Hạ Trắng - Sau khi “cởi trói” cho “Ly rượu mừng”, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa ra quyết định tạm... trói lại năm ca khúc trước 1975 là "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” để “thẩm định lại dị bản, tên tác giả, ca từ”.
Tuy nhiên, công luận đều cho rằng việc “thẩm định lại dị bản, tên tác giả” chỉ là trò bịa đặt, không có căn cứ mà mục tiêu chính là nhằm bức tử các ca khúc vốn thuộc vào hàng tinh hoa của nền nhạc Miền Nam trước năm 1975. Điều này thể hiện thái độ hằn học, thù ghét, sự ngu dốt và cả mặc cảm của chế độ Cộng sản đối với chế độ VNCH.
Dưới chế độ VNCH, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Các tên tuổi nhạc sĩ, nghệ sĩ và những ca khúc trước 1975 dù bị bách hại, bức tử hay cấm đoán vẫn có sức sống mãnh liệt cho đến ngày hôm nay. Ngược lại, miền Bắc dưới sự cai trị của cộng sản thì các văn nghệ sĩ, từ họa sĩ đến nhà điêu khắc, từ đạo diễn đến nhà biên kịch, từ nhà văn cho đến nhà thơ, nhạc sĩ đến văn công đều phải phục vụ lợi ích cho mưu đồ chính trị. Nhiệm vụ duy nhất của họ là ca ngợi Hồ Chí Minh, ca ngợi đảng cộng sản. Các văn nghệ sĩ cộng sản hầu hết bị biến thành những tên đao phủ và các sáng tác của họ góp phần không nhỏ trong việc đẩy hàng vạn thanh niên ra trận để rồi chết cho cuộc chiến phi nghĩa này.
Do không được tự do sáng tác nên nhiều năm qua, “nền âm nhạc Việt Nam” dưới bảng chỉ đường XHCN, đôi mắt cú vọ của tuyên giáo, công an... đã không có nổi một tác phẩm ra hồn. Điều này đã tạo ra xu hướng “trở về với nhạc miền Nam” mà ngay cả nhà cầm quyền dù ngăn cấm, kiểm duyệt cũng không thể chống lại. Thậm chí, các bài “nhạc xưa” còn được biểu diễn một cách “tự nhiên” trên truyền hình. Trừ các đảng viên cộng sản, những kẻ cuồng cộng và những người không được tiếp cận với nền âm nhạc nào khác ngoài “nhạc đỏ” mới hát và nghe những ca khúc tuyên truyền của đảng. Còn lại, người ta tìm đến nhạc quốc tế hoặc nhạc lính, nhạc vàng và cả những sáng tác “sau 1975” mà tác giả hoặc nội dung có dính dáng đến VNCH.
Cựu TNCT - blogger Huỳnh Anh Tú, chia sẻ với chúng tôi:
“Các ca khúc miền Nam trước 1975 nói chung và năm ca khúc bị “cấm” lần này nói riêng, đều là những bài hát mang hơi thở của tự do, là nghệ thuật đích thực. Hãy làm một phép thử, nếu như chúng ta loại bỏ hết các ca khúc miền Nam trước 1975 thì gia tài âm nhạc của Việt Nam còn lại gì. Người ta không thể “tỏ tình” với nhau bằng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Cô gái vót chông”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân” hay những bài nhạc đỏ, nhạc “Cách mạng” theo cách gọi của người cộng sản được. Chả lẽ, với trí tuệ luôn tự nhận là “đỉnh cao” mà suốt hơn 40 năm, người cộng sản không thể hiểu được nội dung một bài hát vẻn vẹn của ít câu ngắn ngủi hay sao mà bây giờ còn cần “thẩm định lại”. Việc cấm đoán này, tôi nghĩ không những không đạt được mục đích mà còn mang lại những tác dụng ngược. Điều gì cấm, càng gây tò mò và hứng thú. Tôi nghĩ, trong thời gian tới "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” sẽ được hát nhiều hơn như chưa bao giờ bị cấm”.
Cựu TNCT Huỳnh Anh Tú từng có thời gian 14 năm tù đày trong nhà tù cộng sản vì chống lại thể chế độc tài này. Anh cũng chính là người cuối cùng sở hữu “cây đàn tù” và mang nó trở về trong ngày mãn án. Cây đàn guitar đã trải qua gần 40 năm tù đày và làm bạn tâm giao với nhiều thế hệ tù chính trị. Để được làm bạn với cây đàn guitar, những người tù chính trị từng phải trả giá bằng máu, nước mắt, những trận đòn thù của cai tù. Cây đàn guitar cũ kỹ và những ca khúc Miền Nam trước 1975 đã được Huỳnh Anh Tú và các bạn tù chính trị của anh xướng lên trong nhà tù, nơi họ từng bị giam cầm, bất chấp cấm đoán và đánh đập.
Chúng tôi cũng tìm gặp Nhà báo Phạm Đoan Trang, người không chỉ được biết đến bởi những hoạt động nhân quyền mà còn với tư cách của một người yêu nhạc và chơi nhạc. Nhà báo Phạm Đoan Trang cho rằng nhà cầm quyền muốn “tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975”.
“Có một điểm tôi phải nói rõ là hầu như tất cả các bài hát của thời VNCH đều bị cấm. Ngoài ra, về mặt tuyên truyền còn bị dán vào nhãn “nhạc vàng”, nhạc độc hại. Trong số các bài bị cấm, có rất nhiều bài là những tình khúc nổi tiếng, ví dụ như “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “Con đường xưa em đi”, “Đêm hỏa châu” của nhạc sĩ Châu Kỳ, “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương... Thế thì, việc làm của Cục BDNT lần này chỉ là việc nhắc lại việc bị cấm của “Con đường xưa em đi” mà thôi, chứ không phải bây giờ mới bị cấm.
Tại sao bây giờ nhắc lại lệnh cấm “Con đường xưa em đi”? Tôi nghĩ họ nhằm vào bài “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, thứ hai là họ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trước 1975. Quan sát các tụ điểm âm nhạc, kể cả các dịch vụ Karaoke, tôi thấy nhạc vàng chưa bao giờ chết như cộng sản mong muốn. Nhiều khi, nó được thanh niên Việt Nam ưa thích, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Vì thế, tuyên giáo VN thấy cần phải “chấn chỉnh” gấp. Họ muốn tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975. “Con đường xưa em đi” là một trong 10 ca khúc trước 1975 mà tôi thích nhất.”
Ôi! con đường xưa em đi thì bị cấm. Con đường nay em đi như Mẹ Nấm thì bị vào tù!
Kết thúc bài viết, xin được gửi tặng quý bạn đọc một bài “vè” phỏng theo bài “Con đường xưa em đi” đang được lan truyền trên mạng, như một kiểu giễu cợt và thách thức nhà cầm quyền trong cái lệnh cấm ngớ ngẩn này.
“Con đường xưa em đi
Nhiều năm đã đi rồi
Bỗng chiều nay cấm đi
Biết rằng không cho đi
Khách qua đường vẫn đi
Sợ gì không dám đi?
Những đường không cho đi
Người ta vẫn đi hoài
Cấm, càng thêm khoái đi
Có đường không cho đi
Cấm đi người vẫn đi
Hỏi tại sao vẫn đi!?”.
Hạ Trắng
Source: DanLamBao