Luật sư Đào Tăng Dực - Trước nhiều diễn biến gần đây tại Việt Nam và trong thời đại thặng dư tin học toàn cầu, nhiều người Việt trong nước lẫn hải ngoại băn khoăn tự hỏi:
1. Tại sao nhà cầm quyền CSVN vẫn đứng vững trong vị trí cai trị mặc dầu tham nhũng ngày một tệ hại, kinh tế lụn bại so với các quốc gia láng giềng, mất chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải cho cường quyền Trung Quốc và những viên chức hành xử quyền hành hoàn toàn vô trách nhiệm, gây tang tóc, chết chóc và đau thương cho toàn dân?
2. Trong khi thảm họa mội trường Formosa tại miền trung đang diễn ra thì TBT đảng CSVN không thèm đoái hoài tới dân nghèo, mà trái lại tươi cười tay bắt mặt mừng với lãnh đạo của tập đoàn Formosa. Sau đó Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc lại qua mặt mọi thủ tục pháp lý, đơn phương ký kết thỏa ước với tập đoàn Formosa, nhận giá bồi thường rẻ như bèo là $500 triệu mỹ kim, thay vì hằng chục hoặc trăm tỷ bồi thường cho quyền lợi của dân tộc? Tại sao viên chức CSVN “xả lũ đúng quy trình”, giết hại cả trăm người dân vô tội và gây vô vàn thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho dân chúng mà vẫn không một lời hối lỗi, không một ủy ban điều tra, không một thủ tục pháp lý nào cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân, trừng phạt kẻ có lỗi hoặc bồi thường thiệt hại?
Trả lời vấn nạn thứ nhất có vẻ đơn giản.
Lý do là vì đảng CSVN là một trong những đảng cộng sản hiếm hoi còn lại của nhân loại, phát xuất từ hệ thống Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin, vận hành theo nguyên tắc Tập Trung Dân Chủ (democratic centralism), cướp chính quyền và duy trì chính quyền bằng bạo lực của quân đội và công an, hoàn toàn không cần sự ủng hộ của toàn dân và họ được huấn luyện trong trường đảng rằng bao lâu quân đội và công an còn trung thành với đảng thì đảng sẽ muôn năm trường trị.
Tuy nhiên trả lời cho vấn nạn thứ hai thì tương đối phức tạp hơn.
Muốn nắm bắt toàn diện nguyên do, chúng ta phải ý thức sâu sắc hai khái niệm mà người cộng sản thường khoe khoang. Đó là “văn hóa cộng sản” và “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên một cách đơn giản và dễ hiểu hơn thì người cộng sản vô lương tâm như thế vì văn hóa cộng sản và pháp chế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn vắng bóng một khái niệm rường cột của nền dân chủ pháp trị: đó là khái niệm “duty of care”.
Tôi suy nghĩ nhiều ngày và nhiều tuần cũng không thể tìm được một khái niệm tương tự trong văn hóa và luật pháp của Việt Nam ngày nay để chuyển dịch. Một cách tổng quát thì có thể hiểu “duty of care” là “trách nhiệm cẩn trọng” trong mọi tác động của một cá nhân trong xã hội (văn hóa), nhất là khi cá nhân đó giữ một trọng trách luật định (luật pháp), để tránh thiệt hại cho tha nhân.
Khái niệm duty of care này là một trong những khái niệm rường cột của hệ thống luật pháp tại các quốc gia theo Common Law như Vương Quốc Thống Nhất Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan… và khái niệm này cũng được du nhập vào hệ thống Civil Law của lục địa Âu Châu qua ý niệm devoir de vigilance của Pháp chẳng hạn.
Tại Úc Đại Lợi, theo Law Handbook 2017, thì duty of care được định nghĩa như “một trách nhiệm, được luật pháp công nhận, phải tránh những hành vi hàm chứa nhiều hiểm nguy quá mức cho tha nhân” (Duty of care can be defined as “an obligation, recognised by law, to avoid conduct fraught with unreasonable risk of danger to others”) (www. lawhandbook.org.au)
Cuốn hanhbook này cũng cho biết:
“Không có một công thức nhất định nào để phân định một trách nhiệm cẩn trọng giữa người và người. Tuy nhiên, phiên xử nổi tiếng Donoghue v Stevenson [1932] AC 562 xác định hai yếu tố có thể hình thành một trách nhiệm cẩn trọng như sau:
1. Khả năng tiên đoán hợp lý (reasonable foreseeability) và
2. Sự gần gũi (proximity).
Nếu kẻ làm sai ý thức rằng, hoặc đáng lẽ phải ý thức rằng, hành động hoặc khiếm khuyết hành động của mình có thể gây thương tích hoặc thiệt hại quyền lợi pháp lý của một người khác khi người này không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình, thì đã có một tương quan gần gũi khởi sinh một trách nhiệm cẩn trọng. Trách nhiệm cẩn trọng là một vấn đề luật và có thể bị bác bỏ trên căn bản công chính(public policy) (ví dụ nếu tòa án thẩm định rằng sự hiện hữu của trách nhiệm cẩn trọng là không công bằng trong trường hợp này)”
Thật ra mọi luật pháp tại các quốc gia trên thế giới đều phát xuất từ những bản giá trị đạo đức phổ thông nhất của xã hội và những nền văn minh lớn của nhân loại đều có những bản giá trị vị tha tương tự. Nền Văn Hóa La-Hy Thiên Chúa Giáo tại tây phương, nền Văn Hóa Tam Giáo (Phật Lão Khổng) tại Đông Á, Nền Văn Hóa Hồi Giáo tại Trung Đông và Bắc Phi và nền Văn Hóa Bà La Môn tại Ấn Độ.
Một khi ý niệm duty of care được hình thành thì sẽ có hai hệ lụy quan trọng liên hệ trong nền pháp lý của một quốc gia. Đó là các ý niệm về negligence (cẩu thả, khinh xuất) bao gồm civil negligence (hộ hoặc dân luật) đưa đến bồi thường thiệt hại (damages) như một hình phạt và criminal negligence (tội khinh xuất) là một trọng tội hình luật có thể đưa đến giam cầm. Tội này thông thường là kết quả của một hành vi hoàn toàn lạnh nhạt hoặc khinh thường tính mạng hoặc sự an nguy của tha nhân.
Mỗi nền văn hóa trưởng thành hầu các khái niệm đạo đức có thể được chuyển hóa thành những căn bản pháp lý như thế cần phải ít nhất cả ngàn năm mới hình thành.
Tinh thần vị tha của các nền văn hóa này, tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia có thể được luật hóa qua luật dân gian (tức truyền thống bất thành văn hoặc qua các phiên xử của các tòa án như Common Law của Anh Quốc), hoặc được các quốc hội thông qua trong các sắc luật (statute laws) hoặc được khắc ghi vào các bản hiến pháp để trở thành nền tảng của trật tự xã hội (hiến định hóa).
Sự vùng lên vũ bão của ý thức hệ giáo điều Mác- Lê vào đầu thế kỷ 20, dưới sự điều hướng của phong trào Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và sự tàn lụn tương đối nhanh chóng trong vòng 70 năm của ý thức hệ này tại Liên Xô, Đông Âu, đã hủy diệt tinh thần vị tha của các nền văn hóa truyền thống và thay thế bằng cái mà các đảng cộng sản gọi một cách mơ hồ là “văn hóa cộng sản”.
Tuy nhiên, cũng như bất cứ một nền văn hóa nào của nhân loại, nền văn hóa cộng sản cũng cần phải cả ngàn năm mới hình thành. Rất tiếc là đại khối các đảng cộng sản trên thế giới đã tiêu vong chỉ sau 70 năm cầm quyền và sự sống còn của các đảng CS còn lại trên thế giới cũng rất mong manh.
Trong khi đó, sự tàn phá của họ đối với các nền văn hóa truyền thống vô cùng lớn lao, hiện thực và di họa vô cùng. Một trong những hậu quả của cơn cuồng phong ý thức hệ Mác Lê tại Việt Nam là sự tận diệt mọi bản giá trị đạo đức truyền thống như nhân nghĩa lễ trí tín (Nho Giáo), từ bi và trí tuệ (Phật Giáo), lòng bác ái vị tha (Thiên Chúa Giáo)…Tác động hủy diệt nhưng không thay thế được bằng một bản giá trị đạo đức cao cả hơn đưa đến sự vắng bóng toàn diện ý niệm duty of care trong văn hóa cộng sản Việt Nam hiện đại.
Thêm vào đó, thái sư phụ của ý thức hệ Mác Lê là Lê Nin luôn nuôi dưỡng một lòng khinh bỉ tận cùng mọi giá trị đạo đức tiểu tư sản (bourgeois) và chữ tín của tiểu tư sản đối với ông chỉ là rác rưởi. Chính vì thế các chế độ cộng sản sẵn sàng gạt gẫm trắng trợn nhân dân mà không hề cảm thấy lương tâm có vấn nạn.
Chẳng hạn khi cần thiết họ có thể hiến định hóa Tam Quyền Phân Lập trên hình thức (gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp), nhưng cùng một lượt họ cũng hiến định hóa điều 4 hiến pháp (giữ độc quyền cho đảng), không cho phép tư pháp độc lập và hiến định hóa nguyên tắc tập trung dân chủ. Kết quả là tam quyền phân lập chỉ hiện diện trên hình thức nhưng hoàn toàn vắng bóng trong thực chất.
Tôi không phải một luật sư hành nghề tại Việt Nam nhưng cũng mường tượng rằng, trong hệ thống luật pháp, các bộ luật CSVN cũng có thể có các hình thức khác nhau liên hệ đến trách nhiệm cẩn trọng, tội cẩu thả như tội vô ý làm chết người theo điều 128 BLHS 2015… vì họ sẵn sàng đánh cắp hình thức của các luật lệ tây phương, nhưng các viên chức trách nhiệm, muốn sống còn, phải hoàn toàn tuân thủ chỉ thị của cấp trên theo tinh thần đảng trị và nguyên tắc dân chủ tập trung.
Hậu quả là nền văn hóa lẫn pháp lý CSVN, trong thực chất, hoàn toàn vắng bóng ý niệm duty of care.
Hậu quả trước mắt của sự vắng bóng duty of care mà toàn dân chứng kiến là:
1. Xả lũ thủy điện Hố Hô cuối năm 2016 và xả lũ thủy điện Hòa Bình mới đây gây thiệt hại tài sản lớn lao và hằng trăm người mất mạng, trong đó có nhiều em bé và phụ nữ cơ thể lõa lồ mà những viên chức CSVN trách nhiệm vẫn có thể khôi hài tuyên bố “xả lũ đúng quy trình” trên sự đau khổ của nhân dân.
2. Không một viên chức trách nhiệm nào bị điều tra, truy cứu và truy tố về civil negligence hoặc criminal negligence và dĩ nhiên không có nạn nhân nào được bồi thường thiệt hại tài sản hoặc nhân mạng
3. Trên bình diện cao hơn là chủ quyền quốc gia dân tộc, những kẻ chịu trách nhiệm trong Bộ Chính Trị đảng CSVN, chưa có kẻ nào bị truy tố về hình (criminal negligence) hay hộ (civil negligence) khi bán Ải Nam Quan, Hoàng Sa, một phần Trường Sa, một nửa Thác Bản Giốc cho Trung Quốc,
4. Trên bình diện quốc phòng, nhân vật chịu trách nhiệm nào ra lệnh cho những binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma phải buông súng trở thành bia bắn của hải quân Trung Quốc cũng chưa bị truy tố về hình hay hộ như trên.
Như những người dân Việt bình thường, sinh sống trong nước hoặc hải ngoại, chúng ta ngậm ngùi rơi lệ khi nhìn hình ảnh của những người dân, phụ nữ, trẻ em lam lũ, lõa lồ chết chìm trong bùn nhơ nước lũ, trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng và các viên chức CSVN cao cấp xả lũ tươi cười, tay bắt mặt mừng với các đồng chí của họ, hầu như chưa có việc gì xảy ra trên đất nước này.
Đảng CSVN đã hủy diệt nền văn hóa truyền thống và nền văn hóa cộng sản thì chưa hội đủ thời gian hiện hữu. Tuy nhiên ngay cả nếu dân tộc Việt Nam chờ thêm một ngàn năm nữa để nền văn hóa cộng sản hình thành thì nền văn hóa đó cũng chỉ sẽ đào tạo những con người mẫu mực như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành đều là những quái vật khát máu của nhân loại. Nền văn hóa cộng sản đó có thể là mỹ mộng đối với TBT Nguyễn Phú Trọng nhưng rõ ràng sẽ là ác mộng kinh hoàng của dân tộc Việt Nam.
Nhìn sự vận hành của lịch sử nhân loại và bước đi bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Nhìn sự thoái trào cũng bất khả vãng hồi của độc tài đảng trị trên toàn thế giới, chúng ta có thể mạnh dạng kết luận rằng đảng cộng sản Việt Nam sẽ diệt vong và dân tộc Việt Nam sẽ vươn lên trong một tương lai không xa. Nền văn hóa dân tộc qua 5000 lịch sử đã tôi luyện cho dân tộc này những bàn tay và khối óc tuyệt vời, không dễ gì bị hủy hoại bởi một ý thức hệ điên rồ.
Tuy nhiên nghịch luận chúng ta phải đối phó là cuộc đời của mỗi con người, mỗi thế hệ con dân Việt Nam đều vô giá. Buộc họ phải chờ đợi đến khi lịch sử vứt TBT Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông vào sọt rác của lịch sử là phải hy sinh hạnh phúc của nhiều cá nhân và thế hệ dân Việt rồi.
Đảng CSVN đã làm tật nguyền quá nhiều cá nhân và thế hệ dân Việt trân quý.
Chính vì thế, mỗi con dân nước Việt đều có một duty of care quan trọng, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây trong cuộc sống của mình, thúc đẩy chúng ta góp phần đạp đổ độc tài, xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên đất nước Việt Nam.
26/10/2017
Luật sư Đào Tăng Dực
danlambao