Nguyễn Ngọc Chu - Tội ác của Formosa thừa đủ cơ sở pháp lý để đóng cửa Formosa. Chưa nói đến việc tòa xử án, thì Formosa sẽ phải đền bù nhiều chục tỷ đô la Mỹ. Bất luận tài chính nhiều ít thế nào, đóng cửa Formosa để tránh hậu họa to lớn về sau cho Dân tộc.
Từ những sai phạm mang tính hệ thống và nguy hiểm ..., một số người trong các cơ quan chức năng Việt Nam sợ liên đới trách nhiệm nên đã cố tình che đậy, giảm bớt sai phạm của Formosa, trong đó có trì hoãn thời gian để Formosa che đậy tội lỗi, ngăn cản sự tìm kiếm sự thật để làm thấp mức độ vi phạm.
Phần I. CHỦ TÂM CỦA FORMOSA
Chín mươi triệu người dân cả nước nóng lòng đợi chờ Chính Phủ thông báo về nguyên nhân cá chết.
Nhưng cuối cùng, khi Chính Phủ chính thức công bố Formosa là thủ phạm của vụ cá chết, lại không gây ra ngạc nhiên hay bất ngờ trong xã hội.
Bởi vì, Nhân dân cả nước ngay từ ban đầu, đã tin chắc rằng Formosa là thủ phạm. Chỉ có Formosa và những kẻ đồng phạm tiếp tay cho Formosa mới mong một kết quả khác.
Điều mà Nhân dân quan ngại là có ai đó bao che cho thủ phạm, để rồi thủ phạm được công bố là ai đó khác chứ không phải là Formosa.
Nhưng điều Nhân dân quan tâm nhất, không phải là xướng tên thủ phạm, mà ở chỗ là xử lý thủ phạm như thế nào.
Không phải Nhân dân không khoan hồng độ lượng, mà tội lỗi do Formosa gây ra là vô cùng nguy hại, không vô tình mà chủ ý, không tự giác đầu thú mà ngoan cố, và tại họa không nhất thời mà dài lâu.
Nhân dân rất độ lượng và biết độ lượng ở đâu, với ai, lúc nào, như thế nào. Bởi vậy cần chỉ ra nhưng điều chưa thỏa đáng sau đây.
1. FORMOSA CHỦ TÂM XẢ CHẤT THẢI ĐỘC RA BIỂN KHÔNG QUA XỬ LÝ
Khác với vụ tràn dầu ngày 24/10/2010 tại vịnh Mexico mà công ty BP phải đền bù tới gần 50 tỷ USD là do sự cố kỹ thuật, thì thảm họa cá chết Vũng Áng là do Formosa chủ tâm xả chất thải độc trực tiếp ra biển không qua xử lý.
Bởi vậy tội của Formosa Vũng Áng khi tòa án xử, sẽ bị xử phạt nặng hơn nhiều lần. Ngoài ra Formosa còn phải bị truy tố hình sự về tội chủ tâm huy diệt môi trường và con người. Đó là điều chắc chắn.
2. FORMOSA KHÔNG TỰ GIÁC “CHẠY LẠI”
Formosa chủ tâm xả chất thải độc ra biển nên họ đã chuẩn bị rất kỹ, với sự hợp tác đồng lòng của lãnh đạo và đội ngũ khoa học kỹ thuật của riêng Formosa. Từ cách xây dựng đường ống ngầm cực lớn đến xây dựng khu xử lý che mắt cơ quan quản lý Việt Nam, cho đến cách trộn chất thải rắn và cung cách xả thải để phía Việt Nam không thể phát hiện.
Khi vụ cá chết xảy ra, lãnh đạo và kỹ thuật Formosa biết rõ nguyên nhân nhưng không chịu thừa nhận. Họ tập trung lực lượng phương tiện trí tuệ để xóa dấu vết. Họ kéo dài thời gian để xoá tội lỗi.
Formosa ngoan cố chối bỏ trách nhiệm đến phút chót, cho đến khi không thể chối cãi.
3. CẦN XỬ VỤ FORMOSA TẠI TÒA ÁN
Vụ Formosa Vũng Áng nên phải được xử chính thức qua con đường tòa án.
Xử chính thức Formosa tại tòa án sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản sau đây.
Thứ nhất là, đảm bảo công bằng cho tất cả các bên, tránh việc xử lý tùy tiện, cảm tính; giảm thiểu tác động của các yếu tố tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, quyền lực.
Thứ hai là, bao quát được mọi khía cạnh vấn đề, tránh bỏ sót các tội trạng. Bởi vì đây là vụ án liên quan đến nhiều phương diện trong đó có đền bù kinh tế, thiệt hại về sức khỏe, môi trường; và nhất là các biện pháp khắc phục cũng như các chế tài bắt buộc của tòa án. Sự vi phạm của Formosa, không thực thi các điều khoản do tòa án quy định, sẽ còn bị xử phạt nặng hơn nữa.
Và điểm thứ ba, khi xử lý rốt ráo công bằng những tội phạm của Formosa qua tòa án là cách tốt nhất làm sạch môi trường đầu tư, khôi phục lòng tin cho các nhà đầu tư, chứ không sợ bị tác hại tiêu cực như một số người ngộ nhận.
Các nhà đầu tư yêu cầu công bằng minh bạch, chứ không phải là ưu ái lén lút. Hành vi giả dối của Formosa là trốn chi phí xử lý môi trường, mưu toan chiếm đoạt lợi thế, tạo nên sự bất công trong cạnh tranh thị trường. Xử lý không hết tội trạng Formosa mới chính là làm cho môi trường đầu tư bị vẩn đục, tổn hại đến sự uy nghiêm của pháp luật, gieo rắc sự nghi ngờ, làm mất lòng tin với các nhà đầu tư.
Một điểm nữa, cần thiết phải truy tố hình sự Formosa về tội chủ ý hủy hoại môi trưởng gây nguy hại cho tính mạng con người và môi trường sống của người dân Việt Nam.
Không phụ thuộc vào Chính Phủ, ngư dân Việt Nam và các tổ chức bảo vệ môi trường cần phải chủ động khởi kiện Formosa ra tòa án quốc tế.
4. MỨC ĐỘ ĐỀN BÙ SAO LẠI CHỈ CÓ 500 TRIỆU?
Thảm họa mà Formosa gây ra, nếu được tòa án xét xử, sẽ phải đền bù không dưới 20 tỷ USD, nếu không nói là 50 tỷ. Ngay cả 50 tỷ cũng không thể bù đắp được thảm họa môi trường lâu dài, nhiều chục năm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng nhiều thế hệ người Việt.
Vậy mà chi đền bù có 500 triệu USD! Bản thân cả những Bộ trưởng tham gia xử lý vụ Formosa cũng thừa nhận là không tính toán hết. Vậy tại sao lại là 500 triệu? Tại sao phải thương lượng? Tại sao không đưa ra xét xử tại tòa án?
5. XỬ LÝ FORMOSA KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ ĐỀN BÙ KINH TẾ
Xử lý Formosa không đơn thuần vấn đề đền bù kinh tế. Năm trăm triệu hay năm ngàn triệu không phải là điều quan trọng nhất.
Điều quan trọng nhất là :
1. Mạng sống của hàng chục triệu đồng bào Việt Nam rồi đây có bị mòn mỏi hủy hoại đời này qua đời khác bởi môi trường sống độc hại;
2. Hàng triệu người dân đời nối đời vĩnh viễn mất đi kế sinh nhai vì không được bám biển đánh cá, không còn ruộng đất để gieo trồng;
3. An ninh của quốc gia có thể bị tiêu diệt chỉ trong một sớm một chiều khi chiến tranh xảy ra.
Nhân dân là chủ nhân của đất nước. Khi nông dân không có ruộng cày phải bỏ quê nhà ra đi thì không có ai bảo vệ đất đai. Khi ngư dân phải bỏ nghề cá thì không ai bám biển để bảo vệ biển cả.
Thấy được cái gốc của Đất nước là ở Nhân dân, mà từ đó bắt buộc mọi hành động quyết sách đều phải chỉ vì dân.
Vụ Formosa Vũng Áng cần phải được xử lý nghiêm minh, toàn diện, để trước hết là trả lại công bằng cho người dân. Thứ đến là không gây hậu họa tiếp về sau. Thứ nữa là làm gương cho các nhà đầu tư khác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Và tiếp đến là bảo vệ sự uy nghiêm của pháp luật, lấy lại lòng tin của Nhân dân
Phần II.TRÁCH NHIỆM PHÍA VIỆT NAM
Trong thảm họa do Formosa gây ra, để đến cơ sự này, trách nhiệm gốc rễ thuộc về phía Việt Nam. Bởi vậy rất cần phải chỉ ra căn nguyên vấn đề.
1. CHỌN SAI ĐỐI TÁC
Sai lầm đầu tiên của phía Việt Nam là chọn không đúng đối tác, thể hiện ở mấy điểm sau.
- Formosa là một đối tác không tin cậy với lý lịch bê bối tai tiếng;
- Formosa không phải là nhà đầu tư có thiết bị công nghệ tân tiến;
- Thời cơ khai thác quặng sắt luyện thép ở Hà Tĩnh chưa chín muồi.
Bất chấp những nhược điểm chết người, lãnh đạo tiền nhiệm Hà Tĩnh vẫn đệ trình lên Chính Phủ, rải bằng được thảm đỏ, rước cho bằng được Formosa vào Vũng Áng.
Nếu lãnh đạo tiền nhiệm Hà Tĩnh có tầm nhìn như lãnh đạo Đà Nẵng hay Khánh Hòa thì nhân dân Hà Tĩnh và Miền Trung đã không phải chịu thảm họa vừa qua, một thảm họa còn kéo dài dai dẳng nhiều thế hệ.
Nếu lãnh đạo Khánh hòa dám từ chối cả lời giới thiệu của TT Võ Văn Kiệt lúc đương nhiệm, thì ngược lại CP của TT Nguyễn Tấn Dũng đã không cản đường lãnh đạo Hà Tĩnh đi rước Formosa về Vũng Áng.
Trong sai lầm chọn đối tác, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về Chính Phủ.
2. CHO FORMOSA QUÁ NHIỀU ƯU ĐÃI
Không chỉ vượt qua mọi cửa ải trong thời gian ngắn nhất, mà Formosa còn dành được những ưu đãi vô tiền khoáng hậu.
- Thời hạn đầu tư vượt khung dài đến 70 năm;
- Diện tích thuê đất khổng lồ 33 Km2 (cả mặt biển);
- Giá thuê đất cho không (415 000 đồng/ héc ta/năm);
- Miễn thuế đặc biệt cho việc nhập khẩu vật tư thiết bị;
- Ưu đãi đặc biệt về thuế lợi tức;
- Quy chế đặc biệt gần như biệt khu kinh tế nước ngoài tự trị.
Và còn nhiều điều ngoại lệ khác nữa.
3. MẮC NHIỀU SAI PHẠM PHÁP LUẬT
Để có được giấy phép trong một thời gian ngắn với những ưu đãi đặc biệt cho Formosa, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đã xé rào vi phạm nhiều điều luật do Chính Phủ ban hành và luật pháp Việt Nam quy định. Trong số đó đặc biệt là:
Về phía UBND Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch đầu tư:
1. Sai phạm về cấp phép đầu tư vượt khung đến 70 năm, là điều cực kỳ phi lý và nguy hại;
2. Phí phạm quỹ đất khi cấp quá nhiều đất và biển cho Formosa, tới 33 km vuông;
3. Không trân trọng giá trị đất khi cho thuê rẻ mạt, như cho không (415 đ/m2/năm);
4. Để cho Formosa trở thành lãnh địa biệt lập, làm gì không thể biết;
5. Không kiểm soát để hàng ngàn người Trung Quốc tự do đến lao động và sinh sống ở Kỳ Anh.
Liên quan đến sai phạm cấp giấy phép đầu tư đến 70 năm có phần trách nhiệm của VPCP và cả của TT CP.
Còn về phía Bộ TN & MT thì:
1. Đã tự che mắt cấp phép cho Formosa xây ống thải ngầm dưới biển, điều vô cùng nguy hiểm;
2. Không kiểm soát để Formosa đưa những thiết bị lạc hậu ô nhiễm môi trường, không được phép sử dụng ở các nước khác, sang lắp đặt tại nhà máy ở Vũng .Áng.
3. Không buộc Formosa tuân thủ quy trình xử lý chất thải công nghiệp luyện kim, thả rông cho Formosa hủy hoại môi trường.
Chính hối lộ, dưới bàn tay phù thủy Formosa, đã biết thể hiện được sức mạnh vô địch của nó để tạo ra những sự vi phạm nguy hiểm nêu trên.
4. CÓ SỰ BAO CHE CHO FORMOSA
Từ những sai phạm mang tính hệ thống và nguy hiểm nêu trên, một số người trong các cơ quan chức năng Việt Nam sợ liên đới trách nhiệm nên đã cố tình che đậy, giảm bớt sai phạm của Formosa, trong đó có trì hoãn thời gian để Formosa che đậy tội lỗi, ngăn cản sự tìm kiếm sự thật để làm thấp mức độ vi phạm.
5. KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ HÌNH PHẠT
Thảm họa do Formosa gây ra để lại hậu quả nguy hại dài lâu to lớn. Để dẫn đến thảm họa này, trách nhiệm đầu tiên chính là ở phía các cơ quan chức năng Việt Nam, mà sai phạm nhiều nhất là ở UBND Hà Tĩnh và Bộ TN & MT.
Lãnh đạo tiền nhiệm của UBND Hà Tĩnh đã bất chấp mọi thứ, để rước bằng được Formosa về Vũng Áng. Trong thiết tha chào mời của lãnh đạo Hà Tĩnh tất nhiên là không hoàn toàn vô tư.
Ngoài những xé rào ưu ái vô tiền khoáng hậu về thời hạn đầu tư, đất đai và thuế dành cho Formosa, lãnh đạo Hà Tĩnh đã buông lỏng quản lý để hàng ngàn người Trung Quốc lao động trái phép ở Vũng Áng.
Những người Trung Quốc lao động ở Vũng Áng hầu hết là lao động phổ thông, không có văn hóa. Trong số đó có cả tội phạm mà chính quyền Trung Quốc khuyến khích giúp đỡ ra nước ngoài cư trú.
Nguy hiểm hơn, người Trung Quốc đến làm ăn, sinh sống, lấy vợ đẻ con, lập phố xá ở Kỳ Anh. Với 70 năm thuê đất Vũng Áng, người TQ kịp lấy vợ đẻ con đến 5 đời!
Làm lãnh đạo mà không nhìn được điều nguy hại tiềm tàng này cho đất nước thì đã vô tình mang họa về cho Dân tộc. Đó là tội lớn.
Để xảy ra thảm họa Vũng Áng, trách nhiệm to lớn thuộc về Bộ TN &MT mà người chịu trách nhiệm chính là ông bộ trưởng tiền nhiệm.
Bộ TN & MT đã tự che mắt mình để cho phép Formosa xây ống xả ngầm sâu dưới biển. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa Vũng Áng hôm nay, và có thể còn nhiều thảm họa nữa trong tương lai.
Nếu Bộ TN& MT kiểm soát chặt chẽ theo đúng yêu cầu thì tại họa Vũng Áng đã không xảy ra.
Như đã đề cập ở trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư là một trong những nơi phải chịu trách nhiệm lớn trong việc cấp phép cho Formosa đầu tư vào Vũng Áng, Formosa là đối tác kém, Bộ kế hoạch đầu tư không thể không biết. Cấp nhiều đất, thời hạn phá khung, và nhiều đặc ân đều phải qua cửa của Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Văn phòng Chính phủ cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Không có gì có thể lọt qua được VPCP.
Bởi vậy Chính Phủ không thể nói là rút kinh nghiệm, phê bình, hay cảnh cáo. Một tai họa như vậy phải chỉ đích danh người có lỗi, ít nhất là ở: Bộ TN & MT, UBND Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch Đầu tư và VPCP.
Cần phải cách chức những người có trách nhiệm đã tiếp tay cho Formosa gây ra thảm họa tày trời cho người Việt. Cần phải truy tố hình sự vì những sai phạm xé rào đều do tiền bạc hối lộ.
6. TRÌNH ĐỘ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO KÉM ĐẾN MỨC SỢ HÃI
Vụ Formosa Vũng Áng đã phơi bày sự yếu kém toàn diện về nghiệp vụ quản lý và trình độ chuyên môn của cán bộ Việt Nam. Thêm vào đó là thái độ vô trách nhiệm, đạo đức xuống cấp, và nạn tham nhũng hối lộ tàn bạo, tất cả cộng lại đã góp phần gây nên thảm họa Formosa Vũng Áng.
Khi mà nguyên nhân cá chết chưa được công bố rõ ràng, mà lãnh đạo Đà Nẵng và Hà Tĩnh lại cả gan hô hào nhân dân ăn cá và đi tắm biển thì thật liều lĩnh.
Điều nay thể hiện kiến thức của họ ít, nhận thức của họ kém, tính cách manh động. Động cơ chỉ vì lấy thành tích thể hiện cái tôi của mình, mà họ bất chấp nguy hiểm tính mạng của cả triệu người dân.
Hàng ngũ lãnh đạo cấp tỉnh thành phố như thế sẽ chi đưa đến thất thoát, tụt hậu và tai họa, mà Formosa Vũng Áng là thí dụ đau đớn rùng rợn.
Hàng ngũ cấp bộ trưởng cũng báo động không kém.
Trước hết là ông Bộ trường Bộ TN & MT tiền nhiệm và cấp phó của ông trực tiếp phụ trách Formosa Vũng Áng.
Một ông Bộ trưởng TN &MT giỏi thì đã không cho phép Formosa xây ống xả ngầm sâu dưới biển. Hơn nữa, quản lý môi trường đối với công nghiệp luyện kim đòi hỏi những quy định chi tiết khắt khe phức tạp, nhưng những văn bản pháp lý của Bộ TN & MT về lĩnh vực này lại rất sơ sài, tạo nên kẽ hở lớn để Formosa tự do hủy hoại môi trường. Người chịu trách nhiệm chính là bộ trưởng, chứ không thể đổ lỗi cho cấp dưới giúp việc.
Qua việc tổ chức điều tra và họp báo, các ông Bộ trưởng VPCP và Bộ TTTT cũng để lộ những nhận thức sai lầm sơ đẳng, dẫn đến những phát ngôn sai lệch ngớ ngẩn, bị công luận lên án chê bai.
Hàng ngũ cán bộ của ta được rút ra từ cán bộ phong trào, lại được cất nhắc theo cách “đua cửa sau”, nên trình độ hạn chế, và quyết định cũng theo theo kiểu phong trào.
Không thể lập được một bộ máy hiệu quả với chất lượng của cán bộ như hiện thời.
7. ĐIỀU TRA NHANH HAY CHẬM
Nhân dân đã chắc chắn thủ phạm là Formosa, nhưng phải đợi đến 83 ngày mới được nghe công bố chính thức.
Sự chậm trễ được biện hộ với nhiều lý do, rằng phức tạp, phải làm bài bản … Có người còn viện lý do ở bên Nhật có trường hợp phải đến 1 năm.
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, rằng:
Có một bộ máy khác, họ có điều tra ra thủ phạm nhanh hơn bộ máy hiện thời không?
Còn một câu hỏi khác nữa:
Tại sao lại từ chối sự giúp đỡ điều tra của CP Mỹ?
Nếu từ chối sự giúp đỡ của Mỹ có nghĩa là ta có thể tự điều tra được. Từ đó suy ra, ta đã biết nguyên nhân cá chết ít nhất là từ lúc Mỹ đề nghị giúp đỡ, rất lâu trước khi công bố chính thức.
Hoặc giả, ta sợ người Mỹ sẽ biết được những sự thật phía sau.
8. ĐỪNG ĐỔ CHO NHÂN DÂN THEO PHẢN ĐỘNG
Trình độ cán bộ lãnh đạo yếu kém, nạn tham nhũng hối lộ hành hoành, bất công khắp mọi nơi, xã hội xuống cấp ở mọi góc độ, lòng tin bị xói mòn, đất nước bị tụt hậu, tất cả cộng lại đã gây nên sự bức xúc không bờ bến trong lòng dân.
Thảm họa Vũng Áng vô cùng nguy hại cho sinh mạng hàng chục triệu người, lâu dài nhiều đời, hủy hoại sức sống của Dân tộc. Nhân dân cả nước ý thức sâu sắc vấn đề an nguy Dân tộc nên đã sục sôi khắp nước muốn tìm ngay ra và trừng trị thủ phạm, đồng thời ngăn chặn hậu quả tồi tệ về sau.
Đây chính là lòng yêu nước chân chính. Đây chính là máu mủ giống nòi. Không ai xúi dục được lòng yêu nước!
Chính những kẻ ăn hối lộ tiếp tay cho Formosa gây ra tai họa và muốn bao che cho Formosa mới là phản quốc, chứ không phải phản động.
9. KHÔNG CHO PHÉP FORMOSA SỬ DỤNG ĐƯỜNG ỐNG XẢ NGẦM DƯỚI BIỂN
Phải khẳng định thêm một lần, việc xây dựng ống xả ngầm dài sâu trong lòng biển là chủ tâm xả chất thải không qua xử lý của Formosa.
Chủ tâm của Formosa không chỉ ở chất thải lỏng. Mục đích khác của Formosa là nhờ đường ống ngầm để xả trộm một phần chất thải rắn, bằng cách trộn lẫn với nước. Bởi vì chất thải rắn rất độc hại, muốn xử lý thì phải mất rất nhiều tiền. Hơn nữa lượng chất thải rắn cực lớn. Cứ mỗi tấn thép được sản xuất thì tương đương có khoảng một tấn chất thải rắn phải thải ra. Nếu công suất của nhà máy Formosa một năm là 10 triệu tấn thép, thì có nghĩa là có khoảng10 triệu tấn chất thải rắn được thải ra trong cùng năm đó. Những núi chất thải rắn là mối độc hại và tốn kém loại một cho các nhà máy sản xuất thép.
Khi nghe Bộ trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố rằng luật pháp Việt Nam không cho phép Formosa xây đường ống ngầm xả ra biển, người dân đã mừng thầm rằng đường ống ngầm của Formosa phải bị phá bỏ.
Nhưng nay Chính Phủ công bố Formosa là thủ phạm của cá chết, mà việc phá bỏ đường ống ngầm của Formosa lại không thấy được đề cập đến. Nếu không có biện pháp ngăn cản hữu hiệu, Formosa sẽ lợi dụng đường ống ngầm để thải hàng núi chất thải độc hại ra biển.
Formosa cũng có thể dùng đường ống ngầm để chuyển đến và chuyển đi nhiều thiết bị, kể cả người, mà Việt Nam không thể biết.
Để ống xả ngầm dưới biển của Formosa hoạt động, thực sự là mối nguy hại to lớn cho Việt Nam.
10. AI VÀ CƠ CHẾ NÀO GIÁM SÁT FORMOSA TRONG TƯƠNG LAI
Formosa đã hứa 5 điều về giải quyết hậu quả của vụ cá chết động trời do chính họ gây ra sau khi đã bị điều tra với chứng cứ không còn đường chối cãi. Bởi vậy không thể tin vào lời hứa của Formosa. Hứa là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Phải dựa trên luật pháp chứ không thể dựa trên lời hứa. Nhất là đối với Formosa, đối tượng đã có tiền sử bất hảo về hủy hoại môi trường ở nhiều nơi trên thế giới.
Với trình độ của cán bộ các cơ quan chức năng liên quan, cùng với cơ chế quản lý hiện nay, sẽ rất khó có một bộ máy kiểm soát Formosa hiệu quả.
Cần phải xử Formosa bằng tòa án thì may ra mới có chế tài kiểm soát được phần nào.
Trong trường hợp khác, phải thành lập một bộ máy giám sát Formosa độc lập, với người đứng đầu giỏi và trong sạch, không bị mua chuộc bằng tiền bạc, không sợ hãi quyền lực. Tự người đứng đầu sẽ biết cách tổ chức và thiết lập nên cơ chế kiểm soát Formosa.
11. HÃY HỎI Ý DÂN
“Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” là một chủ trương đúng. Chỉ có điều, trong thực tiễn, chủ trương này đã không được thực hiện.
“Dân biết” là không che dấu thông tin, minh bạch sự việc để Nhân dân được biết”.
“Dân bàn” là hỏi xin ý kiến của Nhân dân, để mọi người dân được thể hiện quan điểm của mình.
Đối với vụ Formosa Vũng Áng, chính Nhân dân là người đầu tiên biết Formosa xả chất thải độc, chính Nhân dân phải chịu những hậu quả độc hại do Formosa gây ra, nên chính Nhân dân biết rõ tội lỗi của Formosa và đồng phạm, và bởi vậy cũng chính Nhân dân sẽ biết phải trừng phạt Formosa và đồng phạm như thế nào.
Vì thế, Chính Phủ phải biết xin ý kiến Nhân dân, để cho Dân bàn. Từ đó Dân sẽ chung tay làm, giải quyết rốt ráo hậu quả mà Formosa và đồng phạm gây ra, và cũng chính Dân kiểm tra, buộc Formosa và đồng phạm phải thực thi đúng trách nhiệm của mình.
“Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” là một cách khẳng định rằng Nhân dân là chủ nhân của Đất nước. Nhân dân quyết định hết những vấn đề quan trọng nhất của Đất nước. Nhân dân giải quyết hết mọi vấn đề phức tạp nhất của Đất nước.
Formosa đã chủ ý xả chất thải độc không qua xử lý, và đã hủy hoại môi trường và sinh mạng người dân trên diện rộng nhiều trăm km dọc biển miền Trung Việt Nam, hậu họa kéo dài trong nhiều chục năm. Đây là tội ác tày trời có chủ ý.
Tội ác của Formosa thừa đủ cơ sở pháp lý để đóng cửa Formosa. Chưa nói đến việc tòa xử án, thì Formosa sẽ phải đền bù nhiều chục tỷ đô la Mỹ. Bất luận tài chính nhiều ít thế nào, đóng cửa Formosa để tránh hậu họa to lớn về sau cho Dân tộc.
Lúc khó khăn phải biết dựa vào Dân. Hãy hỏi ý Dân, Dân sẽ cho biết phải làm gì với Formosa.