Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Thủy điện có oan?

Nguyễn Thông - Thủy điện đem lại nguồn thu cho nhóm lợi ích, nhưng đem lại chết chóc khổ sở cho người dân...Không đổ hết tội cho thủy điện. Công cuộc phá rừng dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ suốt mấy chục năm nay chính là cái gốc của tình trang lũ lụt nghiêm trọng. Những bộ óc kinh tế ngu dốt, chỉ chăm chăm vào tăng trường nóng, vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp hậu quả đã gây ra nhiều hệ lụy. Hai nhiệm kỳ cầm đầu chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có việc thả cửa xây dựng thủy điện, đã phá nát đất nước này. Không chỉ môi trường bị tàn phá mà kéo theo đó là thiên tai, nhân tai, hiểm họa, từng ngày từng giờ đe dọa cuộc sống dân lành.

😞😠😟
Phải nói ngay rằng “không oan”, trong đợt lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung kéo dài mấy tuần nay, và đang chưa biết khi nào mới chấm dứt. 14 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ thì dân có mà chạy đằng trời.

Có những người bảo vệ cho thủy điện, cãi rằng khi xưa, chưa có nhà máy thủy điện, đập thủy điện, thì miền Trung cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta vẫn từng xảy ra lũ lụt. Hồ thủy điện là cái hồ chứa nước, đã không ghi công cho nó thì thôi, lại còn kể tội nó, v.v..

Xét về lý sự, họ nói thế cũng có ý đúng. Lũ lụt không phải là sản phẩm của thời này, của thủy điện. Nó có từ hồi xửa hồi xưa. Tôi đọc sách Đại Việt sử ký toàn thư, thấy các nhà chép sử ghi lại rất nhiều trận lụt lớn vào các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn..., dân tình khốn đốn, khổ sở trăm bề. Hồi ấy chưa có thủy điện, dù có thể đã có lợi ích nhóm.

Nhưng bảo hồ chứa thủy điện, công trình thủy điện vô can với lũ lụt thì sai. Cứ tạm hiểu, nó giống cái thùng chứa, chỉ chứa thôi, chứ không có tác dụng ngậm nước, giữ lại nước, khi nhiều nước quá thì tràn ra ngoài; khi sợ vỡ đập thì xả bớt ra. Nó không giữ nước, tích nước theo kiểu rừng giữ nước từ ngàn đời nay.

Những cánh rừng mênh mông là những thảm thực vật, khi trời mưa lớn có tác dụng như những tấm thảm dày hút nước, giữ nước. Nhiều rừng nguyên sinh ở khắp nơi, ở dãy Trường Sơn, ở miền Trung... giữ lượng nước cực kỳ lớn sau những trận mưa, rồi từ từ xả ra suối, sông. Khi xưa, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những dòng suối chảy róc rách quanh năm, những con sông chảy mãi chảy mãi tưởng chừng không bao giờ cạn, những thác nước hùng vĩ tung bọt ngày này qua ngày khác. Nước của nó chính là nước từ rừng, được thải ra dần dần, rừng làm nhiệm vụ phân phối, điều tiết, cấp côta nước cho sông suối theo chừng mực. Chỉ khi nào mưa quá nhiều, quá dài, quá lớn, hết sức chịu đựng của rừng thì mới sinh ra lũ lụt. Khi xưa, hiếm có lũ quét, một thứ tai họa khủng khiếp với người ở vùng núi cao.

Người ta làm thủy điện, việc đầu tiên là phá rừng. Phá rừng để làm hồ chứa. Hồ càng lớn, rừng càng bị mất nhiều. Nó chỉ còn tác dụng chứa chứ không thể ngậm nước và điều tiết khi mưa nhiều. Miền Trung có đặc điểm địa hình dốc nên các dòng sông nhiều tiềm năng thủy điện. Chính vì thế, các tình Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, và cả Lâm Đồng, Đắk Lắk nữa thủy điện dày đặc. Đồng nghĩa với nhiều thủy điện là rừng bị mất nhiều, tai họa lũ lụt ngày càng ghê gớm. Không nói ra, ai cũng biết, từ ngày có thủy điện, dân miền Trung và Tây Nguyên phần được thì ít, còn phần mất, hậu quả chết chóc ngày càng nhiều. Thiên tai thì ai, ở đâu cũng phải chịu, còn nhân tai đổ dồn vào xứ này.

Không đổ hết tội cho thủy điện. Công cuộc phá rừng dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ suốt mấy chục năm nay chính là cái gốc của tình trang lũ lụt nghiêm trọng. Những bộ óc kinh tế ngu dốt, chỉ chăm chăm vào tăng trường nóng, vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp hậu quả đã gây ra nhiều hệ lụy. Hai nhiệm kỳ cầm đầu chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có việc thả cửa xây dựng thủy điện, đã phá nát đất nước này. Không chỉ môi trường bị tàn phá mà kéo theo đó là thiên tai, nhân tai, hiểm họa, từng ngày từng giờ đe dọa cuộc sống dân lành.

Thủy điện đem lại nguồn thu cho nhóm lợi ích, nhưng đem lại chết chóc khổ sở cho người dân. (viết đến đây, tôi chán chả muốn tiếp nữa)

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam