Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật ký Yêu nước) |
VOA - Công an tỉnh Hà Tĩnh hôm 12/4 quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật” liên quan đến một cuộc biểu tình ở một xã thuộc huyện Lộc Hà, do người dân bức xúc về vấn đề đền bù sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, thuộc Phong trào Lao động Việt, nói với VOA hôm 13/4 rằng quyết định khởi tố không khác nào là đổ thêm dầu vào lửa.
Nếu mà họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, thì sẽ dấy lên một làn sóng căm phẫn của người dân tại vì người dân họ rất bức xúc. Cái việc họ lên bao vây trụ sở không phải hành vi vi phạm luật mà là hành vi đi đòi quyền lợi rất chính đáng. Đấy là việc cần thiết của người dân lúc bấy giờ. Họ lên đối thoại chứ không đập phá. Nếu họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, đó là sai lầm nghiêm trọng, giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa, không giải quyết được sự việc, càng làm sự việc căng thẳng thêm . Ông Hoàng Đức Bình, Phong trào Lao động ViệtVụ việc xảy ra hồi đầu tháng, khi người dân ở xã Thạch Bằng và Thạch Kim cáo buộc công an hành hung các thanh niên địa phương và một số nhà hoạt động vào đêm 2/4, công an còn bị cáo buộc đã nổ súng. Ngày 3/4, hàng nghìn người dân của hai xã này đã kéo đến trụ sở chính quyền huyện Lộc Hà để phản đối vụ đánh đập, đồng thời tiếp tục đòi đền bù thỏa đáng sau vụ ô nhiễm bị quy trách cho công ty Formosa.
Khi người dân tràn vào trụ sở, các quan chức và nhân viên ở đó đã rời đi. Những người biểu tình ở lại trong trụ sở cho đến chiều. Họ chỉ giải tán khi đại diện chính quyền hứa sẽ đối thoại với dân về các vấn đề họ nêu ra, kể cả tìm người chịu trách nhiệm về vụ đánh đập và nổ súng đêm 2/4.
Trong khi đó, từ góc độ của chính quyền, công an ra quyết định khởi tố vì cho rằng cuộc biểu tình đã gây “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến tình hình “an ninh chính trị, trật tự xã hội” và có dấu hiệu “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Phản ứng về quyết định này, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, một trong những người bị đánh hôm 2/4 và cũng tham gia biểu tình hôm 3/4, nói với VOA:
“Đây là quyết định sai lầm của chính quyền tại vì lúc đầu họ đứng ra thương thuyết, hứa với dân là họ sẽ đền bù và lắng nghe ý kiến của dân, mà không ngờ là sau một thời gian rất là ngắn, họ đã quay lưng lại lật mặt lại với lời hứa và cam kết ban đầu. Nếu mà họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, thì sẽ dấy lên một làn sóng căm phẫn của người dân tại vì người dân họ rất bức xúc. Cái việc họ lên bao vây trụ sở không phải hành vi vi phạm luật mà là hành vi đi đòi quyền lợi rất chính đáng. Đấy là việc cần thiết của người dân lúc bấy giờ. Họ lên đối thoại chứ không đập phá. Nếu họ [công an] bắt người ở vùng Lộc Hà, đó là sai lầm nghiêm trọng, giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa, không giải quyết được sự việc, càng làm sự việc căng thẳng thêm”.
Đây không phải lần đầu nhà chức trách Việt Nam khởi tố những người biểu tình chống chính quyền.
Sau khi tin tức về việc khởi tố vụ Lộc Hà xuất hiện trên báo chí nhà nước, trên mạng xã hội, các nhà hoạt động và nhiều người khác chỉ trích việc Việt Nam nhiều năm nay đã trì hoãn thảo luận và thông qua luật về biểu tình, vốn là một quyền công dân được khẳng định trong Hiến pháp. Họ nói do không có luật nên người dân luôn gặp bất lợi khi thực hiện các hoạt động phản kháng ôn hòa, trong khi chính quyền dễ dàng khép dân vào tội gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Nhà hoạt động Hoàng Bình đưa ra ý kiến:
“Họ nợ người dân một luật biểu tình. Quyền hiến định quy định rất rõ ràng là người dân có quyền tự do biểu tình. Rõ ràng đấy là cái lỗi thuộc về họ, mà họ lại đưa ra một nghị định của chính phủ để xử lý người dân về quyền biểu tình là rất vô lý. Họ luôn luôn nói rằng người dân tụ tập gây mất trật tự công cộng, rõ ràng đấy là cái chuyện hết sức là vô lý. Trong khi quyền hiến định đã ghi rõ rồi. Thế mà họ cứ lập lờ lập lờ, không ra luật mà còn nợ dân một luật về biểu tình. Họ để trống luật biểu tình để mà chụp người dân vào việc tụ tập gây rối mất trật tự”.
Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa gây thảm họa ô nhiễm môi trường. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa.
Những ngày gần đây, có dấu hiệu cho thấy chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đáp trả những cuộc biểu tình của dân. Trước khi Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ Lộc Hà, hôm 10/4, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung.
Trước đó, hôm 9/4, công an thị xã Kỳ Anh, cũng ở Hà Tĩnh, đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” đối với vụ dân biểu tình chặn quốc lộ hôm 3/4.
Source: VOA