RFA - Tất cả những người có mặt trong buổi lễ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm sáng ngày 29 tháng 3 năm 2017 đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Chính trị sự vụ, ông Thomas Shannon, xướng tên Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam, cũng là người duy nhất không thể có mặt tại buổi lễ.
Không phải vì lý do địa lý hay sức khoẻ, mà vì cô đang bị giam cầm trong nhà tù Việt Nam, vì tội dám “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam từ tháng 10 năm 2016.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người phụ nữ thứ hai của Việt Nam được vinh danh giải Phụ Nữ Quốc Tế Dũng Cảm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Năm 2013, giải thưởng thuộc về nhà đấu tranh Tạ Phong Tần. Thời điểm đó, bà cũng đang trong thời gian thụ án, một “điều kiện” hoàn toàn giống như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của năm nay.
Để đấu tranh chống độc tài không có quốc gia nào được mang quân đội hay dung vũ lực tấn công một chính phủ hợp pháp ở một quốc gia khác. - Tạ Phong Tần
Từ California, nơi bà bắt đầu cuộc sống lưu vong cho đến ngày hôm nay, Tạ Phong Tần nói rằng, ngoài ý nghĩa cá nhân, bà xem giải thưởng này là lời động viên chung cho tất cả mọi người.
“Tất cả người dân Việt Nam, trừ bọn cộng sản hoặc bè lũ phe cánh hãy vui mừng lên vì cuộc đấu tranh đòi dân quyền chống độc tài cộng sản của chúng ta không đơn độc. Hãy tin vào tương lai tươi sáng, một ngày không xa nước Việt Nam chúng ta không còn chế độ độc tài cộng sản.”
Bà Melania Trump trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm cho một phụ nữ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/3/2017. Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không có mặt vì đang bị giam cầm ở Việt Nam. AFP photo |
Cuộc đấu tranh chính nghĩa
Vụ bắt giữ Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức đã làm dấy lên sự phẫn nộ của của người đấu tranh cho nhân quyền và cả các cộng đồng quốc tế.
Chỉ một ngày sau khi blogger Mẹ Nấm bị bắt, ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đưa ra tuyên bố về việc bắt giữ này và yêu cầu nhà chức trách Việt Nam thả Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức.
Sau đó, Civil Rights Defenders, trụ sở chính tại Thụy Điển, nhân ngày những người bảo vệ quyền phụ nữ quốc tế, 29 tháng 11 năm 2016, lên tiếng kêu gọi cộng động quốc tế tiếp tục gây sức ép đòi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Blogger Mẹ Nấm.
Thế nhưng, cho đến 11 giờ sáng, giờ Washington D.C. ngày 29 tháng 3, gia đình của Mẹ Nấm vẫn không biết được tin tức của cô. Hai đứa trẻ thơ, Nấm và Gấu vẫn chưa một lần được gặp lại mẹ.
Bà Tạ Phong Tần (giữa) đến phi trường Los Angeles hôm 19/9/2015. RFA screenshot |
Có thể cũng như Tạ Phong Tần 5 năm trước, qua sáng ngày mai, Mẹ Nấm sẽ biết được tin này qua một tờ báo chính thống trong nước cùng với lời phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam như đã từng diễn ra với Tạ Phong Tần.
Có lẽ vì những thực tế đó, bên cạnh những lời vui mừng, tự hào gửi đến cho Mẹ Nấm, cũng có nhiều ý kiến từ những người yêu thương cô, cho rằng giải thưởng này chỉ là một hình thức, không thể bù đắp lại những mất mát hai đứa trẻ Nấm và Gấu đang phải chịu. Có người đặt câu hỏi rằng “Liệu giải thưởng này có giải quyết được vấn đề đang được mong chờ, đó là tự do cho Quỳnh?”
Rất hiểu những tâm trạng và cảm xúc ấy, Tạ Phong Tần đưa ra chia sẻ.
“Cái đó chẳng qua là những người có ý kiến tiêu cực. Thời buổi bây giờ luật pháp quốc tế chú trọng đến vấn đề hoà bình. Để đấu tranh chống độc tài không có quốc gia nào được mang quân đội hay dung vũ lực tấn công một chính phủ hợp pháp ở một quốc gia khác. Việt Nam hiện nay là một chính phủ hợp pháp được Liên Hiệp Quốc công nhận. Người ta chỉ có thể đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao. Điều này Bộ Ngoại giao Mỹ muốn cho người dân Việt Nam biết rằng cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam chống độc tài cộng sản hiện nay, đó là chính nghĩa và được thế giới ủng hộ.”
Đấu tranh không vì giải thưởng
Chia sẻ thêm về những bày tỏ của mình, Tạ Phong Tần nhắc lại giải thưởng ấy là một vinh quang, một niềm tự hào cho cá nhân người đoạt giải và cho một dân tộc có những người dám tranh đấu cho tiếng nói nhân quyền, cho khát vọng tự do dân chủ.
Tuy nhiên, để đổi lấy vinh quang ấy với những tháng ngày lao tù, những mất mát không lấy lại được, là điều không ai mong muốn, người đấu tranh càng không:
Không có người đấu tranh nào mà đặt ra mục tiêu đấu tranh để đoạt giải thưởng. Chưa ai như thế và sau này cũng vậy. - Tạ Phong Tần
“Không có người đấu tranh nào mà đặt ra mục tiêu đấu tranh để đoạt giải thưởng. Chưa ai như thế và sau này cũng vậy. Khi người ta đấu tranh không vì một lý tưởng, không vì một chân lý, chỉ vì quyền lợi riêng, chạy theo danh vọng, thì một ngày nào họ gặp khó khăn, nhất là sự khủng bố của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì sẽ đầu hàng ngay lập tức.”
Nếu chính quyền Việt Nam kết án tù giam Mẹ Nấm do những gì cô đã làm, thì chính những điều đó đã mang đến cho cô Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm. Mặc dù thế, Tạ Phong Tần nhận định rằng chính quyền Việt Nam sẽ không cảm thấy lo sợ, nhưng:
“Họ có thể hiểu rằng cả thế giới đang nhìn vào họ. Bây giờ tình hình Việt Nam đang bị khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, chính trị, tất cả mọi mặt. Họ đang muốn bấu víu vào thế giới văn minh. Nếu họ bị Mỹ hay các nước liên minh Châu Âu cấm vận hay những biện pháp chế tài khác thì đó là một việc hết sức khó khăn trong con đường tìm kiếm tiếp tục tồn tại.”
Không ai biết khi nào thì Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ được cầm trên tay giải thưởng vinh quang Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017, nhưng qua những gì cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, cũng như những gì mẹ của Quỳnh đã chia sẻ, thì nếu cô được sống trong một xã hội tự do có nhân quyền dân chủ, cô sẽ không là người được xướng tên trong buổi lễ vinh danh.
Source: RFA