LS Đào Tăng Dực - Danlambao - ...Các cuộc bầu cử tại tư bản giãy chết Úc hào hứng và không ai biết trước kết quả. Không đảng phái nào nắm quyền vĩnh viễn. Chính quyền nể trọng dân. Không có công an hoặc quân đội nào đón đường dân uy hiếp hoặc theo dõi. Quyền lợi quốc gia luôn được bảo trọng. Và cũng cứ như thế dưới chế độ đảng cử dân bàu tại “thiên đường xã hội chủ nghĩa không đâu dân chủ bằng” Việt Nam, không ai cần xem báo cũng biết kết quả bầu cử ngày 22 tháng 5 rồi. Công an cứ tùy tiện canh gác nhà của người dân, tùy tiện mời gọi đến đồn công an. Nhiều người bỏ mạng trong đồn. Quyền lợi tổ quốc bị bán rẻ với giá $500 triệu Mỹ Kim trong đại họa Vũng Áng mà không một thế lực độc lập nào kiểm soát.
Nước Úc và dân Úc tiếp tục tiến về phía trước cùng với nhân loại văn minh và Việt Nam, dưới sự lãnh đạo vĩnh viễn muôn năm trường trị của đảng, tiếp tục đi vào vũng bùn của xã hội chủ nghĩa.
***
Hai giờ chiều ngày 2 tháng 7, 20 16, trời nắng trong nhưng rất lạnh vì mùa Đông Nam Bán Cầu. Bà xã và tôi đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử Quốc Hội Lưỡng Viện Úc.
Theo luật Úc thì bầu cử là cưỡng bách. Nếu không bầu sẽ bị phạt $20. Ủy Ban Bầu Cử sẽ gởi giấy phạt. Không trả sẽ phải ra tòa và trừ khi có lý do chính đáng, sẽ bị tốn kém nặng hơn vì chi phí tòa án.
Thật sự, cũng như đại đa số công dân Úc, chúng tôi đi bầu vì muốn đi bầu, không phải vì sợ bị phạt $20.
Đến phòng phiếu chúng tôi được nhân viên các đảng phái và cá nhân ứng cử viên khác nhau thay phiên trao tài liệu hướng dẫn bầu cử.
Chúng tôi nhận được tài liệu từ đảng Lao Động, Liên Đảng Tự Do- Quốc Gia và Đảng Xanh.
Tuy nhiên tại đơn vị Parramatta, trên lá phiếu hạ viện thì có đến 8 ứng cử viên, dĩ nhiên vì có các nhóm và cá nhân khác ứng cử. Lá phiếu thượng viện thì khỏi nói. Có đến mấy chục đảng phái và nhóm cá nhân tha hồ mà chọn.
Bước vào phòng phiếu, có rất nhiều nhân viên hướng dẫn và coi thùng phiếu. Mọi người đều nghiêm chỉnh, công tâm và ý thức trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử. Vợ chồng chúng tôi đứng bầu cạnh một người da trắng lớn tuổi. Ông ta cẩn thận, đắn đo chọn lựa người tín nhiệm vì ông ý thức được trách nhiệm của sự chọn lựa này.
Trước đây, tôi có viết bài: Tại sao cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam tháng 5, 2016 khinh thường sự thông minh của dân Việt?
Vì thế, khi đi bầu tại Úc, nghĩ lại tình trạng đảng cử dân bầu tại Việt Nam mà buồn cho thân phận người dân cũng như tình trạng đất nước Việt Nam.
Ý thức hệ giáo điều Mác Lê là nguồn gộc của hiện tượng định chế hóa cực đoan, biến các đảng cộng sản trong hệ thống Đệ Tam Quốc Tế trở thành những định chế đầy quyền lực, thoái hóa thành những con quái thú, tận diệt các đảng phái và phe nhóm đối lập, ăn tươi nuốt sống con người cá thể và hút tận xương tủy các dân tộc thiếu may mắn rơi vào vòng kiềm tỏa của chúng.
Cũng may là thời đại cách mạng tin học đang nở rộ và những trò lường gạt và tàn ác không còn che mắt được ai.
Nhiều người nhận thấy bản chất gạt gẫm và trơ trẻn của chế độ nên đặt ra một câu hỏi vô cùng ý nghĩa: Cần phải trả cho các lãnh đạo đảng CSVN bao nhiêu tiền để họ đồng ý trả lại quyền tự quyết dân tộc cho nhân dân Việt Nam?
Dĩ nhiên câu hỏi không hợp lý mấy, nhưng nó lột trần rõ ràng bản chất của đảng CSVN như một định chế tham lam quyền lợi và quyền lực. Quyền lợi có thể tính bằng tiền (bao nhiêu triệu hay tỷ mỹ kim) và ngay cả quyền lực cũng có thể hoán chuyển ra giá trị tương đương bằng hiện kim nữa.
Tôi viết các cuốn sách sau đây:
1. Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận (1997)
2. Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam Trên Quan Điểm Dân Chủ Hiến Định, pháp trị và đa nguyên (2012)
3. Phê Bình Song ngữ toàn diện hiến pháp 2013 của CSVN (2014)- và
4. Cẩm Nang song ngữ Thành Lập Hội Đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam (2016)
chỉ vì muốn góp sức với những người Việt Nam tử tế khác hầu một ngày nào đó, mọi người dân Việt, kể cả chúng tôi, có thể đi bầu tự do dân chủ như thế này tại quê hương đất nước chúng ta.
Trong khi chờ đợi, các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Bà Nguyễn Thị Kim Ngân hình như không cảm thấy xấu hổ chút nào khi họ tiếp xúc với những chính khách đến từ các quốc gia dân chủ, nơi mà các chính khách thực sự tôn trọng người dân của họ.
Hình như các lãnh đạo CSVN nghĩ rằng, khinh thường sự thông minh và nhân phẩm của dân Việt là quyền tự nhiên của họ.
Rồi họ cũng sẽ nghiễm nhiên tái tuyên thệ nhận các chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, trước quốc hội mới, trước quốc dân, lập đi lập lại những lời thề vô ý nghĩa. Với não trạng như thế, họ thề thốt sẽ tận diệt tham nhũng, xây dựng chế độ pháp quyền nghiêm minh và đưa đất nước thẳng tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ ưu việt chưa từng có của nhân loại.
Bước đi của tiến trình dân chủ hóa trên năm châu bốn biển không thể vãn hồi. Với cuộc cách mạng tin học, dân trí của nhân loại, kể cả dân Việt Nam không còn như thế kỷ 19 hay 20.
Liên Bang Xô Viết, các nước Đông Âu, Bắc Phi đã đạp đổ độc tài. Sớm muộn, đất nước này chắc chắn sẽ có tự do chân chính và những người như họ sẽ phải rời bỏ quyền lực độc tôn. Không biết ngay cả lúc đó, não trạng của họ sẽ thay đổi hay không?
Có lẽ là không. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa thì tối nay, chúng tôi sẽ theo dõi kết quả cuộc bầu cử hào hứng này, xem đảng nào sẽ thắng cử và thắng nhiều hay ít. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được tường trình tự do trên mọi phương tiện truyền thông, từ tư nhân đến chính phủ. Thông thường khoảng 9 giờ tối là có kết quả chính thức.
Tối hôm đó, chúng tôi xem đài truyền hình số 7 đến 12.30 sáng hôm sau vẫn chưa có kết quả vì tuy phe chính phủ (Liên Đảng Tự Do- Quốc Gia) mất đi 3.3% sự ủng hộ của dân chúng, nhưng đảng đối lập (Lao Động) vẫn không được sự ủng hộ của dân chúng để đạt đến số ghế thứ 76 hầu chiếm đa số trong quốc hội để thành lập chính quyền, theo Đại Nghị Chế. Cả phe chính phủ cũng chưa đạt được con số 76 ghế này.
Các bình luận gia chính trị tiên đoán rằng phải nhiều ngày hoặc tuần nữa mới có kết quả chính thức. Chúng tôi quyết định đi ngủ vì quá mỏi mệt.
Sáng hôm sau, đọc báo trên internet thì được biết computer của đài ABC (Australian Broadcasting Corporation) dự phóng phe chính phủ sẽ có khoảng 74 ghế, Đảng Lao Động 66 ghế, đảng Xanh 1 ghế, 4 ghế độc lập và 5 ghế chưa biết sẽ thuộc về ai.
Tuy nhiên đây chỉ là dự phóng, không phải hiện thực. Cần phải chờ đến phiếu chung quyết, kể cả các phiếu bỏ trước (pre-polling) và các phiếu bầu qua bưu điện (postal votes). Xác xuất của một quốc hội “lơ lửng” (hung parliament) rất cao. Trong trường hợp đó, đảng nào có sự ủng hộ của các cá nhân hoặc đảng nhỏ để đạt đến 76 ghế sẽ thành lập chính quyền.
Có một điều chúng tôi có thể chắc chắn là tuy kết quả cuộc bầu cử bấp bênh như thế, nhưng chính quyền Úc luôn luôn ổn định. Ổn định hơn Việt Nam nhiều. Các lực lượng trị an, quốc phòng, các định chế pháp lý, hành chánh luôn ý thức trách nhiệm của họ theo hiến pháp và luật pháp.
Chúng tôi chắc chắn rằng Thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ không điều động công an cảnh sát chặn nhà hoặc bắt giam các dân biểu nghị sĩ đối lập trong các ngày hoặc các tuần sắp đến, như Nguyễn Phú Trọng sẽ làm nếu quyền lực của đảng CSVN bị thử thách. Cũng không có nhu cầu nào điều động quân đội nửa đem để đề phòng chính biến như tại Việt Nam trước khi ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chính thức nguyên nhân đại họa Vũng Áng.
Bầu cử tại xứ mà ông Nguyễn Phú Trọng cho là dân chủ cao đến mức không còn thể dân chủ hơn nữa, thì chúng ta không cần theo dõi kết quả. Kết quả đã được quy định từ tháng 8 năm 1945 khi đảng CSVN cướp chính quyền rồi.
Điều 4 hiến pháp hiến định hóa độc tài tộc đảng. Đảng CSVN không cần lo lắng gì trong các cuộc bầu cử đảng cử dân bầu. Chính vì thế họ cứ tùy tiện cẩu thả buôn bán quyền lợi quốc gia khi dự án Formosa được thành lập, tiền phong bì vào các cấp cán bộ ngập đầu. Họ cũng được Formosa hậu hỹ trong lúc Formosa hoạt động. Và vào giai đoạn Formosa bị tố giác vì gây ô nhiễm thiên nhiên cũng thế, họ tiếp tục thương thuyết và đồng ý với Formosa một cách tùy tiện, tiếp tục buôn bán quyền lợi quốc gia, làm giàu trên mồ hôi xương máu của nhân dân, mà không có một quyền lực độc lập, một cuộc bầu cửa dân chủ đa đảng nào chế tài cả.
Và cứ như thế, các cuộc bầu cử tại tư bản giãy chết Úc hào hứng và không ai biết trước kết quả. Không đảng phái nào nắm quyền vĩnh viễn. Chính quyền nể trọng dân. Không có công an hoặc quân đội nào đón đường dân uy hiếp hoặc theo dõi. Quyền lợi quốc gia luôn được bảo trọng. Và cũng cứ như thế dưới chế độ đảng cử dân bàu tại “thiên đường xã hội chủ nghĩa không đâu dân chủ bằng” Việt Nam, không ai cần xem báo cũng biết kết quả bầu cử ngày 22 tháng 5 rồi. Công an cứ tùy tiện canh gác nhà của người dân, tùy tiện mời gọi đến đồn công an. Nhiều người bỏ mạng trong đồn. Quyền lợi tổ quốc bị bán rẻ với giá $500 triệu Mỹ Kim trong đại họa Vũng Áng mà không một thế lực độc lập nào kiểm soát.
Nước Úc và dân Úc tiếp tục tiến về phía trước cùng với nhân loại văn minh và Việt Nam, dưới sự lãnh đạo vĩnh viễn muôn năm trường trị của đảng, tiếp tục đi vào vũng bùn của xã hội chủ nghĩa.