Đại Nghĩa - Đã 71 năm qua lịch sử Việt Nam bị người cộng sản đánh tráo một cách trắng trợn làm cho nhiều người được sinh ra và lớn lên trong thời gian này chỉ học và nghe theo sự tuyên truyền sai lạc nên đã ngộ nhận về lịch sử của dân tộc mình. CSVN chỉ khoác lác bịa ra những chiến tích hào hùng chống Tây chống Mỹ mà không dám nhắc đến truyền thống anh hùng bất khuất của tổ tiên ta đã từng đánh đuổi quân xâm lược Bắc kinh. CSVN không dám nhắc đến sự tàn ác của giặc Tàu trong suốt thời gian đô hộ đất nước ta như thế nào. CSVN đã ru ngủ người dân Việt một lòng hữu hảo với “đồng chí” láng giềng 16 chữ vàng và 4 tốt, trong khi bọn chúng đang lăm le chiếm lấy nước ta một lần nữa.
Lịch sử Việt Nam bị cộng sản dối lừa như thế nào xin nghe “Nhà sử học Hà Văn Thịnh nói về Hồ Chí Minh” trả lời phỏng vấn của nhà báo Mặc Việt Hồng trên báo điện tử Đàn Chim Việt chua chát nhận rằng:
“Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm, với Pháp và Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được…
Sự dối trá đó làm cho sinh viên không thích sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi đã viết trên báo Lao Động năm 2005, ‘Lịch sử theo trang sách học trò’, tôi vạch rõ, dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, đó là điều đau lòng lắm. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở hoàn cảnh nan giải, giữa nói thật và không nói thật”. (DanChimViet online ngày 19-5-2010)
71 năm qua lịch sử Việt Nam đã bị cộng sản đã cố tình bưng bít, ngày hôm nay những đảng viên trí thức lão thành đã vượt qua sợ hãi, với tư cách là những chứng nhân của lịch sử, họ đã can đảm nói lên sự thật cho người đời nay cũng như con cháu đời sau sẽ không còn bị CSVN lừa phỉnh nữa.
I. "Cách mạng tháng 8-1945":
Theo nhà văn Vũ Thư Hiên, con của cụ Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu lập quốc, nói chuyện trong Bàn tròn thứ Năm do đài BBC tổ chức ngày 13-8-2015 ông Hiên đưa ra vấn đề “Tháng 8-1945: Cách mạng hay khởi nghĩa?” Theo quan điểm của ông Vũ Thư Hiên thì:
“Tôi nghĩ đây là cuộc khởi nghĩa đã đưa lại nền độc lập và sau đó những mục tiêu đề ra ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa bị phản bội.
Nó phản bội một cách từ từ chứ không phải ngay lập tức. Không có cái mốc nào cho sự phản bội cả. Nhưng nếu phải đặt ra một cái mốc thì tôi nghĩ là sau năm 1949 khi mà biên giới Việt Nam và Trung Quốc gắn liền, khi cách mạng Trung Quốc đã thành công”. (BBC online ngày 14-8-2015)
Đảng viên cộng sản Trần Đĩnh, người viết tiểu sử của Hồ Chí Minh kể lại trong tự truyện “Đèn cù” thì “Cách mạng tháng 8-1945” cũng được gọi là Khởi nghĩa như nhà văn Vũ Thư Hiên. Theo Trần Đĩnh thật ra ngày 19-8 ông Hồ và bộ sậu còn nằm im trong... hang Pác-Bó ở Việt Bắc đến khi quân Nhật mở cổng cho qua Cầu Đuống mới được phép về Hà Nội gióng trống kéo cờ. Trần Đĩnh kể:
“Nhân đây nên nói đến vai trò của Lê Trọng Nghĩa, một trong ba nhân vật chủ chốt làm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.
Nghĩa lãnh đạo đảng Dân chủ và là người trực tiếp đàm phán với Bộ Tham mưu quân đội Nhật, chính quyền Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại và các đảng phái chính trị, góp phần quan trọng cho Tổng khởi nghĩa diễn ra hòa bình, nhanh gọn”. (Đèn cù II-trang 536)
“Một hiện tượng đáng chú ý: Khởi nghĩa đã thành công ở Hà Nội một hai ngày rồi mà trên căn cứ địa cụ Hồ vẫn chưa hay biết”. (Đèn cù II-trang 539)
“Tân trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và quân chiến khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Đuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi gì Nhật hết”. (Đèn cù II-541)
Nhà báo Trần Tiến Đức, con trai của Bác sĩ Trần Duy Hưng - thị trưởng đầu tiên của Hà Nội sau cuộc Khởi nghĩa cho rằng Việt Minh chỉ lợi dụng thời cơ “khoảng trống quyền lực” để chiếm chính quyền chứ không có công có đánh đấm gì cả. Ông Trần Tiến Đức cho rằng lúc bấy giờ:
“Số đảng viên chỉ trên 1 nghìn...
Và vì thế mà cái ngày 19-8 ở Hà Nội đã nổ ra cuộc cướp chính quyền mà cái cuộc cướp chính quyền ấy nổ ra đúng lúc chính phủ Trần Trọng Kim định tổ chức cuộc biểu dương lực lượng với thanh niên ở Nhà Hát Lớn thì trong số đó mà ngày hôm đó làm mà sau này tôi có tìm hiểu, có lẽ chỉ có vài ba đảng viên Cộng sản, còn tất cả là những người Việt Nam tự xưng đã nắm lấy thời cơ ấy và biến nó thành cuộc khởi nghĩa”. (BBC online ngày 14-8-2015)
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, là một nhà giáo ưu tú của trường Đại học Xây dựng, một người đảng viên cộng sản lão thành đã vượt qua được sự sợ hãi để từ bỏ đảng và nói rõ về cái ngày mà CSVN gọi là “Cách mạng tháng 8” như sau:
“Cho đến nay thì có nhiều chứng cớ rõ ràng là Cách mạng tháng 8 không đánh Pháp, đuổi Nhật, còn nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 4 năm 1945. Cách mạng tháng 8 chỉ làm việc cướp chính quyền, nhưng không phải về tay nhân dân mà về tay đảng Cộng sản. Như thế cả bốn nội dung đều là giả dối, đó là ngụy biện nổi tiếng của tuyên truyền cộng sản mà cho đến bây giờ hàng chục triệu người vẫn còn bị nhầm”. (Boxitvn online ngày 8-8-2015)
Nhà văn Đại tá QĐCS Phạm Đình Trọng, người đã từ bỏ đảng CSVN sau nhiều năm phục vụ vì đã thấy được sự lừa bịp và vong ân của đảng này:
“Suốt 70 năm qua tất cả tài liệu, sách báo của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều phải thú nhận với lịch sử rằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cướp chính quyền. Hành xử kẻ cướp tất nhiên bất chính và bất minh”.(DanChimViet online ngày 27-1-2015)
II. Ngày Độc lập 2-9-1945:
Hoàng đế Bảo Đại chính là người tuyên bố Việt Nam Độc lập đầu tiên vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 từ tay người Pháp chứ không phải là ngày 2-9 do Hồ Chí Minh tuyên bố như đảng cộng sản thường rêu rao.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống trong dịp 2-9 năm nay viết bài “Vài đánh giá nhầm trong cách mạng tháng 8” đã giải thích rõ ràng để đính chính nhằm trả sự thật lại cho nhân dân và lịch sử.
“Đêm 9 tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất Việt Nam không còn người Pháp cai trị. Ngày 11-3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam Độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Tháng 4-1945 giải tán triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 17-8 Chính quyền Hà Nội tổ chức mít tinh, treo cờ Quẻ Ly để chào mùng nước Việt Nam Độc lập. Cuộc mít tinh bị người của Việt Minh cướp đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo Việt Minh”. (Boxitvn online ngày 18-8-2016)
Luật sư Lê Công Định, một Cựu Tù nhân lương tâm cũng là người sống và lớn lên trong chế độ cộng sản đã nhận thấy sự dối lừa lịch sử của CSVN nên ông đã xác nhận rằng:
“Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng, Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam.
Ngay sau đó, vào ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại ký Đạo dụ ‘Tuyên cáo Việt Nam Độc lập’, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền Độc lập của đất nước, thống nhất Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ”. (BBC online ngày 1-9-2014)
III- Kết luận:
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống:
“Một số người lập luận rằng nếu không có đảng cộng sản lãnh đạo làm Cách mạng tháng 8 thì đất nước Việt Nam không có được như ngày nay. Đó là một kiểu ngụy biện. Và ngày nay của Việt Nam như thế nào, có đáng mơ ước và tự hào không?
Nếu năm 1945 những người theo đảng làm cách mạng tháng 8 biết được tương lai của Việt Nam sau 70 năm sẽ như bây giờ, rất nhiều giá trị bị đảo ngược; nếu họ biết TBT đảng CSVN Nguyễn Văn Linh nói: “Biết đi với Trung Quốc thì mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất đảng”. (Boxitvn online ngày 18-8-2016)
Giáo sư Tiến sĩ Địa chất Nguyễn Thanh Giang, người cộng sản trí thức lão thành hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội tâm sự là chính ông cũng đã bị nhà nước cộng sản tuyên truyền lừa dối nên suốt thời gian dài ông đã ngộ nhận về lịch sử đã bị cộng sản đánh lừa vì theo như TBT Lê Duẫn đã nói rõ là chống Mỹ cho Liên xô và Trung cộng.
“Qua một quá trình, tôi nhận ra cuộc kháng chiến chống Mỹ là vô nghĩa. Đáng lẽ không nên xảy ra núi xương sông máu như vậy.
Cho đến cách nay mươi năm, tôi vẫn nghĩ là đánh Pháp, đuổi Nhật là công của đảng trong công cuộc đánh ngoại xâm...
...ông giải thích và nói rằng việc đảng cộng sản cướp chính quyền hồi năm 1945 là ‘việc không nên làm’ vì khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim rồi”. (BBC online ngày 1-2-2015)
Ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội cũng là người đứng ra sửa sai sau cuộc CCRĐ năm 1953-1956 đã sớm nhận ra được tội ác diệt chủng của đảng CSVN nên ông đã rời bỏ đảng từ lâu. Ngày nay nói về “Cách mạng tháng 8” trong bài viết “Bàn chuyện từ bỏ đảng” ông Cần nói rõ cho nhân dân Việt Nam biết rằng:
“Đảng thường tự hào là đảng cướp chính quyền từ tay Nhật, Pháp, về sau gọi đó là Cách mạng tháng Tám. Nhưng lịch sử chứng minh rõ ràng đó là sự dối trá: Việt Minh (tức đảng CS) cướp chính quyền không phải từ tay Nhật, Pháp mà là từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim”. (DanChimViet online ngày 11-2-2015)
Đại Nghĩa