Nam Nguyên - RFA - Báo cáo Quốc hội về thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung, Chính phủ thừa nhận có sự lợi dụng lỗ hổng pháp luật về đầu tư cũng như xây dựng và môi trường trong dự án Formosa. Bên cạnh đó Chính phủ cũng giảm số lượng người bị ảnh hưởng trực tiếp vì thảm họa Formosa.
Làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng?
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản báo cáo của Chính phủ về thảm họa môi trường ven biển miền Trung do Formosa gây ra đã tới tay các đại biểu Quốc hội hôm 26/7 vừa qua. Theo đó, Chính phủ nhìn nhận sự cố môi trường đã làm giảm lòng tin của người dân với Nhà nước. Trong bản báo cáo dài 23 trang do Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ký tên và được phổ biến trên mạng, Chính phủ nhìn nhận:“Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường.”
Chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được. -LS Lê Văn Luân
Trả lời chúng tôi vào tối 28/7, đáp câu hỏi qua thảm họa Formosa Nhà nước Việt Nam có thể làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng, Luật sư nhân quyền Lê Văn Luân từ Hà Nội phát biểu:
“Chuyện để mà lấy lại niềm tin thì chỉ có pháp luật bởi vì một xã hội được duy trì vào thượng tôn pháp luật, mà đây chính là mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào kể cả nhà nước Việt Nam cũng phải thượng tôn pháp luật, thì đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều tiết xã hội, điều chỉnh xã hội và không nương nhẹ với bất kỳ ai đặc biệt là quan chức. Bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực, có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở, hoặc là chính Đảng Cộng Sản làm những việc gọi là gây hậu quả nghiêm trọng, chứ người dân thì không có. Cho nên chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được.”
Trong bản báo cáo gởi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển khiến 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với khoảng 41.000 lao động trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng khai thác ven bờ và vùng lộng tức khu vực sát bờ bị thiệt hại khoảng 1.600 tấn mỗi tháng.
Như vậy bản báo cáo chính thức này đã giảm bớt khoảng gần 60 ngàn người cần được trợ cấp lương thực và tài chính cũng như chuyển nghề. Thời gian qua báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin số lao động trực tiếp bị ảnh hưởng là hơn 100.000 người và hơn 176.000 người phụ thuộc.
Trong báo cáo, Chính phủ nhìn nhận về tình trạng bất an xã hội, nhân dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm từ hải sản.
Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.
Chúng tôi xin nhắc lại đã xảy ra cuộc biểu tình bị đàn áp vào ngày 7/7/2016 vừa qua của hàng ngàn giáo dân Cồn Sẻ Quảng bình, một địa phương hoàn toàn sống nhờ nghề cá. Lúc đó, Linh mục Phê Rô Hoàng Anh Ngợi, Chánh xứ Cồn Sẻ đã nói với Đài RFA:
“Chuyện cá chết, từ tháng tư đến giờ không đi biển được. Thêm nữa một số bè cá trên sông trong 4 ngày này bị chết. Những con nào không chết bây giờ đem đi các chợ bán không ai mua. Về nhà vợ chồng phải ôm nhau khóc vì lỗ 100 triệu, 70-80 triệu. Ở một miền quê mà lỗ 100 triệu, 70-80 triệu- một khoản tiền rất lớn. Có khi họ làm cả đời cũng không được khoản tiền như thế. Mà ở đây cả hằng trăm bè cá. Bức xúc quá khứ, bức xúc hiện tại chồng nhau. Công bố nói Formosa đền 500 triệu đô. Họ nghĩ đền 500 triệu đô thì làm sao đánh đổi được cuộc sống của họ, chưa nói đến 4 tỉnh miền Trung. Lấy gì cho tương lai đây.”
Có cần Formosa đến 70 năm không?
Được biết, ngày 29/7/2016 trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, nhiều đại biểu đã tập trung vào vấn đề giải quyết thảm họa môi trường ven biển, điều mà đại biểu Trần Công Thuật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình gọi là quả bom Formosa.
Thời báo kinh tế Saigon Online dẫn lời đại biểu Trần Công Thuật nói nguyên văn: “Khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?”
Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…-TS Nguyễn Quang A
Ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật còn công khai một thảm trạng của tỉnh nhà, đó là trong 4 tháng qua kinh tế của Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Quả bom Formosa, theo lời ông Trần Công Thuật, đã kéo lùi sự phát triển của Quảng Bình, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh , trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân.
Theo tường thuật của SaigonTimes Online, Người đại diện của Quảng Bình đã kêu gọi Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.
Tại phiên họp Quốc hội chiều 29/7/2016, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết thêm thông tin về số tiền 500 triệu USD mà Formosa chấp thuận bồi thường. Theo đó, tính đến ngày 28/7, Formosa đã chuyển một nửa số tiền này tức 250 triệu USD vào một tài khoản tạm giữ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tiền sẽ được chuyển cho các tỉnh, nhưng các địa phương chịu trách nhiệm về việc phân phối. Phần 250 triệu USD còn lại Formosa hứa chuyển vào ngày 28/8 sắp tới.
Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện đã trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp những cảnh báo về hiểm họa môi trường mà giới trí thức, học giả đã kiến nghị. Dự án Formosa Vũng Áng, cũng từng được cảnh báo trong mấy năm liền không những về ô nhiễm môi trường biển, mà quan trọng hơn nữa là vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy vậy những phản biện về dự án Vũng Áng cũng như bauxite Tây Nguyên, đã không được Đảng và Nhà nước lắng nghe.
Điều này đã được TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội nhận xét:
“Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu, ít nhất từ đợt lấy kiến nghị phản đối bauxite Tây Nguyên và liên tục sau đó đã có rất nhiều tiếng nói. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…”
Phải đợi tới khi một thảm họa thực sự xảy ra cho 4 tỉnh ven biền Bắc Trung Bộ, Đảng và Nhà nước mới như được thức tỉnh. Trong báo cáo gởi đại biểu Quốc hội ngày 26/7/2016, Chính phủ Việt Nam nói rằng, qua sự cố Formosa, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay.