Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Tại sao chúng ta phải gây quỹ giúp Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc?

Lịch sử thành lập Cao Ủy tị Nạn Liên Hiệp Quốc (CUTNLHQ) 

Sau khi Thế Chiến thứ II kết thúc, hàng triệu người dân tại Âu Châu sau nhiều năm chiến tranh đã lâm vào cảnh bơ vơ nơi xứ lạ quê người, tị nạn rải rác tại khắp các nước ở châu lục này, cần phải được giúp đỡ để hồi hương và tái định cư, làm lại cuộc đời. Do nhu cầu cấp thời đó, vào ngày 14 tháng 12 năm 1950 Liên Hiệp Quốc đã thành lập Cơ Quan Tị Nạn LHQ, tiền thân của CUTN sau này, để phụ trách công tác tái định cư. Thoạt đầu, cơ quan này chỉ có một ngân khoản khiêm nhượng là 300 ngàn Mỹ kim, và dự định là sẽ giải tán sau 3 năm. Thế nhưng những mâu thuẫn và xung đột trên thế giới vẫn cứ liên tục xẩy ra ngày càng nhiều tại khắp nơi trên thế giới, khiến cho việc giải quyết vấn đề người tị nạn trở nên một nhu cầu thường xuyên. Cơ Quan Tị Nạn được đổi tên thành Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và liên tục làm việc giúp đỡ những người tầm trú, lánh cư và tị nạn cho đến ngày nay. 

Từ một ngân khoản rất khiêm nhượng khi khởi đầu là 300 ngàn Mỹ kim, ngày nay mỗi năm CUTNLHQ cần đến gần 7 tỷ Mỹ kim để duy trì hoạt động cho 414 văn phòng tại 125 quốc gia. Lý do là vì con số người tầm trú đã tăng vọt nhiều lần: năm 1980 chỉ có khoảng 7-8 triệu người trên toàn thế giới, đến cuối năm 2015 đã lên tới 65 triệu theo thống kê mới nhất mà CUTN vừa công bố hồi đầu tuần này. 

CUTNLHQ và thuyền nhân Việt Nam 

Sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam VN vào tháng 4/1975, sự cai trị hà khắc, sự trả thù các quân nhân công chức của chế độ cũ bằng cách giam giữ họ trong các trại tù lao cải và những biện pháp bóc lột, cưỡng đoạt tài sản của dân chúng đã dẫn đến những đợt vượt biển, vượt biên ồ ạt của người dân miền Nam, về sau cả ở miền Bắc, liều chết ra biển khơi trong những chiếc thuyền mỏng manh, chỉ mong thoát khỏi ách thống trị của chế độ CS. Thế giới đã dùng từ “thuyền nhân (boat people)” để gọi những làn sóng tị nạn của người Việt này. 

Trong vài năm đầu, các nước Đông Nam Á mà những thuyền nhân sống sót tắp vào bờ như Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan, Sigapore, Hong Kong, Nam Dương…vv đều rất ngần ngại không muốn nhận cho họ tạm cư, bởi vì các nước Tây phương lúc bấy giờ chưa có một thỏa thuận hoặc dàn xếp nào rõ ràng về việc định cư những con người khốn khổ đó, trong khi con số thuyến nhân ngày một gia tăng. Năm 1976 chỉ có 6000 người, đến 1977 con số lên tới 15 ngàn, và tăng gấp 4 lần lên tới 60 ngàn người vào năm 1978. Qua đến 1979 thì số người Việt vượt biển đến được bến bờ của các nước ĐNA đã lên tới khoảng 150 ngàn. Hẳn có người trong chúng ta còn nhớ, nhiều nước như Mã Lai, Thái Lan… lúc bấy giờ đã có chính sách cho tàu hải quân kéo ghe vượt biên mang bỏ ra khơi trở lại, và nhiều ghe đã bị đắm với tổn thất nhân mạng đáng kể. 

Trước tình hình ấy, vào hai ngày 20 và 21 tháng 9 năm 1979, CUTNLHQ đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về Người Tị Nạn Đông Dương (Indochinese Refugees International Conference) tại Geneva, Thụy sĩ, có sự tham dự của 65 quốc gia, để kêu gọi và vận động các quốc gia tạm dung ở ĐNÁ cũng như các nước Tây phương giang tay đón nhận và giúp đỡ thuyền nhân Việt. Kết quả là các nước ĐNÁ chấp nhận cho thuyền nhân tạm trú trong khi chờ đi định cư, và chấm dứt việc kéo ghe vượt biên ra biển. Các nước Tây phương như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, các nước Âu Châu thì hứa nhận cho định cư các thuyền nhân trong thời gian sớm nhất, với sự cộng tác giúp đỡ làm thủ tục của CUTNLHQ. Chính là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của CUTNLHQ mà người Việt tị nạn chúng ta thời đó được tạm cư ở các trại tị nạn ĐNÁ với lương thực và các phương tiện giáo dục, y tế…vv do CUTN cung cấp, rồi sau đó được phỏng vấn bởi các phái đoàn phương Tây và sau cùng được nhận định cư, xây dựng lại cuộc đời. Công ơn ấy của CUTNLHQ , chúng ta không thể quên, và không được phép quên! 

Từ năm 1975 cho đến năm 1997, tổng cộng có 750 ngàn người tị nạn Việt đã được CUTN giúp đi định cư tại các nước Tây phương, trong đó hơn 100 ngàn đã định cư tại Úc. Trong những năm cao điểm của người Việt tị nạn (1979-1990), mỗi năm CUTN phải chi ra trên 500 triệu Mỹ kim để trang trải chi phí cho các trại tị nạn và các thủ tục hành chánh giúp thuyền nhân định cư. Có nghĩa rằng nhiều tỷ Mỹ kim CUTN đã phải chi ra để lo cho thuyền nhân Việt, trong đó có chúng ta! 

Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn! 

Truyền thống văn hóa của dân tộc Việt có một điểm rất đặc sắc và đáng quí, đó là tinh thần ơn đền nghĩa trả, không bao giờ quên những điều tốt mà người khác đã làm cho ta, và sốt sắng trả ơn khi có cơ hội. Đó chính là lý do mà cộng đồng chúng ta ở Úc châu phát động chiến dịch quyên góp giúp CUTN vào lúc này, gần với thời điểm của Ngày Thuyền Nhân Quốc Tế. Các cựu thuyền nhân chịu ơn CUTN đã đành, những người Việt di dân sang Úc theo diện bảo lãnh, kết hôn…vv cũng gián tiếp thọ ơn CUTN, vì nếu không có những thuyền nhân định cư tại xứ này thì họ cũng không có cơ hội được nhận vào sống tại đây! 

Ở NSW, chúng tôi rất phấn khởi trước sự hưởng ứng nồng nhiệt của đồng hương đối với chiến dịch gây quỹ này: 800 vé của buổi Dạ Tiệc tối ngày Thứ Sáu 08 tháng 7 vừa phân phối ra đã bán sạch chỉ trong vòng hai tuần lễ! Nhiều đồng hương biết tin đã tự động đến văn phòng của tôi đóng góp, tổng số tiền đã lên tới nhiều ngàn Úc kim. Buổi radiothon do 2VNR phối hợp với CĐ tổ chức tối ngày Thứ Sáu 17 tháng 6 vừa qua cũng rất thành công, số tiền hứa đóng góp lên tới vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, CĐ sẽ tổ chức xuống đường tại Cabramatta vào 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy 25 tháng 6 để quảng bá chiến dịch gây quỹ và nhận đóng góp, xin đồng hương hưởng ứng đông đảo. 

Đồng hương ở vùng Marrickville cũng có thể đến đóng góp trực tiếp tại Phòng mạch của BS Nguyễn Văn Vinh, ở Bankstown thì đến Phòng mạch của BS Vũ Ngọc Tấn, và ở Cabramatta xin đến Phòng mạch của BS Nguyễn Mạnh Tiến. Mọi đóng góp trên $2.00 đều sẽ được CUTN tại Úc gửi biên lai chính thức đến cho quí vị để được khấu trừ thuế. Quí đồng hương cũng có thể bỏ tiền thẳng vào trương mục mà CĐ mở riêng cho chiến dịch quyên góp cho CUTN này, với những chi tiết sau: 

Nhà băng Commonwealth – BSB: 062 130 

Account name: VCA/NSW/UNHCR Project 

Account number: 1119 4356 

Sau đó xin gửi cuống deposit cùng tên và địa chỉ của quí vị về cho chúng tôi (Dr Nguyen – PO Box 606 – Cabramatta NSW 2166) để chúng tôi đưa vào danh sách giao cho CUTN. 

Theo chỗ chúng tôi biết, Hội Bạn Thiện Nguyện Tây Úc tại Perth cũng sẽ tổ chức một buổi tiệc gây quỹ cho CUTN vào ngày Chủ Nhật 17/7. Tại tiểu bang Queensland, CĐNVTD phối hợp cùng Hội Y Tế QLD sẽ tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ vào cuối tháng 7 và tháng 8. Các tiểu bang Nam Úc và Victoria cũng đang nghiên cứu để thực hiện những hoạt động gây quỹ tương tự. 

Chúng tôi tha thiết kêu gọi mọi đồng hương ở khắp nơi trên nước Úc hãy mở rộng lòng, nhiệt tình đóng góp vào chiến dịch quyên góp này để sau cùng, chúng ta có được một số tiền đáng kể trao cho CUTN như một biểu tượng của lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân của người tị nạn Việt. 

Kết luận 

CĐ chúng ta tại Úc châu này hy vọng sẽ kiếm được tổng cộng vài trăm ngàn Úc kim trong chiến dịch toàn quốc gây quỹ cho CUTN đang phát động. Vẫn biết rằng, so với chi phí hàng năm nhiều tỷ Mỹ kim của CUTN, số tiền chúng ta đóng góp chỉ như muối bỏ biển! Tuy nhiên, nghĩa cử này của chúng ta mang một ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng, đó là thể hiện lòng biết ơn đồng thời chia sẻ phần nào gánh nặng của CUTN: ngày xưa quí vị đã giúp chúng tôi trong những tháng ngày khốn khổ tuyệt vọng, thì ngày nay chúng tôi xin đóng góp chút công chút của, phụ một tay để quí vị tiếp tục thiên chức cao đẹp xưa nay, đó là giúp đỡ những người tầm trú, lánh cư, tị nạn trên thế giới, hiện đang lâm cảnh khốn cùng y hệt như chúng tôi ngày xưa. 

Chúng tôi cũng hy vọng rằng công tác từ thiện này của CĐ Úc châu sẽ gây được tiếng vang, khiến các CĐ người Việt ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Âu châu… sẽ thực hiện những hoạt động tương tự để làm rạng danh văn hóa Việt trên trường quốc tế, nêu caoi truyền thống tốt đẹp “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ người đào giếng” của ông cha ta. 

BS Nguyễn Mạnh Tiến

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam