Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

“Biệt phủ" rộng 1,3 ha của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái: Khác nào cung vua, phủ chúa ngày xưa!

Khu "biệt phủ" của gia đình giám đốc sở. Ảnh: Báo Thương hiệu và công luận.
Định An - Những ngày qua truyền thông, báo chí, dư luận bàn tán nhiều về thông tin "Biệt phủ" rộng 1,3 ha của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái được đăng tải trên báo đời sống Việt Nam - ông Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Có lẽ từ trước đến nay, với “hàm” giám đốc Sở, cơ ngơi của ông Phạm Sĩ Quý phải xếp vào dạng “kinh khủng” nhất. Bởi vì, nó không phải là biệt thự, dinh thự vài trăm mét vuông như những quan chức khác mà là “biệt phủ” trong khuôn viên rộng 1,3ha: Tọa lạc ở một vị trí đắc địa tại TP. Yên Bái, gồm một ngôi biệt thự thiết kế kiểu giật tam cấp, lưng tựa đồi, nhìn ra hồ nước. Bên cạnh đó là khu nhà sàn rộng chừng 60 m2. Trước mặt “biệt phủ”, có hồ nước chiếm phần lớn diện tích khuôn viên phía trước. Xung quanh hồ nước, có thiết kế phần động đá, trồng cây, hoa, khu nuôi gà cảnh…

Nói thật, thời phong kiến, trừ cung vua, phủ chúa ra thì đến quan nhất phẩm như là thừa tướng, thượng thư cũng không bao giờ có dinh cơ như thế.

Đọc báo mà không thể tin nổi, trong một ngày (20/7/2015) ông Nguyễn Yên Hiền (Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái) ký 6 quyết định liên tiếp nhau để chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Vì đâu có sự vội vả như vậy, nếu ông Quý chỉ là một thường dân thì liệu ông Hiền phó chủ tịch tỉnh có giải quyết nhanh như thế không. Hơn nữa, sự việc xảy ra cách đây gần 2 năm mà đến bây giờ mới phát hiện. Rõ ràng là có sự bao che, đồng lõa. Ở Yên Bái ai đủ khả năng một tay che trời?

Hài ước hơn nữa, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái chỉ nắm được thông tin về khu nhà, đất của gia đình của em trai mình khi báo chí phản ánh? Và bà lập tức có văn bản giao cho UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra. Bà hứa rằng, sau khi kiểm tra có kết quả, tỉnh sẽ có thông tin rõ ràng đến báo chí, dư luận về vấn đề nêu trên.

Chắc chẳng cần đợi cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái kiểm tra, xác minh mọi người cũng đoán được câu trả lời là gì. Vì đã có biết bao nhiêu vụ việc tương tự như thế, cũng làm dậy sóng dư luận, tốn biết bao giấy mực báo chí, dân chúng bất bình nhưng rồi cũng chìm xuống như chưa hề xảy ra. Nhưng chúng ta vẫn phải đợi xem họ nói gì, xem họ diễn trò như thế nào.

Còn về phần ông Quý, ông nói rằng, người đứng tên quyết định sở hữu khu đất này là vợ ông - bà Hoàng Thị Huệ. Khối tài sản trên là do vợ ông kinh doanh mà có. Khu đất cấp cho ông đều hoàn toàn theo đúng trình tự luật định. Nói về giá trị khu đất, ông Quý cho rằng: “Đất là đất đồi, mấy chục triệu một ha… Nhìn thế nhưng không có giá trị lớn lắm. Ở quê nhìn ngôi nhà to thế nhưng chỉ là cái xác chứ giải quyết gì, không bằng 1-2 mét đất chỗ bình thường ở Hà Nội chứ có gì đâu, giá trị chỉ thế thôi”.

Ông Quý còn nói với báo chí: “Bây giờ tôi trả lời ở góc độ cá nhân thì cũng không khánh quan. UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho TP.Yên Bái trả lời rõ nội dung này để cho khách quan”.

Thật chẳng dám tin có sự khách quan ở đây. Thiếu gì cách để người ta lấp liếm, biện hộ. Đến như ông Nguyễn Sỷ Kỷ, phó ban nội chính Đắk Lắk phân trần về nguồn tiền xây biệt thự là do hồi trẻ chạy xe ôm thâu đêm tích góp, rồi cũng xong.

Nhìn lại lịch sử mà thấy đau đớn. Cái thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc, gia đình nào có nhà lớn, ruộng đất nhiều, có người ở là bị quy vào địa chủ và trở thành đối tượng của cuộc cải cách “long trời lở đất”. Kết quả hàng trăm ngàn người đã chết oan uổng chỉ vì họ giàu có hơn những người khác. Không những vậy, con cháu họ ba đời bị ghi vào lý lịch là xuất thân địa chủ và bị phân biệt đối xử.

Công cuộc cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975 ở miền Nam (đánh tư sản) cũng nhằm vào những người giàu có (tư sản). Hàng trăm ngàn người bị quy là vào thành phần tư sản mại bản, họ bị chính quyền cách mạng đuổi khỏi căn nhà của mình, bị đưa đến vùng kinh tế mới và bị phân biệt đối xử mọi lúc mọi nơi. Đã có bao cái chết tức tửi, căm hờn.

Ngày nay, khối kẻ giàu có do tham nhũng, cơ hội, gian lận… nhưng không những không bị trừng phạt mà lại còn được thăng quan tiến chức. Khi về hưu, sống sung túc, ung dung tự tại.

Làm giàu là quyền của con người, nhưng phải làm giàu một cách minh bạch, chính đáng bằng công sức và trí tuệ của mình. Đặc biệt là quan chức. Tại sao không công khai, công bố tài sản của quan chức để người dân được biết mà cứ phải dấu, phải bí mật. Nếu tài sản họ có được là hợp pháp, không khuất tất thì sợ gì dân biết?

Nhà nước không thiếu cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra. Nhưng ở địa phương nào, cấp nào, ngành nào cũng có chuyện cán bộ lãnh đạo giàu có bất thường mà không ai biết. Khi bị phát hiện cũng không giải quyết triệt để được. Nếu bây giờ thanh tra toàn diện một cách công khai, minh bạch thì có lẽ kết quả sẽ khiến nhiều người đứng tim mà chết. Những gì báo chí phản ánh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Khắp nơi đâu đâu cũng nghe khẩu hiệu “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nhưng đó chỉ là khẩu hiệu suông, nói để mị dân. Quan chức ngày nay mấy ai dám khẳng định mình thanh liêm ? Nếu có, chắc chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn những biệt thự, dinh thự, biệt phủ của họ mà thấy thương cho người dân đất nước này; những người dân nghèo khổ đầu tối mặt tắt kiếm ba bữa cơm cũng không đủ no, những đứa trẻ không được đến trường vì cha mẹ không có tiền, những người chịu chết vì không có tiền chữa bệnh, những cô gái bán mình làm dâu xứ người vì gia cảnh quá nghèo….

Định An


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam