Nhật Anh - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân vừa được đưa lên giữ chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM thay cho ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cách chức.
Một hội nghị trao quyết định bổ nhiệm vừa diễn ra vào sáng ngày 10/5/2017 tại trụ sở thành uỷ TP.HCM, với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội và ông Phạm Minh Chính – Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng.
Cũng tại hội nghị, ông Đinh La Thăng chính thức nói lời chia tay với chiếc ghế Bí thư Thành uỷ TP.HCM chỉ sau 15 tháng nhậm chức. Theo quyết định của bộ chính trị, ông Thăng bị điều chuyển ra Hà Nội giữ chức phó Ban Kinh tế Trung ương.
Đinh La Thăng xin lỗi Tổng bí thư
Cuộc chuyển giao quyền lực tại Thành Hồ diễn ra trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 5 đầy căng thẳng.
Phát biểu trước khi chia tay, ông Thăng cho biết ông đã gửi lời xin lỗi đến đảng và cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
“Quyết định thi hành kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với tôi là có lý có tình”, vị cựu Bí thư Thành uỷ TP.HCM nói.
Phát biểu trên cho thấy Đinh La Thăng đã phải chấp nhận đầu hàng trước Nguyễn Phú Trọng, đổi lại là việc ông ta không bị truy tố hình sự về khoản thất thoát 9 tỷ đô-la Mỹ xảy ra tại PVN khi còn đương chức.
Ông Đinh La Thăng bị điều chuyển ra Hà Nội làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Tuổi Trẻ
Dù đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức Bí thư Thành uỷ, nhưng ông Thăng vẫn còn là Uỷ viên Trung ương đảng và là Đại biểu Quốc hội. Điều này giúp ông ta trở thành “bất khả xâm phạm” đối với ý định điều tra của các cơ quan hành pháp.
Trái với kết cục bi đát của vị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc kỷ luật nhẹ hều đối với Đinh La Thăng so với những vi phạm được đánh giá là “rất nghiêm trọng” tại PVN cho thấy ông này đã chấp nhận khuất phục và có sự đổi chác với Nguyễn Phú Trọng.
Việc đưa Đinh La Thăng về Hà Nội làm Phó Ban kinh tế Trung ương cũng là một nước cờ cao tay của ông Trọng. Bởi ai cũng biết, nhân vật tiếp theo trong danh sách thanh trừng của ông Tổng bí thư chính là cấp trên của ông Thăng – tức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Kịch bản dùng Đinh La Thăng để đấu tố nốt những thế lực còn lại trong phe Nguyễn Tấn Dũng sẽ sớm xảy ra trong một tương lai rất gần. Vụ đào tẩu bất thành của Vũ Huy Hoàng là biểu hiện rõ rệt nhất mà người ta đã chứng kiến.
Thăng giáng, Phóng bay
Gần cuối Hội nghị Trung ương 5, những thay đổi ở phút 89 đã gây tác động đến công tác nhân sự cho chức Bí thư Thành Hồ - một đảng bộ luôn bị coi là bất trị đối với trung ương.
Trái với những lời đồn đoán ban đầu, nhân vật được lựa chọn tiếp quản chiếc ghế Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã không nằm trong tính toán nhân sự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với tiêu chí phải là người miền Bắc có lý luận, ông Trọng muốn thay thế ông Thăng bằng Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng – người bị ông Trọng mang đích danh làm trò cười khi tại đại hội 12: “Đấy bà con xem có oai vệ không? Đàng hoàng ngang ngửa ra quốc tế đấy chứ. Vừa nữ, vừa dân tộc”.
Đối với ông Trọng, việc đưa một người dễ sai bảo như bà Phóng vào làm Bí thư Thành Hồ cũng là thủ đoạn dễ bề cai trị, đồng thời cũng để làm nhục phe cánh cộng sản miền Nam – những kẻ vốn thực dụng và chịu ảnh hưởng thân Mỹ của Nguyễn Tấn Dũng.
Do đặc thù là thành phố đứng đầu về kinh tế trên cả nước, trở thành người đứng đầu Thành Hồ đồng nghĩa với việc nắm luôn ngân sách của đảng, do đó các phe tranh giành quyết liệt. Phe Trần Đại Quang đề cử Tô Lâm, “bố già” Trương Tấn Sang thì lại muốn Trương Hoà Bình, trùm tài phiệt Lê Thanh Hải tha thiết đưa Võ Văn Thưởng về lại Thành Hồ… Không ai chịu ai, thậm chí coi khinh cả uy lệnh của Tổng bí thư đang say men chiến thắng.
Do đó, việc Tòng Thị Phóng rớt đài phút chót cho thấy Hội nghị Trung ương 5 vẫn chưa là một chiến thắng trọn vẹn cho những toan tính quyền lực của ông Trọng. Phương án Nguyễn Thiện Nhân về làm Bí thư Thành Hồ là một kết quả từ sự thoả hiệp, mặc cả giữa các bên.
Điều này phản ánh rõ qua lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi chuyển giao quyền lực: “Bộ Chính trị đã họp và bàn các phương án, sau đó thống nhất 100% phân công ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP.HCM”.
Thậm chí, ngay cả đến những đối thủ của vị bí thư vừa bị phế truất Đinh La Thăng cũng không mấy vui vẻ gì với kết quả này, trong đó, “bố già” Trương Tấn Sang cùng những tay viết thuê có lẽ sẽ là những người thất vọng nhiều nhất.
Đào tạo tại Mỹ
Sau quyết định đưa Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM, xuất hiện một số ý kiến kỳ vọng rằng gương mặt mới này sẽ mang lại khởi sắc cho Sài Gòn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một sự hy vọng hão huyền của những ai còn ảo tưởng về cộng sản.
Trong hơn 11 năm giữ nhiều chức vụ trong trung ương, ấn tượng duy nhất mà ông Nhân để lại chỉ là hình ảnh một Uỷ viên Bộ chính trị đầu tiên được học hành từ Mỹ và có thể nói được tiếng Anh.
Tuy vậy, ông không phải là một nhà lãnh đạo kỹ trị như nhiều người mong đợi. Ông Nhân có học hàm là giáo sư kinh tế và từng công tác ở nhiều lãnh vực như: văn hoá, kinh tế, giáo dục, chính trị…, nhưng ông đã không mang lại bất cứ thành quả nào trong vai trò là người đứng đầu.
Thậm chí, năm 2013, ông Nguyễn Thiện Nhân bất ngờ được chen chân, bổ sung vào cơ quan quyền lực nhất trong chế độ là Bộ Chính trị. Thế nhưng sau đó, ông cũng chỉ biết an phận với chức danh Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi ấy, nhiều người kiến nghị để ông Nhân vào vị trí hữu danh vô thực như thế là “phí phạm nhân tài”, tuy nhiên, ông không có tài như nhiều người vẫn lầm tưởng khi chỉ có cái nhìn chủ quan qua bằng cấp, học vị của ông. Thậm chí, nếu có tài thực sự đi chăng nữa, thì những kiến thức học bên Mỹ của ông Nhân cũng sẽ bị chế độ quy chụp là thành phần “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Nói một cách thẳng thắn, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân không có khả năng làm chính trị. Ông thiếu những tố chất cần thiết để làm một người lãnh đạo, không đủ bản lĩnh để thay đổi, ít dũng khí để làm những việc có lợi cho dân.
Nguyễn Thiện Nhân lọt vào Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành uỷ TP.HCM là do gặp thời thế. Bản tính ông ta vốn dĩ an phận, tỏ ra trung dung trong các cuộc chiến phe phái nên sẽ luôn là một lựa chọn tình thế khi các phe nhóm không thể tìm được nói tiếng chung.
Ở tuổi 63, có lẽ ông Nhân sẽ tiếp tục ngồi ghế Bí thư cho đến hết nhiệm kỳ rồi về hưu một cách an phận. Sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào xảy ra, có chăng sẽ vẫn chỉ là những cuộc chiến ngầm trong đảng bộ Thành Hồ ngày càng leo thang do sự nhu nhược của người lãnh đạo.
Những ai còn kỳ vọng về Nguyễn Thiện Nhân cũng sẽ nhanh chóng nhận phải thất vọng ê chề. Bởi lẽ, những ai mang danh là trí thức, được ăn học tử tế mà lại đi theo cộng sản thì quả là người không có cả con tim lẫn trí óc. Đừng tự ngộ nhận để tiếp tục bị lừa như “hiện tượng” Đinh La Thăng xảy ra cách đây mới 15 tháng.
Nhật Anh