Tuankhanh - Chứng kiến nhiều trận lũ lụt tang thương nơi xứ Việt, tôi vẫn hay tự nhắc mình phải viết một bài hát nào đó về những điều đã thấy, về những sinh linh đã tận. Ca hát thì chẳng để làm gì. Nhưng tôi mong mình cất lên được tiếng lòng như bài văn tế nhỏ cho những người cùng màu da, tiếng nói trên quê hương mình hôm nay, sao vẫn mang đầy khổ nạn. Có thể tôi chỉ hát khe khẽ thôi, vừa đủ cho những linh hồn oan khiên về quanh được chút ấm lòng.
Thế nhưng, nhiều năm trôi qua. Lũ lụt hết lần này đến lần khác. Mạng người lại vẫn chìm sâu. Tôi lại chất chồng trong ký ức của mình về ruộng vườn tan hoang, những tiếng khóc trôi dạt buồn tủi, và biết rằng mình sẽ không viết nổi một bài hát như vậy, mà chỉ còn im lặng. Sự im lặng khó tả nằm hoài trên trang giấy và suy nghĩ, như khoảng vô thanh điên loạn giữa rầm rộ ngôn từ.
Thống kê tạm của đài VOV trong ngày 15/10/2017, nói rằng đã có 60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Bên cạnh đó còn 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp, hàng chục ngàn gia súc, gia cầm chết ngập. Tháng trước, bão số 10 cũng làm 125 người chết và mất tích, thiệt hại tài vật cũng vô số.
Những con số thì vô hồn. Những nếu chỉ một lần nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ co ro trần truồng chìm trong nước, bà cụ với đôi tay giơ lên như muốn níu lại phút giây sau cùng, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận khoảng lặng trong lòng mình. Khoảng lặng nhắc chúng ta cũng là con người, và phải biết xót xa cho đồng loại.
Thủ tướng Phúc nói rằng “Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây”. Nghe mà rưng rưng cho phận làm người Việt. Phải thắp bao nhiêu nén hương cho những người vừa chết đêm qua? Bao nhiêu hương thì mới ấm lại thịt da đã xanh tím của đứa bé giữa rong rêu? Bao nhiêu hương thì tiễn được nỗi niềm của cụ già khỏi dòng tức tưởi? Lời thủ tướng Phúc nói, vào ngày 14/10, cũng là những ngày tìm thấy từng xác người lây lất. Không nghe ông nghe nói gì về nạn nhân thiên tai và nhân tai, chỉ nghe ông nói bái lạy và vàng.
Ngày 13/10, đáp lại lời hò reo xúc động của cử tri về sức khỏe của mình, ông Trần Đại Quang cũng không nói gì về thảm nạn đang diễn ra suốt nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, mà chỉ nhấn mạnh về thông tin xấu độc trên mạng. Không biết có liên quan gì, mà đến 15/10, các trang facebook đưa hình ảnh và thông tin đáng lưu ý về thiên tai lũ và nhân tai lụt đột nhiên đồng loạt khóa bài, ẩn các hình ảnh đã đăng, đồng bộ với các bản tin báo nhà nước hết sức chừng mực và tiết kiệm hình ảnh thực tế.
Nơi của ông thủ tướng và chủ tịch thật náo nhiệt. Điều đó thật tương phản khi tôi nhìn vào tấm hình người phụ nữ ngồi thắp một nén nhang vào hư vô. Gương mặt của chị ẩn trong đó ngàn bài ca mà tôi không viết nổi thành lời. Nén hương ân cần gửi vào gió, hát vào khốn cùng mà chỉ có những trái tim Việt Nam còn đủ nhân tính mới chia sớt cùng những số phận Việt Nam.
Cuộc sống hôm nay như một sân khấu hai mặt. Một mặt trình diễn những dị thường và một mặt giới thiệu từng giờ phút của đời thường. Mà phần dị thường, có cả tiếng các quan chức thời tiết, thủy điện… luôn phủi tay và nói mọi thứ đã đúng quy trình, đẩy phần còn lại là may rủi của nhân dân. Loại quy trình thô bỉ ấy vẫn diễn ra hết năm này qua năm khác không hề có kế hoạch đổi thay nào tốt hơn cho đời sống dân lành. Nhưng phần các quan chức thì luôn biết cách dời xa, dời cao để không cùng chung số phận với nhân dân.
Cứ sau những thảm họa, nghe các ngôn từ chải chuốt ngụy biện và lẩn tránh trách nhiệm của họ, không khỏi buồn nôn. Loại ngôn từ trá ngụy mà W. Shakespeare từng mô tả “khi cần thì bọn ác quỷ có thể dùng cả kinh thánh để biện minh cho hành động của chúng”.
Thật khó biết còn bao nhiêu người phải chết trong nước lũ từ đây về sau. Và cũng thật nhục nhã cho một quốc gia luôn huênh hoang về bước đại phát triển 4.0 nhưng hàng năm vẫn phải tế sống dân mình cho nước dữ như thời man rợ.
Tôi xếp trang giấy trắng, xếp lại bài hát mà mình ôm ấp. Tôi cũng không nói gì được về những gì mình đã thấy, đã nghe. Không gian đã quá chật chội với những âm thanh chúc tụng và ca ngợi. Tôi chỉ còn đủ sức giữ lại cho mình sự im lặng. Loại im lặng như M. Heidegger từng mô tả rằng “Sự im lặng như sấm sét còn gây nên chấn động cho tâm thức còn hơn cả tiếng sấm sét trong cõi im lặng”.
Một ngày nào đó, nếu bạn cũng cùng im lặng với tôi trong ít phút giây, có thể chúng ta sẽ cùng nhận ra đất nước và con người Việt Nam đang huyên náo trên những nỗi đau như thế nào.
(*) tựa một tác phẩm của Phạm Công Thiện.