Bùi Quang Vơm - Trong các cuộc thảo luận, việc thống nhất nhận thức hai khái niệm Pháp Quyền và Pháp Trị có một ý nghĩa thực tiễn cũng như lý luận quan trọng. Các khái niệm này xuất hiện trong lịch sử sinh hoạt chính trị phương Tây từ nhiều thế kỷ trước, nhưng ý nghĩa của nó chỉ mới được xác định gần đây.
Tuy nhiên, trong chúng ta, ngay cả nhiều người thuộc giới học thức, khái niệm Pháp Quyền và Pháp Trị nhiều khi được dùng không đúng nghĩa và giải thích một cách lẫn lộn.
Sự nhầm lẫn này có nguồn gốc từ sự suy diễn giản đơn, lẫn lộn cấu trúc ngữ pháp cuả bản thân các cặp danh từ ghép có âm Hán Việt này.
Pháp Quyền được giải thích là dùng quyền lực để biến các biện pháp cai trị thành pháp luật, có nghĩa là nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng quyền lực nắm trong tay, thao túng và lũng đoạn pháp luật.
Pháp Trị lại được cho là cai trị bằng Pháp luật với cách hiểu rằng nhà nước Pháp trị là nhà nước thượng tôn Pháp luật, cai trị bằng pháp luật, không phải cai trị bằng quyền, không dùng quyền lực để làm luật hay thao túng luật. Như vậy, nhà nước Pháp trị mới xứng đáng được tôn vinh.
Nếu hiểu như trên thì bản chất của hai khái niệm Pháp quyền và Pháp Trị đã bị hoán đổi cho nhau, nghĩa là bị hiểu theo nghĩa ngược lại. Vì là hiểu theo nghĩa ngược, nên nhiều luận giải lý thuyết trở thành những luận chứng mâu thuẫn, đôi lúc tệ hại.
Nhiều người, trong đó có cả những nhà chính trị, quy cho chế độ chuyên chế độc đảng cộng sản hiện nay tại Việt Nam là chế độ Pháp Quyền, ngụ ý đảng cộng sản lấy quyền làm luật. Quyền là luật. Đảng đang cầm quyền nên luật là của đảng, và họ suy ra cần phải đánh đổ chế độ Pháp Quyền cộng sản. Một sai lầm tệ hại.
Đúng là luật ở Việt Nam hiện nay là luật của đảng cộng sản, do đảng cộng sản dựng lên để trấn áp dân chúng, bảo vệ sự sống còn của đảng cộng sản, phục vụ cho lợi ích của đảng cộng sản. Nhưng gọi Nhà nước này là nhà nước Pháp Quyền là sai, bởi vì thực ra, đây là một hình thức biến thái của một Nhà nước Pháp Trị.
Theo cấu trúc tiếng Hán, tính từ đứng trước danh từ. Trong danh từ ghép “pháp quyền”, “quyền” mang tính “pháp”, hay có tính chất “pháp”, phải được được hiểu là quyền được pháp hoá, tức là pháp luật hoá. Quyền thành Luật.
Tương tự như vậy, trong từ “pháp trị”, “trị”, hay biện pháp cai trị được luật hoá, biện pháp cai trị trở thành luật.
Như vậy, trong cả hai khái niệm này, Pháp, hay Pháp luật đều là Quy tắc tối cao của sinh hoạt xã hội. Tức là Pháp luật được coi là quyền lực tối cao, bất khả xâm phạm.
Nhưng một bên, Pháp Quyền tức là quyền của dân, của cá thể trong xã hội hay là quyền công dân trong một Nhà nước, được Pháp luật hoá, tức là thành các quy tắc sinh hoạt tối cao, trong khi, Pháp Trị là các biện pháp cai trị hay thủ thuật cai trị, hay ý chí cuả thế lực cai trị được Pháp luật hoá, tức là thành các quy tắc cao nhất điều khiển xã hội.
Nhà nước Pháp trị là một đặc trưng cuả một nhà nước phong kiến dưới thể chế Quân chủ chuyên chế, nói nôm na là một nhà nước trong đó quốc gia là của Vua, Vua tượng trưng Quốc gia, giá trị Quốc gia, uy quyền Quốc gia trùng với uy quyền của Vua. Pháp của Vua là Pháp cuả Quốc gia. Vua là người ra luật. Ý Vua là luật.
Trong lịch sử triết học Trung quốc, Pháp trị là một học thuyết cai trị do Hàn Phi Tử(281-233 TCN ) khai sinh trên nền tảng phát triển những lý thuyết cai trị cuả Quản Trọng,Thân Bất Hại, Thương Ưởng từ đầu thế kỷ tứ ba trước công nguyên. Về sau này, khái niệm Pháp trị được dùng để phân biệt với thuyết Nhân Trị hay Đức trị mà Mạnh Tử, một môn sinh của Khổng Tử là người suốt đời du hành để truyền bá.
Hàn Phi chủ trương cai trị quốc gia bằng Pháp luật. Pháp luật là tối thượng, bất vị quyền, bất vị thân. Từ dân đến quan, từ tiểu dân tới quý tộc, luật pháp bất phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Nhưng những điều luật khắt khe đó là ý chí của Vua, theo ý nguyện của Vua mà ban bố thành pháp luật.Thuật cai trị của Vua hóa thành luật trong dân.
Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chuyện một người có tài dò đoán ý Vua thời tiền Tần, ở Trung Hoa là Công Tôn Ưởng. Ưởng là con một người hầu của một quý tộc nước Vệ. Sau ba lần đưa ra ba thuyết cai trị là Đế đạo, Bá đạo rồi đến Vương đạo, Ưởng đã hiểu thấu, và biết cách thoả mãn ý nguyện củaVua Tần Hiếu Công và trở thành tể tướng của nhà Tần.
“...Ưởng sai chia dân thành từng nhóm năm hộ, mười hộ, ai đi phải báo, ai đến phải ghi danh, phải kiểm soát lẫn nhau và bị ràng buộc lẫn nhau. Ai không tố cáo kẻ gian thì bị tội chém ngang lưng, ai tố cáo kẻ gian được thưởng ngang với có công chém đầu quân địch. Người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch...Mọi người bình đẳng trước pháp luật, lấy thưởng phạt làm nguyên lý trị nước, không cần giáo dục.”
“Luật của Thương Ưởng đưa ra làm Vua Tần hài lòng, được hưởng thuế vạn hộ. Nhưng khi Tần Hiếu Công chết, Thái tử lên ngôi, bọn công tử Kiền báo Thương Quân làm phản. Vua sai người lùng bắt. Thương Quân bỏ trốn, đến cửa quan, xin vào ngủ trọ. Người nhà trọ không biết mặt Thương Ưởng, nói:
- Theo phép cuả Thương Quân, cho người trọ không có giấy chứng nhận, thì bị phạt liên lụy cả họ.
Tương Ưởng thở dài:
- Than ôi, cái tệ hại cuả người làm pháp đến thế ư.
Rồi bị bắt và thân thì bị nhà Vua cho xe xé xác, nhà thì bị giết cả ba họ”.
Đó là một ví dụ đặc trưng có tính cổ điển cuả thể chế Pháp Trị.
Luật giám sát hành vi của người dân, truy bức tư tưởng của người dân, từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên này, đang được chế độ công sản áp dụng trở lại, dưới danh xưng Xã Hội Chủ Nghiã, bằng chế độ quản lý hộ khẩu, tổ dân thôn và tổ dân phố. Đó là nền Pháp Trị chuyên chế và độc tài, mang màu sắc man rợ của thời trung cổ.
Cặp khái niệm này, trong tiếng Anh, Rules of Law được dịch là Nhà nước Pháp Quyền, và Rules by Law là Nhà nước Pháp Trị.
Đối với người Anh và người Mỹ, Ruls được hiểu là Quy tắc hoạt động trong một cộng đồng, một dạng các quy ước thoả thuận trước, như luật chơi của một trò chơi. Chẳng hạn như trong bóng đá, các quy định như: chỉ có một quả bóng cho cả hai đội, mỗi bên 11 người, và chỉ đá bằng chân mà không được dùng tay. Nếu vi phạm các quy tắc này thì không còn là bóng đá nữa.
Như vậy, Rules là các quy ước có tính đồng thuận của một cộng đồng, một Quốc gia, hay chính là Hệ thống giá trị của một Quốc gia là Hệ thống bất khả xâm phạm, bền vững và có tính cố định tương đối, trong khi đó, Law là luật có thể thay đổi theo các chính sách của các lực lượng chính trị cầm quyền. Vì vậy Luật có tính đảng. Mỗi đảng khi cầm quyền bắt buộc phải làm thành luật các chính sách, đường lối nhằm thực hiện các chương trình chính trị của mình.
Các chính sách được luật hoá này tương đương các biện pháp cai trị theo quan niệm truyền thống của văn hoá phương Đông.
Như vậy, Rules of Law là Quy tắc của Luật, nghĩa là luật, hay đúng hơn là các chính sách đã luật hoá sau khi Quốc hội biểu quyết, phải chịu sự giám định cuả Quy tắc, tức là Hệ thống giá trị quốc gia, cụ thể hoá của các quyền cơ bản của con người. Và như vậy, luật pháp ban hành ra bị điều chỉnh bởi Quy tắc, tức là chịu sự khống chế và điều chỉnh bởi hệ thống giá trị Quốc gia. Đấy là thể chế Nhà nước Pháp Quyền.
Rules By Law là Quy tắc (tức là hệ thống giá trị quốc gia, hay các quyền con người, quyền công dân) chịu sự điều chỉnh bởi chính sách, nghĩa là chịu sự điều chỉnh của đường lối và chính sách của chính đảng cầm quyền, sau khi được chính phủ do đảng chính trị cầm quyền này chuyển thành luật. Có thể hiểu điều rằng khi giành được đa số phiếu để lập Chính phủ, đảng cầm quyền thường đồng thời giành đa số trong các Nghị viện của Quốc hội, là cơ quan lập pháp, bởi vậy các chính sách của họ thường được luật hoá dễ dàng.
Trong tiếng Pháp, Nhà nước Pháp Quyền được gọi là Etat de Droits. Cụm từ này phản ánh đặc trưng của lối tư duy Pháp. Etat, (Nhà nước), với truyền thống chính trị Pháp, là cơ chế quyền lực cao nhất của một Quốc gia và được hiểu rằng, Etat, (Nhà nước) tượng trưng cho hệ thống giá trị quốc gia. Hệ thống giá trị này là cơ chế quyền lực cao nhất. Hệ thống đó, là các quyền Tự nhiên và quyền Xã hội của con người, bao gồm quyền kinh tế và quyền chính trị. Nhà nước, hay cơ quan quyền lực cao nhất Quốc gia, hay là Luật được “làm” ra từ các quyền cơ bản phổ quát, chịu sự điều chỉnh và giám sát của hệ thống các quyền cơ bản phổ quát đó của con người.
Trong Nhà nước Pháp Quyền, tất cả các điều luật luôn được đối chiếu với các quyền cơ bản hay những giá trị cơ bản của Quốc gia. Tất cả các điều luật, hay bộ luật được ban hành bởi các Chính phủ trong thời gian cầm quyền đều bị vô hiệu hoá nếu vi phạm các quyền cơ bản đã được xác định thành hệ thống giá trị Quốc gia. Hệ thống giá trị này, trong một nền dân chủ chân chính hiện đại, bao gồm Tuyên bố Quốc tế Nhân quyền và Dân Quyền do Liên Hợp Quốc công bố năm 1948, và Tuyên bố Quyền Kinh tế và Quyền Chính trị và Xã hội do Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966.
Không một cái gì, không một cá nhân, không một thành tố xã hội nào, không một định chế quyền lực nào, kể cả Tổng Thống, Chính Phủ và Toà Án tối cao, được phép vượt ra ngoài khuôn khổ hệ thống giá trị Quốc Gia được xây dựng trên nền tảng hệ thống các Tuyên bố về Quyền tổng quát do Liên Hợp quồ́c Thông qua năm 1966. Ở các nước dân chủ đích thực hiện nay trên thế giới, hệ thống Giá trị phổ cập này là nền tảng của Hiến Pháp, đã trở thành một Hệ Giá trị đặc trưng của nền văn minh Nhân lọại của Thế kỷ đương đại, đã trở thành chuẩn mực cho một thể chế chính trị chân chính, một thứ tiêu chuẩn định chất của trình độ văn minh của một dân tộc.
Chế độ độc đảng độc tài mà đảng cộng sản đang áp đặt trên xã hội Việt Nam hiện nay, là một thể chế pháp trị chuyên chế lạc hậu, một thứ rác rưởi của lịch sử nhân loại còn sót lại hiếm hoi trên mặt địa cầu, là nỗi ô nhục đối với một dân tộc có trên HAI NGÀN NĂM VĂN HIẾN như dân tộc Việt Nam.
04.12.2016
Bùi Quang Vơm