Châu Văn Thi - Danlambao - Ngày 8/11/2013 trên trang TTXVN thông tin về việc ngày 7/11, tại trụ sở chính của LHQ ở thành phố New York (Mỹ), ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ, đã thay mặt Chính phủ nước Việt Nam ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Như vậy, kể từ khi bắt đầu có hiệu lực, đến nay đã có 154 quốc gia phê chuẩn Công ước chống tra tấn.
Đại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung (trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon (Nguồn: TTXVN)
Phản ứng của dư luận:
Được biết Việt Nam vừa ký kết bản Công ước về chống tra tấn blogger Hành Nhân một nhà hoạt động ở Sài Gòn cho rằng: thay vì ký kết tham gia vào Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam chỉ cần đảm bảo việc không có bất kỳ ai vào tự tử trong đồn Công An, quản lý tốt không để cho các tù phạm đánh nhau, hoặc đừng để các nhân viên thi hành công vụ lỡ tay "nựng" dân, "vô tình súng cướp cò", "mời làm việc" bằng cách khiêng như khiêng heo + dùi cui + đấm đá...
Tôi chưa từng bị tra tấn trong đồn công an, nhưng tôi đã từng bị đánh khi muốn tham dự phiên xử các blogger CLBNBTD. Cái đó là bị đánh bên ngoài đường phố, chủ yếu họ dùng để bắt tôi thôi, trong đồn thì tôi ko thích dùng bạo lực, dù tôi có học võ nhưng ko đánh trả. Tôi cho rằng việc ký kết không quan trọng bằng việc thực thi, giám sát!
Blogger Hoàng Dũng bình luận về sự kiện này:
Ngày 7/11/2013, Việt nam ký kết tham gia Công ước Chống tra tấn. Tuy nhiên, tôi dám chắc rằng có đến gần 90 triệu người không biết đến thông tin mới này. Do vậy, trách nhiệm của số ít ỏi còn lại là làm cho những người xung quanh mình biết điều đó. Tốt nhất là in Công ước Chống tra tấn ra, tặng cho công an, dân phòng và cùng họ tìm hiểu. Làm được điều này, là bạn đã góp phần tích đức cho con cháu của họ rồi đó. Ai sẽ là người đầu tiên của sự kiện tặng Công ước Chống tra tấn cho CAP gần nhất? - Chị Bùi Thị Minh Hằng chăng?
*
Sáng nay 8.11, tức một ngày sau khi ký Công ước chống tra tấn, thông tin khẩn về vụ việc anh Thiên Ân, một cộng tác viên của DCCT-SG bị cảnh sát giao thông giữ không rõ lý do và đưa về đồn công an phường 7 quận 3. Anh Cao Hà Trực lên đồn công an hỏi về việc này thì lập tức bị bắt và đánh đập dã man.
Anh Cao Hà Trực ở đồn công an phường 7 quận 3 sáng 8.11.2013. Nguồn: Cuenot Le
Chị Bùi Thị Minh Hằng còn tải lên một video cho thấy 2 nhà hoạt động: Trương Văn Dũng và Lê Thiện Nhân bị cùm chân khi đến đồn công an Thụy Khê để hỏi về vụ đồng bào dân tộc H'Mong bị đàn áp.
*
Các vụ việc tra tấn, bức cung điển hình:
Đem từ khóa "chết trong đồn công an" lên công cụ tìm kiếm google thì cho ra 13,600,000 kết quả trong đó có những vụ nổi bật :
1.Nạn nhân được người nhà cho biết là ông Hoàng Văn Ngài, sinh năm 1974, cư ngụ tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Dak Nong. Ông này qua đời ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa.
Ông Hoàng Văn Tá nói về điều đó vào tối ngày 22 tháng 3:
“Đây là vấn đề bức xúc vì anh Ngài chết tại phòng Công an. Đề nghị các cấp xem xét, xem lại việc anh Ngài bị chết tại cơ quan công an để lấy công bằng cho công dân Việt Nam chúng tôi, thì chúng tôi mới tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, chính quyền địa phương. Gia đình đang đòi hỏi sự công bằng, hợp lý của Nhà nước Việt Nam. Đòi hỏi nguyên nhân làm sao anh Ngài chết; mà anh Ngài là một người khỏe mạnh khi công an đến chở anh Ngài từ lán đi. Trước đây anh Ngài không hề có bệnh tật mà sao lại chết tại cơ quan công an?”
Anh Hoàng Văn Ngài qua đời ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông.
Hình do thính giả gửi cho RFA
Tử thi anh Huỳnh Công Nhựt
2. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền gửi đơn khiếu nại đến hàng loạt cơ quan chức năng đề nghị làm sáng tỏ cái chết nhiều khuất tất của chồng chị.
Ngày 25-4, anh Nguyễn Công Nhựt được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở trụ sở Công an huyện Bến Cát. Gần thi thể anh có một lá thư tuyệt mệnh thể hiện anh chết vì quẫn trí.
Tuy nhiên, chị Tuyền cho rằng nét chữ trong thư không giống chữ của chồng. Chị khẳng định chồng chị không tự tử.
Anh Nhựt là thủ kho của Công ty sản xuất lốp xe Kumho (KCN Mỹ Phước). Anh bị câu lưu tại trụ sở Công an huyện Bến Cát nhằm phục vụ điều tra, làm sáng tỏ vụ mất trộm hàng ngàn lốp xe ô tô xảy ra tại công ty này.
Chị Tuyền ôm di ảnh chồng
3. Sau ba giờ đồng hồ được “mời” lên trụ sở công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) lấy lời khai, ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958) bất tỉnh và chết ngay sau đó.
Vết thương bầm tím trên tay và chân của nạn nhân. Ảnh do gia đình cung cấp..
Vết thương bầm tím trên tay và chân của nạn nhân. Ảnh do gia đình cung cấp..
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Sự kiện Việt Nam ký Công ước quốc tế về chống tra tấn được đánh giá là hình thức khi Việt Nam thực sự chưa có cơ chế giám sát và thực thi công ước này. Vả lại Việt Nam không có một cơ chế tam quyền phân lập. Do không có tam quyền phân lập, xã hội nước ta đang thành một mớ hỗn độn, không ai sợ ai, đồn công an trở thành nơi "tự tử" trong khá nhiều trường hợp, côn an thẳng tay với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền... Không có tam quyền phân lập thì những vụ án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ còn tiếp diễn mà không có điểm dừng.
Xin mượn lời của đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa để kết thúc câu chuyện này:
"Điều quan trọng nhất trong câu chuyện này là phải bảo đảm quyền của bị can, bị cáo. Người bị tạm giam, tạm giữ được có luật sư ngay từ giai đoạn đầu và được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để, tạo điều kiện để giám sát, loại trừ hành vi bức cung và dùng nhục hình dưới mọi hình thức khác nhau. Cho nên, nếu bảo đảm quyền có luật sư, có người bào chữa cho bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, bảo đảm chế độ giam giữ theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền của họ được tư vấn pháp luật sẽ hạn chế cao nhất những án oan sai như vậy.
Hiện nay, nguyên tắc suy đoán vô tội là cơ bản của pháp luật hình sự quốc tế của đa số các quốc gia dân chủ và văn minh, nguyên tắc đó đã được quy định trong Hiến pháp và bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam. Vấn đề là lâu nay không được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh. Pháp luật Việt Nam đã quy định người bị tạm giữ có quyền có luật sư trong 24 giờ. Tạm giam trong vòng ba ngày phải có luật sư nhưng nhiều trường hợp không được bảo đảm, chưa kể có định kiến, thành kiến đối với bị can bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội. Chính vì vậy, dễ ép cung, bức cung dẫn đến sai lầm. Chúng ta làm đúng luật pháp hiện nay, đối xử với người bị tạm giam, tạm giữ như người chưa có tội, phải coi là người không có tội đến khi có bản án có hiệu lực của toà án, nếu làm vậy thì hạn chế, khắc phục được nhiều oan sai như vụ ông Chấn.
Khi người ta bị bức cung, ép cung thì dễ dẫn đến nhận tội để qua được giai đoạn thẩm vấn, điều tra. Chừng nào còn bức cung, ép cung, chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội không được áp dụng triệt để, chừng nào quyền có luật sư, quyền bào chữa của người bị tạm giam không được bảo đảm như luật định, chừng ấy vẫn còn những trường hợp như ông Chấn."
Châu Văn Thi - Tường trình từ Sài Gòn