, nên họ đưa ra một chương trình trên VTV để ngấm ngầm nói cho mọi người biết rằng khi chia sẻ một điều gì đó thì cần phải cẩn thận. Tuy nhiên, chương trình đó không thành công nên bị phản ứng ngược lại làm cho VTV trở thành một trò lố. Em nghĩ nó giống như giọt nước làm tràn ly thôi cũng không có gì để mình có thể bàn thêm. Thậm chí em cũng chỉ xem sơ qua thông tin vì em cảm thấy nó quá nhàm chán và cũng không thu hút. Nếu như ai chú tâm xem nhiều thì họ sẽ cảm thấy bực mình vì VTV đưa ra một chương trình rất là lố lăng, nhảm nhí và thông điệp họ truyền tải hoàn toàn sẽ bị phản ứng từ phía người dân đó là điều hiển nhiên.

Chân Như: Liệu Chương trình như vừa nói của VTV1 có khuấy lên mối quan tâm của người dân xung quanh câu chuyện cá chết và ô nhiễm biển miền Trung? Thông điệp “đừng im lặng” của MC Phan Anh được cộng đồng đón nhận ra sao?

Phan Duy: Nếu nói về chương trình đó có khuấy lên mối quan tâm của người dân về cá chết hay không thì em nghĩ chương trình đó không làm được. Bởi trước đó người dân đã quan tâm về việc cá chết rồi, có rất nhiều vấn đề mà mọi người đem lên facebook để mổ xẻ để bàn luận, chia sẻ để truyền tải thông điệp đi chứ không chỉ riêng việc cá chết . Chương trình đó chỉ là chương trình làm đúng vào thời điểm có đề tài đang diễn ra đó là cá chết, nên em nghĩ đó không phải là chương trình khuấy lên sự quan tâm của mọi người về cá chết, mà như em nói nó chỉ là giọt nước làm tràn ly, nó làm cho người dân càng thêm bức xúc đối với chính quyền, đối với một cơ quan đại diện truyền thông chính thức của chính quyền mà thôi.

Chân Như: Cám ơn chia sẻ của Phan Duy. Và cũng rất tiếc thời gian của chương trình có hạn xin đành tạm ngưng chương trình nơi đây và mong quý vị đón đọc và nghe vào tuần tới.

Source: RFA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam