Bùi Tín - ... Cơn "nghiện bạo lực của ngành công an" rồi sẽ còn nặng nề hơn, phổ biến hơn, khó chữa hơn. Công dân Việt Nam lương thiện rồi sẽ còn chết bí hiểm trong đồn công an, nhà báo bị đấm đá đến hộc máu, các cô bán hàng rong sẽ còn bị túm tóc lôi xềnh xệch dài dài, các em học sinh sẽ tiếp tục bị ép cung oan ức đến tự sát và hàng năm Bộ Công an vẫn được trao cờ, phát huân chương, phong tướng, tuyên dương "Anh hùng" một cách tự nhiên. Chế độ này đang tiến đến thời mạt vận!
Các vụ Công an đánh đập, chửi bới, tra tấn, giết hại công dân đang xảy ra ngày càng nhiều. Hơn 200 người dân đã bị thiệt mạng theo nhiều kiểu trong ba năm qua trong cơ quan công an và trong các trại tạm giam, trại giam đã nói lên thái độ hung bạo của một lực lượng từng được ngành tuyên huấn của đảng tô vẽ là "Bạn của dân", là "Thanh bảo kiếm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân". Họ được tuyên dương chịu vất vả, thức thâu đêm cho nhân dân ngủ yên, luôn có thái độ nhân từ, bác ái, kính già, yêu trẻ, thương người cơ nhỡ, tàn tật, được dân tin yêu gọi là "anh, chị công an quý mến".
Tại sao lực lượng công an nay lại ngày càng trở nên tàn bạo như thế?
Mấy tuần lễ nay có hàng trăm bài báo tự do, cả theo lề trái, lề phải, lên án những hành động thô bạo tàn ác của ngành công an. Đã từ lâu nhiều bài báo lên án các cảnh sát giao thông là "Anh hùng Núp", theo tên người "anh hùng" quê ở Tây Nguyên, với ý nghĩa mỉa mai là 'núp' trong bụi, rình sau gốc cây để huýt còi chặn các loại xe để vòi tiền do không đội mũ bảo hiểm hay không đủ giấy tờ hợp lệ. Đã có những bài báo vừa phê phán vừa gượng nhẹ, cho rằng vì đồng lương quá thấp nên phải xoay sở kiếm ăn nuôi gia đình vợ con.
Đã có những đề nghị ngây ngô, như quy định cảnh sát giao thông mặc áo không có túi, để không có chỗ nào đựng tiền hối lộ, hoặc thủ trưởng công an có quyền khám túi cấp dưới sau mỗi buổi làm xong nhiệm vụ.
Gần đây các vụ bạo hành của công an ngày càng thêm ác liệt, mang tính chất côn đồ chuyên nghiệp. Bức ảnh em Ngô Thanh Hiếu hôn di ảnh cha em bị công an đánh chết trong khi tạm giam chụp giữa phiên tòa xử "5 công an viên đánh dân" gây chấn động dư luận. Vụ án em Dư bị công an đánh chết khi nghi em ăn cắp 2 triệu, và một em khác đã tự sát để minh oan sau khi bị công an đánh đập, mớm cũng là những chuyện chấn động lương tâm xã hội. Gần đây việc một thiếu úy công an chửi rủa thô tục, túm tóc kéo lê chị bán hàng rong Nguyễn Thị Thu Thảo gần hồ Con Rùa – Sài Gòn, cũng làm cho nhân dân phẫn nộ.
Có những hành động rõ ràng là phi pháp của nhân viên công an bị nhân dân lên án đòi truy tố thì lại được cấp trên bao che, xóa tội. Như phóng viên báoTuổi Trẻ Trần Quang Thế làm nhiệm vụ lấy tin, chụp ảnh vụ công an xử lý bất minh một tai nạn trên cầu Nhật Tân, bị một nhân viên công an đánh đập tàn nhẫn, kiểu côn đồ, đá vào sườn, thụi vào giữa mặt để hộc cả máu tươi, đập máy ảnh, vậy mà chỉ bị "phê bình khiển trách, rút kinh nghiệm". Đại tá Nguyễn Duy Ngọc phụ trách điều tra của Sở Công an Hà Nội còn biện hộ cho nhân viên của mình là chỉ "gạt tay đụng vào má", "có đá nhưng không trúng vào người", bênh che một cách ngớ ngẩn hành động côn đồ của tên công an thuộc cấp. Một luật sư lên tiếng sẵn sàng bênh vực tại tòa cho nhà báo nếu như Ban biên tập Tuổi trẻ đồng tình vào cuộc, nhưng rồi vụ án bị chìm xuồng vì chán ngán, không ai còn tin vào nền tư pháp độc đảng.
Nhà báo Mạc Văn Trang trên Người làm báo bàn về bản năng hung ác và tính côn đồ phổ biến của ngành công an, kêu gọi lãnh đạo Bộ Công an, các học viện của ngành nghiên cứu kỹ lưỡng có bài bản "căn bệnh hung tính côn đồ" rất nguy hiểm này để cố gắng khắc phục căn bệnh "nghiện bạo hành" đang lan tràn, đồng thời giới báo chí và toàn xã hội cần vào cuộc lên tiếng mạnh mẽ và bền bỉ tham gia vào một cuộc giáo dục lại toàn ngành để công an thật sự là bạn, là thanh bảo kiếm của nhân dân, giữ gìn an ninh cho đồng bào.
Theo tôi như thế vẫn chưa đủ. Vì có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là chính lãnh đạo của đảng Cộng sản, chính tập thể Bộ Chính trị và Tổng Bí thư hiện nay đã làm gương xấu cho ngành công an, khuyến khích toàn ngành này coi nhân dân yêu công lý, đòi tự do dân chủ, chống bọn tội phạm như Formosa, chống bành trướng phương Bắc tất cả đều là thế lực thù địch, phải thẳng tay đàn áp.
Mới đây các lãnh đạo cao nhất tiếp đón long trọng Bộ trưởng Công An Trung Quốc Quách Thanh Côn, chắc hẳn đã dịu giọng cam kết không truy tố, không đuổi cổ các nhà doanh nhân Formosa, không đặt vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế PCA theo đạo Luật về Biển, những điều mà Bắc triều lo ngại nhất.
Chính do vậy mà ngày 2 tháng 10 vừa qua gần 6.000 người dân đã kéo đến trước trụ sở Formosa - Plastics ở Kỳ Anh, chính quyến đã huy động hàng nghìn công an và dân phòng bảo vệ quanh hàng rào công ty, bảo vệ an toàn cho tất cả người Trung hoa, cả tàu Đài loan và Tàu lục địa, đứng hẳn về một phía người Tàu.
Không ai khác, chính Bộ Chính trị, lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến địa phương đã làm gương về coi ai là bạn ai là thù, đứng hẳn về phía nào và quán triệt quan điểm chính trị lưu vong bán nước cho Trung Quốc, dạy bảo cho cả 300 viên tướng công an và 300.000 công an viên được nuông chiều, lương cao hơn và ngân sách vượt xa lương và ngân sách dành cho quân đội.
Do đó cơn "nghiện bạo lực của ngành công an" rồi sẽ còn nặng nề hơn, phổ biến hơn, khó chữa hơn. Công dân Việt Nam lương thiện rồi sẽ còn chết bí hiểm trong đồn công an, nhà báo bị đấm đá đến hộc máu, các cô bán hàng rong sẽ còn bị túm tóc lôi xềnh xệch dài dài, các em học sinh sẽ tiếp tục bị ép cung oan ức đến tự sát và hàng năm Bộ Công an vẫn được trao cờ, phát huân chương, phong tướng, tuyên dương "Anh hùng" một cách tự nhiên. Chế độ này đang tiến đến thời mạt vận!