Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa ở Hà Nội. (Ảnh: VNA/Doan Tan via REUTERS) |
Phạm Chí Dũng - Trước phiên tòa “Thăng - Thanh”, trong dư luận xã hội và trên mạng xã hội đã râm ran những đồn đoán về một “âm mưu ám sát”. Tuy nhiên, đồn đoán này chỉ là một trong nhiều giả thiết và cách nào đó có thể bị giễu cợt và phản bác rằng đó chỉ là… “thuyết âm mưu”.
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh - hai nhân vật cực kỳ quan trọng không chỉ đối với phiên tòa xử vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 1/2018, mà còn được dư luận cho là đóng vai trò “xe - mã” trên bàn cờ chính trị Việt Nam, có thể dẫn thẳng đến cửa nhà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm lợi ích của “thời kỳ trước”.
Cái ô!
Khi phiên tòa “Thăng - Thanh” bắt đầu khai diễn, công luận được thấy những bức hình về hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được hàng chục cảnh sát vây bọc như một cách “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, không khác gì nghiệp vụ bảo vệ nguyên thủ quốc gia ở các nước phương Tây. Công luận cũng nhìn thấy những cái ô được giương lên để che phủ hai bị cáo này; người ta không thể nghĩ khác rằng Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã được “cơ quan bảo vệ pháp luật” tổ chức bảo vệ rất ngặt nghèo, khác hẳn với chế độ bảo vệ bình thường đối với tuyệt đại đa số bị cáo có nguồn gốc quan chức phạm tội “cố ý làm trái” hay “tham ô tham nhũng” bị đưa ra tòa trước đây.
Cũng khác hẳn với rất nhiều phiên tòa trước đây xử quan chức tham nhũng, phiên tòa “Thăng - Thanh” được báo chí và giới luật sư mô tả là “vượt trên mức cẩn mật”, khi cảnh sát được bố trí vòng trong vòng ngoài, các thiết bị điện tử của luật sư và báo giới bị khám xét rất kỹ, và nói chung bầu không khí của phiên tòa này tràn ngập tính “khủng bố”.
Cũng có thể so sánh bầu không khí của phiên tòa “Thăng - Thanh” với sự căng thẳng đã trở thành bản chất khi “tòa án nhân dân” xử các nhà hoạt động nhân quyền: nội bất xuất ngoại bất nhập, cảnh sát đằng đằng sát khí và sẵn sàng “tác chiến”.
Vượt trên tất cả trong bầu không khí đầy đe dọa và bất an trong phiên tòa “Thăng - Thanh”, cái ô chính là hình ảnh có sức thuyết phục rất lớn về nỗi lo sợ và sự phòng bị không che giấu của các cơ quan tư pháp về những rủi ro có thể xảy đến đối với các “VIP” của họ.
Điều gì hay rủi ro nào có thể xảy đến với các bị cáo?
Rất nhiều dư luận đã khẳng định rằng “nghệ thuật giương ô” của công an Việt Nam là rất giống với nghiệp vụ dùng ô hay một tấm vải lớn của cảnh sát nước ngoài để bảo vệ những bị cáo hay nhân chứng quan trọng, nhằm tránh hoặc hạn chế rủi ro bị ám sát bằng thủ đoạn bắn tỉa.
Nếu quả thật đã từng có, đang có và sẽ có một âm mưu ám sát, bắn tỉa Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, âm mưu đó đến từ thế lực nào?
“Thế lực thù địch” chăng?
Ai?
Quá khó để tưởng tượng ra việc những đảng phái chính trị hải ngoại lại có động cơ “trả thù tham nhũng” bằng việc dấn thân ám sát Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Cũng quá khó để có thể hình dung ra việc người dân trong nước do quá công phẫn với quốc nạn tham nhũng mà sẽ tụ tập đám đông để lao vào “xé xác” Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Một giả thiết gần với thực tế hơn hẳn, cũng dễ hình dung hơn hẳn, là “phe phái nội bộ”. Nếu có một âm mưu bắn tỉa Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, hẳn âm mưu đó phải xuất phát từ những người muốn diệt khẩu hai ông Thăng và Thanh.
Trong thực tế cuộc chiến quyền lực ở Việt Nam, đã có những phác họa về cấp độ “tìm và diệt” được đẩy lên cao trào và khiến chủ đề an toàn - an ninh cá nhân quan chức trở nên cấp thiết sống còn hơn bao giờ hết.
Năm 2014 được mở màn bằng một loại bi kịch “ung thư gan” của Thứ trưởng bộ công an - tướng Phạm Quý Ngọ. Cái chết bất đắc kỳ tử của quan chức bị đồn đoán là “nhúng chàm” quá nhiều vụ việc khuất tất này đã dấy lên mối nghi ngờ rất nặng nề trong dư luận và công luận vào thời điểm đó. Người ta tin rằng cho dù vào năm 2014 không thể hoặc không được phép có một cuộc điều tra nào nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của Phạm Quý Ngọ, nhưng nếu sắp tới Bộ Chính trị đảng “hồi tố” vụ này, rất có thể nhiều người sẽ được vén bức màn về chuyện ông Ngọ đã muốn khai ra ai và vì sao ông Ngọ “phải chết”.
Đến nửa cuối năm 2016, vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái là một minh chứng hết sức sống động, kinh hoàng và cấp bách.
Chỉ vài ngày trước vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái, Quốc hội đã họp bàn về Luật cảnh vệ. Trong cuộc họp bàn này, đã hiện rõ nhu cầu “tha thiết được bảo vệ” - không phải như một thời trang quyền lực, mà là một thực tế cần thiết. Thậm chí một số chủ tịch, bí thư tỉnh/thành cũng đề xuất có cơ chế bảo vệ riêng.
Mọi việc đều có nguồn cơn của nó. Ở Việt Nam, không một địa phương nào là không có mâu thuẫn, thậm chí nhiều chính quyền địa phương nổ ra xung đột nội bộ rất nặng nề, đặc biệt về quyền lực và lợi ích nhóm. Sau vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, điều chắc chắn sẽ xảy ra là nhiều quan chức ở nhiều tỉnh thành khác sẽ đòi có cơ chế cảnh vệ bảo vệ cá nhân họ, đồng thời sẽ ban hành cơ chế kiểm tra vũ khí, chất nổ… tại những cuộc họp quan trọng của thành/tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh/thành, thậm chí xuống cả cấp quận/huyện… Không khí họp hành sẽ bước vào thời chiến. Đã rõ như ban ngày là vào thời buổi này, không một quan chức nào còn an toàn.
Sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái, dư luận xã hội còn đồn đoán rằng với một số “đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị”, phương án chuyển đổi chỗ ngủ đêm có thể trở thành một nhu cầu chính trị - tương đương với nhu cầu ăn uống.
Cánh lái xe của giới quan chức cao cấp còn thì thầm với nhau về chuyện những ủy viên trung ương đảng như ông A, bà B khi đi họp hành đã phải mang cả đồ ăn thức uống của nhà theo mà không dám đụng vào bàn ăn “tài sản xã hội chủ nghĩa” của hội nghị trương ương.
Nhân chứng vàng?
“Cả ba bị bắn” ở Yên Bái đã báo trước một cái điềm quá xấu: cuộc khủng hoảng nội bộ đảng từ bán công khai trước đó chuyển sang một giai đoạn mới - thế công nhiên và mãnh liệt theo cách “không cho chúng nó thoát”.
Nhưng với một cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng mang quá nhiều dấu hiệu ăn uống thâm lạm vào cái bàn ăn xã hội chủ nghĩa đó, từ lóng “ói ra” mà dân gian truyền khẩu lại luôn là một lối thoát minh bạch nhất trong bất cứ cơn quẫn cực nào.
Chỉ mới vào ngày thứ hai của phiên tòa “xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN” - 9/1/2018, Đinh La Thăng đã khai “chỉ định thầu theo chủ trương Bộ Chính trị”, rằng “đã xin ý kiến chính phủ” và “đã xin phép thủ tướng”.
“Chính phủ” và “thủ tướng” vào thời ông Đinh La Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên PVN lại nằm dưới quyền điều hành của một ủy viên bộ chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Giả thiết về việc Đinh La Thăng do “khai hết”, “khai sạch”, khai từ khi bị điều tra cho đến trước tòa và khai tới tận địa chỉ nhà của Nguyễn Tấn Dũng nên đã được cả Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an lẫn Viện Kiểm sát tối cao xếp vào loại “thành khẩn khai báo” ngày càng có cơ sở.
Và nếu khả năng “Thăng khai báo Dũng” là có cơ sở thực sự, đây là lần đầu tiên trách nhiệm của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị lôi ra trước tòa án và trước Hội đồng xét xử. Đây có thể sẽ là một tiền đề để dẫn dắt vụ án PVN và Đinh La Thăng sang “giai đoạn 2”cùng với “người có liên quan” là Nguyễn Tấn Dũng.
Sinh mạng của Đinh La Thăng giờ đây còn quý hơn vàng. Nếu Đinh La Thăng được “quy hoạch” để trở thành một nhân chứng cho một phiên tòa lịch sử nào đó trong tương lai không quá xa - chẳng hạn vào năm 2019, Thăng sẽ không thể bị chết bất đắc kỳ tử như tướng Phạm Quý Ngọ. Những cái ô nào đó đang và sẽ che chắn cho sinh mạng và có thể cả số phận của Đinh La Thăng.
Vào lúc này, có lẽ gần hết các ủy viên bộ chính trị và đa số ủy viên trung ương đều cần đến cái ô như đã che đỡ cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh - theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng trước mắt là cần cái ô như đã che cho Vũ “Nhôm” - thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ khi “cái lưỡi” này bị công an Việt Nam kéo từ Singapore về sân bay Nội Bài…
Phạm Chí Dũng
Source: VOA