Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Cử nhân đi ăn trộm chó, chất xám bị tha hóa hay giọt nước tràn ly?


GDVN - Nếu các trường chỉ quan tâm lợi ích của mình, tuyển sinh ồ ạt, đào tạo hời hợt và hệ thống giáo dục vẫn chưa chịu chuyển mình thì sẽ còn mưng mủ, bưng bít.

Hôm nay, cạnh nhà tôi, một người hàng xóm chân lấm tay bùn mở tiệc mừng đứa con đầu lòng đỗ Đại học, tôi cảm nhận được niềm hy vọng sẽ thoát nghèo thoát khổ từ ánh mắt hân hoan của cả gia đình họ nhưng lại giật mình bởi những con số thất nghiệp làm xã hội đảo điên.

Tôi lo cho ánh mắt ấy, nụ cười ấy sẽ tắt lịm trước sự thật phũ phàng - cử nhân, Thạc sỹ đang thất nghiệp hơn bao giờ hết!

“Công an phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương đã tạm giữ đối tượng Lương Trung Kiên, cử nhân Luật, 34 tuổi, quê Đắk lắk, tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh về hành vi… ăn trộm chó, mèo”. [1]Tôi bỗng dưng liên tưởng đến sự việc làm xôn xao dư luận mấy hôm nay.

Nỗi buồn của một nền giáo dục cho ra lò hơn 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp được bồi thêm một vết dao vô cùng đau đớn.

Có lẽ, đối với nhiều người đây chỉ là tin “cướp – hiếp – giết” thường nhật trên báo nếu không biết hung thủ của vụ việc trên là một cử nhân Luật đã tốt nghiệp gần 10 năm nay.

Chẳng cần phải dè dặt vì anh chàng đã trình ra trước công an cả thẻ sinh viên, bảng điểm có chữ ký còn sắc nét của Hiệu trưởng một trường Đại học lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Thất nghiệp là chuyện quá đỗi bình thường đối với mọi xã hội, hãy tạm xem đó là cái gót chân Asin của mọi cơ thể, nhưng khi con người ta chẳng thể tìm đâu thấy “cảm hứng” lao động ngoài việc làm “đạo chích” thì mọi sự đã vượt qua ngưỡng kiểm soát của lương tâm lẫn luật pháp.

Chúng ta sẽ dễ dàng tặc lưỡi “đồ vô học”, “mất dạy” nên mới đổ đốn trộm cắp, nhưng nghĩ sao nếu một cử nhân Luật hẳn hoi tự biến mình thành kẻ trộm cướp?

Người viết bài này không có ý đổ lỗi cho giáo dục, bởi một con người bình thường không phải là “ông cử” cũng nhận thức được trộm cắp là tội lỗi, nhưng suy đi xét lại anh ta cũng là sản phẩm của một nền giáo dục mà mấy lâu nay vẫn loay hoay không biết dạy sao cho đúng, học sao cho phải, là nơi áp dụng của nhiều đề án nhận được chỉ trích nhiều hơn đồng tình ủng hộ.

Và người viết cũng không cho rằng anh ta chính là đỉnh cao của sự tha hóa trong xã hội, bởi có nhiều người địa vị hơn anh ta, học thức hơn anh ta nhiều lần, đức cao vọng trọng hơn gấp bội, miệng chực chờ phun châu nhả ngọc nhưng chính họ lại là những kẻ cướp đội lốt “công bộc” của dân.

Cách cướp của họ còn man rợ và tàn bạo hơn việc trộm vài con mèo con chó, vậy nên, tội tham nhũng, phản quốc, hại dân, hại nước còn đáng phỉ báng lên án hơn nhiều.

Những kẻ cắp được đào tạo sẽ nguy hiểm hơn gấp bội phần so với bọn trộm “đầu trâu, mặt ngựa” bởi chúng không chỉ khôn ngoan khi gây án mà còn rất giỏi “chùi mép”, thật ái ngại với bọn trộm cắp mặc áo trắng cổ cồn, comle, cà vạt.

Chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ, kỹ sư nhưng không có chỗ dùng ngay trên quê hương.

Trên bình diện vĩ mô, trách nhiệm này thuộc về những cơ quan có trách nhiệm và họ không thể chối cãi và đương nhiên không thể “vô can” ngồi phán xét anh chàng luật sư ăn trộm chó!

Tòa án có thể xử tội anh chàng luật sư trộm chó nhưng ai sẽ là người thương xót cho tấm bằng trong tay anh ta?

Dư luận đã từng xôn xao khi một cử nhân của Đại học Điện lực Hà Nội quỳ gối giữa đường treo bảng trước ngực để… xin việc, hình ảnh “cử nhân quỳ gối” tuy không thể đại diện cho cả nền giáo dục nhưng không thể xem đó là chuyện nhỏ, chuyện tưởng chừng như của một vài cá nhân trong xã hội nhưng khiến chúng ta phải trăn trở băn khoăn.

Chàng cử nhân vướng vòng lao lý vì ăn trộm chó và hình ảnh “cử nhân quỳ gối” là những biến tướng của một xã hội chứa đựng nhiều bất ổn; đó là chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; các nguồn lực phân bố không đồng đều; phương tiện sống ngày càng khan hiếm, cả những thờ ơ, vô cảm giữa người với người… và hơn hết đó là báo động không thể mạnh hơn về sự lệch pha của nhà trường và thị trường.

Chúng ta vô can chăng?

Trong khi cử nhân Luật phải hành nghề “đạo chích” thì một trường Trung học Cơ sở ở Nghệ An phải đưa thầy dạy Thể dục đảm nhiệm môn Hóa, cô dạy Văn kiêm luôn môn… Sinh! [2]

Có phải vì cử nhân Luật thiếu những cái “bôi trơn” nên mới đổ đốn như ngày hôm nay, vì cớ gì nhà trường không tuyển giáo viên mà lại kiêm nhiệm một cách quái gở như vậy, chẳng lẽ trong hàng trăm ngàn cử nhân, Thạc sỹ hiện nay không thể tìm ra người nào phù hợp để dạy Hóa, Sinh?

Giọt nước đã đến lúc tràn ly, không biết trong số hơn hai trăm ngàn cử nhân, Thạc sỹ đang thất nghiệp có còn “đạo chích” nào nữa không nhưng nếu các trường chỉ quan tâm lợi ích của mình, tuyển sinh ồ ạt, đào tạo hời hợt và hệ thống giáo dục vẫn chưa chịu chuyển mình thì sẽ còn mưng mủ, bưng bít.


Tài liệu tham khảo: 

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/332730/hoc-3-nam-cu-nhan-luat-cuu-sinh-vien-di-an-trom-cho.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/332841/thay-the-duc-day-hoa-co-giao-van-day-sinh.html

Source: Giáo Dục

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam