Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Chuyện kể nhân ngày của Cha

Tuankhanh - Tôi ghi lại câu chuyện có thật, với bản video dưới đây như một phút suy niệm dành cho những người Cha đang - hay sẽ - đối diện với con cái của mình, mỗi ngày, từ nay và đến về sau.

Câu chuyện diễn ra ở toà án tại Mỹ. Một ông bố ra toà vì tội đậu xe sai chỗ và có thể bị phạt đến 90$.

Bất ngờ, khi phiên toà bắt đầu, cậu bé 5 tuổi - con trai của bị cáo - đột nhiên leo xuống ghế và tiến đến gần chỗ bố cậu đang đứng. Những ai đang có mặt tại phiên toà đều buồn cười. Vị quan toà cũng vậy. Điều đáng yêu là ông đã mời cậu bé lên chỗ của ông để phỏng vấn về tình trạng phạm tội của bố cậu.

Khi vị quan toà hỏi cậu bé, tên là Jacob, rằng nếu cậu chọn lựa mức phạt nào, số tiền 90$ và 30$, hoặc miễn phạt cho bố cậu thì Jacob đã đáp nhanh là nên phạt mức 30$. Mọi người trong phòng xử án đều bật cười.

Vị quan toà với gương mặt phúc hậu cũng bật cười. Và ông hỏi rằng cậu có đồng ý không nếu ông phạt bố cậu bé số tiền 30$ nhưng là dùng số tiền đó đưa cậu đi ăn sáng, Jacob gật đầu. Câu chuyện kết ở đó, có hậu như một cổ tích ở đời thường.

Nhưng điều tôi muốn kể với các bạn ở đây, đó là thái độ của cậu bé về bố của cậu. Khác với những điều mà nền văn học hay giáo dục cũ mòn hay thích thêu dệt về bố hay mẹ của mình như siêu nhân hay tô vẽ như huyền thoại, cậu bé Jacob khi được hỏi bố cậu giỏi nhất là gì, cậu đã trả lời nhanh, không chút do dự rằng "dạ là nấu ăn".

Và ngay khi quan toà hỏi rằng lớn lên, cậu bé ước mình sẽ làm giỏi nhất điều gì, Jacob nói ngay - với sự tự hào thấy rõ về bố mình - rằng cậu cũng sẽ nấu ăn, nhất là pizza, vì bố cậu cũng vậy.

Cuộc sống thật lạ lùng và cảm động, bạn thấy không? Một người bố lương thiện dù chỉ là vô danh cũng có thể làm cho đứa con mình tự hào, trưởng thành và tự tin noi theo về cuộc đời lương thiện của mình mà không màng một ánh hào quang danh lợi xa xôi nào khác.

Tôi tạm gọi đó là cuộc sống tử tế, mà người cha đó đã đối diện với con mình mỗi ngày, rồi giản dị tạo nên một thế hệ tử tế nối tiếp. Bình thường mà cao đẹp đến cảm động.

Tôi viết những dòng này, và nhớ đến những công an viên đang hung ác bạo hành với người dân trong đất nước mình, Việt Nam. Những công an viên đã tàn bạo đạp gãy xương đùi ông Kình ở Đồng Tâm, những công an viên đã giết chết anh Nguyễn Hữu Tấn ở Vĩnh Long hay anh Ngô Chí Tâm ở Thủ Đức... trong những trại tạm giam ngột ngạt sự thật. Dù truyền thông nhà nước có bao biện hay che đậy thế nào, ai ai cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Và quan trọng nhất là chính những thủ phạm đó đều biết rõ họ đã làm gì.

Chắc không ít người trong số công an viên đã là những người cha. Và chắc chắn từng người ấy rồi sẽ có một gia đình và những đứa con mà họ sẽ đối diện mỗi ngày.

Những đứa trẻ ấy sẽ noi theo cha mình điều gì? Dù có giáo dục tốt nhất, có cắt đứt quá khứ... nghiệp chướng vẫn bao vây họ, chồng chất bởi những oán hờn. Mà sự thật thì không bao giờ có thể che giấu mãi mãi.

Chắc không kẻ nào, dù hung ác, lại muốn con mình noi gương, trở thành sát nhân. Nơi những ngôi nhà tưởng chừng vững chắc với quyền thế hay địa vị, không hẳn các người cha ấy sẽ vui mừng khi con cái đối diện với mình, ngày nào đó tuyên bố rằng chúng thích giết người như cha mình. Những ngôi nhà lộng lẫy, được thời chưa chắc rồi đã hạnh phúc khi mầm ác được nuôi dưỡng im lặng, từ chính người Cha của mình.

Trong phần trò chuyện với Jacob, vị quan toà có nhắc về vua Solomon (vua của Israel cổ đại, mất năm 931 trước CN). Đó là một con người khôn ngoan khi luôn chọn một giải pháp trung dung hơn là tự đưa mình về cực của các vấn đề.

Con người, dù là quan toà, thường dân hay công an viên - nếu khôn ngoan - thì luôn phải có những chọn lựa trung dung để không biến mình thành kẻ cùng cực trong hành động hoặc trở thành công cụ điên cuồng vô tri trong tay kẻ khác. Vua Solomon khôn ngoan có để lại lời dạy như vậy cho hậu thế.

Tôi ngừng câu chuyện kể ở đây, hẹn các bạn trong một dịp khác. Xin chúc một ngày của Cha bình an và tốt lành đến mọi nơi. Chúc một ngày lành của Cha đến những gia đình biết chọn lựa và nhận ra tương lai cần phải có cho mình và con cái của mình, là gì.

Tham khảo:


Source: tuankhanh's blog

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam