Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Việc trưng thu, chiếm dụng đất tôn giáo ngày càng tăng

Đan Viện Thiên An tại Huế trong Mùa Chay 2014. Courtesy of tonggiaophanhue.net



Gia Minh - RFA - "Hiện nay còn 2500 cơ sở của giáo hội Công giáo tại Việt Nam bị tước đoạt một cách trắng trợn mà không có bất cứ văn bản hợp pháp nào phù hợp với các thời kỳ của nhà nước qui định." - Ông Nguyễn Hữu Vinh

Tình trạng cơ sở, đất đai tôn giáo - nhất là của giáo hội Công giáo, bị trưng thu hay chiếm dụng nhiều chục năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết theo yêu cầu; trong khi nhu cầu tụ tập và phục vụ cho xã hội của phía giáo hội ngày một tăng lên.

Tranh chấp không giải quyết!

Đan viện Thiên An giữa rừng thông yên tĩnh tại xã Thủy Bằng, Hương Thủy, thành phố Huế lại bị khuấy động vào ngày 20 tháng 6 khi lực lượng chức năng đến ngăn không cho các tu sĩ đổ bê tông một đoạn đường trong khuôn viên tu viện.

Tình trạng đất đai mà theo phía Đan viện Thiên An cho biết họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp hơn 100 héc ta từ trước năm 1975. Tuy nhiên sau thời điểm đó, cũng giống như nhiều cơ sở tôn giáo khác, phần lớn đất đai của họ bị chính quyền trưng thu. Đặc biệt là khu rừng thông phải giao cho đơn vị chức năng là Lâm trường Tiền Phong Huế.

Ngoài ra một phần diện tích khác của Đan viện Thiên An bị thu hồi biến thành khu du lịch Thủy Tiên. Thế nhưng hoạt động này thất bại và những công trình bỏ hoang bị đưa lên báo chí quốc tế.

Một tu sĩ lớn tuổi của Đan viện Thiên An cho biết trong nhiều năm qua họ đã khiếu kiện đến tận cơ quan trung ương mà yêu cầu của nhà dòng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

“Chúng tôi ra trung ương thì họ nói về tỉnh để tỉnh ra nghị quyết chỉ định cho mình được sử dụng bao nhiêu.”

Vào sáng ngày 22 tháng 6, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Viết Thọ, chánh văn phòng của Lâm trường Tiền Phong để hỏi thông tin về việc tranh chấp đất đai ở khu vực đồi thông Thiên An. Ông này cho rằng mọi quyết định là từ cấp cao hơn trong tỉnh, thoái thác lâm trường không biết:

“Nói chung tỉnh cũng đang họp mấy bên để xử lý. Mấy lần cũng lên Thiên An nhưng chưa xử lý, hướng của tỉnh để làm việc lại. Công ty chúng tôi giữ đất của chúng tôi thôi và tỉnh sẽ về để cắm mốc phân chia cho rõ ràng.”

Hoạt động phục vụ

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, ngay tại thủ đô Hà Nội diễn ra vụ việc các nữ tu Dòng thánh Phao lồ phải ngăn không để chủ đầu tư tư nhân tiến hành xây dựng tại khu nhà số 5 trên đường Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo. Các nữ tu cho biết khu đất này nhà dòng có giấy tờ sở hữu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đây là một trong nhiều cơ sở của Dòng Phao lồ bị nhà nước trưng thu suốt mấy chục năm qua. Theo giấy tờ hiện còn của nhà dòng này thì trước đây tổng cộng các cơ sở của dòng Phao lồ tại Hà Nội là 16 ngàn mét vuông, trong đó có những nơi đến nay vẫn còn mang tên dòng như Bệnh viện Saint Paul; hiện tại dòng này chỉ còn 3 ngàn mét vuông.

Hình ảnh lễ khấn tại dòng thánh Phao lô Hà Nội.

Một nữ tu của Dòng Phao lồ tại Hà Nội cho biết nhu cầu của nhà dòng về chỗ ăn ở cho các nữ tu ngày càng tăng. Và nhà dòng nhiều lần có đơn đề nghị nhà nước trả lại một số cơ sở mà không được dùng cho mục đích công ích lại; thế nhưng mọi đơn thư đều không được giải quyết.

Dù thế các nữ tu Phao lồ cũng như nhiều dòng tu khác vẫn hằng ngày thực hiện nhiệm vụ của họ là phục vụ xã hội như trình bày của một nữ tu Phao lồ sau đây:

“Hiện nay chúng tôi cũng có nhà trẻ nhưng không đến 100 em. Những nhà giặt… ngày xưa chúng tôi làm cho sạch để tổ chức được 3 lớp nhà trẻ thôi. Đồng lúc chúng tôi cũng lo việc nhà thương - mỗi ngày 3-4 nồi cháo đưa đến các bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung thư.

Buổi tối chúng tôi giúp kèm cho trẻ con của những gia đinh di dân, giúp các cháu điều kiện để trả học phí.

Ngày thường chúng tôi đi thăm, giúp người nghèo. Chúng tôi vẫn làm những việc ấy dù nhà cửa không có.”

Nhu cầu gia tăng

Ông Nguyễn Hữu Vinh, một giáo dân và cũng là một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội, có nhận định về vấn đề nhu cầu cơ sở để phục vụ công ích của giáo hội Công giáo tại Việt Nam như sau:

“Không cần nói nhiều, chỉ nhìn vào con số trước đây tôi nhớ trong thời chiến tranh miền bắc có 17 triệu người. Từ những năm 45, 54 các cơ sở tôn giáo đã như vậy. Cho đến nay lượng người tăng theo cấp cơ học; dân Việt Nam tăng lên 90 gần 100 triệu. Người Công giáo chiếm 1/10 dân số cũng tăng lên như vậy; nhưng cơ sở không được tăng mà còn bị lấy, bị ‘cướp’.

Nhu cầu tăng khủng khiếp và cấp bách nhưng ví dụ như giáo xứ Thái Hà từ thời kỳ 1928 có 71 ngàn sáu trăm mấy mươi mét vuông. Cơ sở như thế dùng để phục vụ người nghèo, người ốm đau, khó khăn, khổ sở trong xã hội. Từ năm 1928 đến nay gần 90 năm rồi mà giáo xứ chỉ còn 2700 mét vuông thôi. Không cần phân tích nhiều chỉ qua số liệu như thế có thể thấy nhu cầu tôn giáo phát triển như thế nào và sự đáp ứng ra sao!

Hiện nay còn 2500 cơ sở của giáo hội Công giáo tại Việt Nam bị tước đoạt một cách trắng trợn mà không có bất cứ văn bản hợp pháp nào phù hợp với các thời kỳ của nhà nước qui định. Việc yêu cầu trích dẫn những văn bản luật pháp đúng qui định vẫn không có thì điều đó không nói lên vấn đề gì khác hơn nữa!

Khi con người bé nhỏ, tay không tấc sắt, không có vũ khí gì cả mà đối diện với súng đạn, kèm sự tàn bạo thì bao giờ bạo lực và súng đạn cũng thắng thế thôi! Trước bạo lực và súng đạn thì không cái gì có thể tồn tại được. Người ta cứ cướp và người ta cứ lấy thôi!”

Thực trạng thu hồi đất không vì mục đích công ích mà để trục lợi bị người dân phản đối lâu nay. Rất nhiều vụ việc đang bị khiếu kiện tại các cơ quan tiếp dân ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chi Minh; tuy nhiên đa phần đều không được giải quyết thỏa đáng.

Các cơ sở tôn giáo thường không thể ‘ăn dầm, nằm dề’ như số dân khiếu kiện đông đúc tại các cơ quan vừa nêu. Họ bày tỏ mong muốn luật pháp được thực thi để những cơ sở của họ không bị rơi vào tay tư nhân đế sinh lợi mà không có ích cho cộng đồng.


Source: RFA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam