Hơn 500 ngư dân Kỳ Anh đã kiện Formosa về thảm họa môi trường |
Luật sư Ngô Ngọc Trai - Mới đây Tòa án thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã trả lại 506 đơn kiện của bà con ngư dân trước đó đã khởi kiện Formosa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lý do tòa án trả lại đơn kiện được cho là vụ việc đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1880 ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Sự việc này có thể được phân tích thành dẫn chứng cho thấy tòa án Việt Nam quá yếu quyền.
Thứ nhất:
Chủ thể gây ra thảm họa cá chết là Formosa và người bị thiệt hại là bà con ngư dân, cho nên trong khi người dân chưa nhận được bồi thường thì việc các ngư dân khởi kiện Formosa là hoàn toàn đúng sự việc, đúng đối tượng. Nếu tòa án không quá yếu kém thì đương nhiên phải thụ lý giải quyết.
Nếu tòa án mạnh thì tòa án sẽ coi Chính phủ cũng chỉ là một chủ thể tham gia vào các giao kết trong đời sống xã hội mà thôi, và Chính phủ cũng có các quyền và nghĩa vụ dân sự, nếu Chính phủ làm sai sẽ phải bồi thường (hiện đã có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước chính là nhằm giải quyết cho các trường hợp Chính phủ làm sai).
Việc trước đó Chính phủ đứng ra nhận khoản tiền 500 triệu USD của Formosa để dùng vào việc đền bù cho ngư dân, sẽ khiến tòa án triệu tập người đại diện của Chính phủ với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa án sẽ làm rõ vì sao Chính phủ nhận tiền đền bù của Formosa rồi mà lại chậm trễ trả cho bà con, và nếu bà con có ý kiến khác về mức bồi thường thì tòa án sẽ đánh giá xác định thiệt hại để yêu cầu Formosa phải chịu tăng thêm khoản mức bồi thường.
Đó là cách làm hợp lẽ đúng đắn. Tuy vậy tòa án Việt Nam lại không thụ lý vụ kiện.
Thứ hai:
Nếu tòa án mạnh thì tòa án phải có thẩm quyền phán xét về tính hợp pháp đúng sai trong việc làm của Chính phủ. Tức là các việc làm và quyết định của Chính phủ có thể là đối tượng bị tòa án xem xét đánh giá nhất là trong trường hợp người dân khởi kiện do bị xâm phạm quyền lợi.
Nhưng hiện tòa án Việt Nam không có thẩm quyền này. Theo quy định của Luật tố tụng hành chính thì tòa án chỉ được quyền giải quyết đối với các quyết định từ cấp Bộ trưởng trở xuống mà thôi, còn đối với quyết định của Thủ tướng hoặc Chính phủ thì tòa án không có thẩm quyền giải quyết.
Nếu tòa án mạnh thì tòa án phải có thẩm quyền phán xét về tính hợp pháp đúng sai trong việc làm của Chính phủ.
Ví như khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1880 chỉ tính bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 năm 2016 đến hết tháng 9 năm 2016 thì nếu người dân không đồng ý cũng không khiếu nại hay khởi kiện được và tòa án không có thẩm quyền giải quyết một vụ kiện như vậy.
Luật đã quy định như thế rõ ràng đã giới hạn thẩm quyền của Tòa án trước Chính phủ.
Thứ ba:
Nếu tòa án mạnh thì Chính phủ sẽ không lạm quyền làm thay những việc vốn dĩ thuộc về tòa án, ví như việc xác định lỗi, mức độ thiệt hại và bồi thường.
Về nguyên tắc việc xác định mức độ lỗi và buộc bên này bồi thường cho bên kia là công việc của tòa án. Vậy nhưng trong trường hợp Formosa Chính phủ lại làm việc này, điều này liệu đã hợp lý?
Có phải lỗi hoàn toàn thuộc về Formosa? Trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường ở đâu? Cơ quan này đã có lỗi trách nhiệm quản lý thế nào để Formosa vi phạm gây thiệt hại? Cơ quan này đã yếu kém trong xử lý sự cố thế nào khiến cho thiệt hại không được ngăn ngừa giúp hậu quả ít hơn?
Người dân tiếp tục phải xử lý hậu quả |
Về mức độ thiệt hại thì dựa vào cơ sở nào Chính phủ áp mức bồi thường cho mỗi người lao động bị mất thu nhập là 2.910.000đ/người/tháng?
Chính phủ đã lấy ý kiến người dân khi đưa ra mức giá bồi thường chưa? Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Quyết định của Thủ tướng được coi là một văn bản quy phạm pháp luật, và khi ban hành thì phải tham khảo ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Vậy các ngư dân có được tham khảo lấy ý kiến khi ban hành Quyết định 1880 chưa?
Và cứ cho mức bồi thường đó là hợp lý đi thì liệu có còn cách giải quyết nào khác? Phải chăng việc Chính phủ giải quyết là giải pháp khả dĩ nhất áp dụng cho vụ việc lớn phức tạp này?
Thực tế vẫn có thể lựa chọn cách giải quyết khác đó là cho người dân cơ chế đại diện ủy quyền để khởi kiện tập thể. Khi đó vụ việc dù phức tạp rộng lớn nhưng cũng chỉ có một hoặc một vài vụ kiện mà thôi (áp dụng cho trường hợp có ngư dân muốn kiện riêng).
Việc lựa chọn con đường tòa án như thế là có thể và đó là cách làm đúng với bản chất vụ việc, làm thế sẽ giúp phát huy ích lợi của giải pháp tòa án mà giải pháp chính phủ không thể nào có được.
Vì dù kết quả người dân nhận được là như nhau nhưng cơ chế giải quyết của Chính phủ vẫn khác so với cơ chế làm việc của Tòa án, mà qua đó phẩm hạnh đạo đức công dân có được trui rèn và công lý có được hiển lộ hay không.
Cơ chế ra quyết định của chính phủ luôn mang tính áp đặt buộc người ta phải chấp nhận. Trong khi cơ chế làm việc của tòa án dân chủ hơn và lắng nghe ý kiến các bên. Việc người dân được lên tiếng đưa ra yêu cầu ở một phiên xử công khai chính là cách để người dân thụ cảm được cái gì là công lý chính nghĩa.
Quá yếu quyền
Trên đây chỉ là phân tích dẫn chứng từ một vụ kiện thực tế mà thôi.
Trong thực tế có nhiều dẫn chứng khác cho thấy tòa án Việt Nam quá yếu quyền.
Ví như xét trong hệ thống chính trị hiện tại, người đứng đầu ngành tòa án cả nước chỉ là một vị ủy viên Trung ương Đảng cộng sản, ngang quyền với khoảng 200 vị khác, trong khi bên trên còn có hàng chục ủy viên Bộ chính trị mà người đứng đầu ngành tòa án phải chấp hành.
Trong khi các nước theo hệ thống tam quyền phân lập thì tòa án nắm quyền tư pháp là một đối trọng lớn quyền, ngang ngửa với Quốc hội nắm quyền lập pháp và Chính phủ nắm quyền hành pháp.
Ở Việt Nam không theo hệ thống tam quyền phân lập mà các cơ quan thực hiện công việc theo cơ chế phân công phối hợp, nhưng phạm vi được phân công và trao quyền của tòa án ở mảng tư pháp lại quá hạn hẹp so với hành pháp.
Dẫn đến nhiều vụ việc có tính chất thuộc về tư pháp nhưng lại được hành pháp giải quyết ví như việc ban hành Quyết định 1880 trong vụ việc Formosa nêu trên.
Khi đó thiết chế tòa án đã không phát huy được chức năng tác dụng trong việc quản trị đời sống xã hội, giúp thúc đẩy tiến bộ và phát triển.