Trần Nhật Phong - Sáng thứ hai đầu tuần thức dậy, tôi đã phải “choáng” với những hình ảnh Sài Gòn “đẫm lệ” y như trong cuốn phim “Noah” của Hollywood. Dân Sài Gòn không biết nên khóc hay cười. Mấy đứa em thuộc dạng “gàn”, “bựa” thì inbox với những lời lẽ đầy phản động “TP HCM đã dành được giải đứng đầu thế giới về sáng tạo thành phố xây dựng trên biển trong tương lai”.
Nhìn những hình ảnh ngập nước của Sài Gòn, tôi không tưởng tượng sau 40 năm “giải phóng”, người dân ở Sài Gòn lại chứng kiến sự “biến tướng dị dạng” của Sài Gòn trở thành một mảnh đất trong thuyết “Noah” của kinh thánh.
Vì đâu nên nỗi? Dường như mỗi người đều tự đặt cho họ câu hỏi, và rồi câu trả lời “Kệ M… Cứ để cho đảng và nhà nước lo”.
Cứ mỗi trận mưa thì Sài Gòn lại ngập lụt, nước mưa thoát chổ nào khi các hệ thống cống rãnh dưới thời “Pháp thuộc” đã bị “lấp” vì nhiều nguyên do, xây dựng lấn mặt đường, phá hủy những kiến trúc bị cho là “xuống cấp” sẵn dịp “lấp” luôn ống cống.
Trong một xã hội minh bạch, văn minh như Hoa Kỳ, bất kỳ một dự án xây dựng nào, chính quyền địa phương cũng có những đòi hỏi cơ bản, đường dẫn ống nước đến chỗ dự án xây dựng ra sao? Ống cống thoát nước dơ thiết kế thế nào? Các đường lộ dẫn vào dự án có đủ cho xe cứu hỏa chạy vào và chạy ra hay không? Hệ thống điện sẽ chôn dưới đất như thế nào cho an toàn? Các nguyên liệu tối thiểu cho an toàn là gì? Đó là chưa kể mỗi địa phương do địa chất khác nhau mà đặt ra qui định độ sâu của các hạ tầng cơ sở, để có thể chống đỡ mức độ động đất vừa phải, có nhiều địa phương còn khó khăn trong vấn đề môi trường, sinh thái của dự án, thậm chí còn buộc các công ty xây dựng mua bảo hiểm, để bảo đảm sự đền bù cho môi trường xung quanh, nếu trong quá trình xây dựng xảy ra tai nạn, tóm lại các qui định đều nhắm vào 2 mục tiêu, bảo vệ sinh mạng con người và bảo vệ môi trường sinh sống.