Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Năm gà kể chuyện giết gà thời bao cấp

Lê Hải Lăng - Cái năm mà cả miền Nam bị xuống hố cả núi, miền quê nội của tôi phải chống chọi với ba thứ giặc: giặc cướp, giặc đói và giặc Cách (Cắt) mạng. Giặc ác ôn hơn cả là giặc công an, du kích địa phương. Chúng mang súng vào nhà nào là xem như nhà đó khó thoát tai họa. Nhất là những nhà có máu mặt giàu có và những nhà có tên trong danh sách đen là có con cháu cái gọi là "ngụy quân ngụy quyền". Chỉ cần nhẹ nhàng ghép cho một cái tội không chút bằng chứng là tay sai, là ngoan cố phản động thì thế nào đối tượng dân làng phải trả giá đắt ngang bướng thì bị giết, còn không thì bị bị đấu tố trong cuộc họp đội đoàn nông dân lao động. Cán bộ công an địa phương mạnh ai người nấy hành xử luật rừng. Chúng xem dân miền Nam như là kẻ thù cần phải hành hạ cho xuống ngang hàng súc vật.

Chính sách dùng cái bao tử để trị dân, ngăn sông cấm chợ từ hột muối hạt đường buôn đi bán lại từ tỉnh này qua tỉnh nọ đều bị trạm thu thuế kiểm soát tịch thu với lý do là buôn lậu. Vấn đề đi lại ra khỏi tỉnh phải xin giấy phép phường, xã, huyện duyệt xong phải ra tỉnh mới được cứu xét cấp giấy đi lại. Nhiều người có đủ lý do nhưng bị từ chối chỉ vì dưới các lá đơn không có đồng tiền đi kèm. Nhà nước càng làm làm khó về thể thức hành chánh dân phải đè cổ ra bán tất cả cái gì có trong nhà để lo chạy hối lộ dù là chỉ là tờ giấy đi xuất tỉnh thăm thân nhân ốm đau sắp chết năm trong bệnh viện. 

Dân chúng quê tôi ban ngày đi làm lao động tập thể mỏi tay rả xương, ban đêm về tới nhà chưa kịp ăn cơm tối lại phải đi họp đội, đoàn để nghe cán bộ chửi và dân nhìn mặt nhau đấu tố hơn là họp hành giải quyết thắc mắc chuyện này việc kia. Thông thường chúng đã sắp xếp cò mồi trước khi mổ xẻ một vấn đề gì, chẳng hạn như kêu gọi ủng hộ đóng góp tiền bạc lúa gạo cho nhà nước. Trong một cuộc họp kêu gọi ủng hộ. Việc đầu tiên là cán bộ Vẹm chỉ tay vào một vị bô lão giơ tay: 

- Tôi xin giới thiệu tui là người nghèo nhất trong xã ni, vì biết công ơn nhà nước tui xin cống hiến cách mạng năm mười tạ lúa. 

Bà Hai Bướm thời gian gần đây nổi tiếng là điếc không sợ súng. Người ta đồn rằng bà chắc là ỷ y có đứa con gái được thằng công an huyện lui tới la cà tán tụng. Bà bước ra khỏi đám đông, rồi vừa giơ tay vừa phát biểu: 

- Thưa quý vị theo tui biết thì gia đình ông ni chạy gạo ăn từng bữa chưa no lấy của chỗ mô mà đóng với góp. 

Người cán bộ nghiến răng chỉ tay về phía trước: 

- Bà kia. Ai cho bà chống phá lại đường lối cách mạng, phản đối người ủng hộ nhà nước. 

Người cán bộ khác lại đứng lên tiếp lời: 

- Nhân dân thấy chưa. Tụi đế quốc và tay sai sừng sỏ đã chích thuốc phiện tiêm nhiểm vào những cái đầu như bà này. Chúng ta phải tận diệt mầm mống phản loạn. 

Có tiếng người xì xào: 

- Nhà nước tự khen là của dân mà dân đưa ý kiến trái chiều rồi bóp họng là làm sao chứ. 

Người cán bộ hít một hơi thuốc lá rồi đấm mạnh tay vào bàn: 

- Tất cả câm mồm lại. Đây là cuộc họp chớ không phải cái chợ. Tôi yêu cầu tất cả mọi người mọi nhà phải có nghĩa vụ đối với nhà nước là ai có nhiều hay ít bắt buộc phải ủng hộ trong đợt vận động đóng góp này. 

Một cán bộ khác đứng dậy hất hàm: 

- Nhân dân thấy không, nhờ có cách mạng nhân dân làm chủ tập thể, ai cũng vác cuốc ra đồng lao động tăng gia sản xuất. Ai chống lại đường lối chủ trương sẽ bị trừng trị đích đáng. 

Sau một hồi quanh đi quẩn lại làm sao đạt chỉ tiêu lao động năng suất, phê và tự phê, kiểm điểm công tác tranh nhau đấu tố lấy điểm. Cuối cùng người cán bộ chủ trì cuộc họp lấy tay đóng nắp cây bút nguyên tử rồi thong thả kẹp vào túi áo, đoạn nghiêng vai đội cái nón cối lên đầu rồi ra lệnh: 

- Cuộc họp xong. Cũng cần nhắc nhở thêm là những hộ nào nuôi gà tới kỳ lớn phải khai báo để hợp tác xã điều động kết toán sổ sách. 

Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, mọi người ai cũng mệt mỏi theo chân nhau ra về. Dưới ánh trăng giữa tháng, con đường làng quen thuộc vọng lên tiếng tre kêu kẻo kẹt trong ngọn gió đêm rì rào. Tôi đẩy cái tay của người nông dân lối xóm quàng lên vai tôi rồi nói nhỏ nhẹ: 

- Thôi hết rồi thời giặc giả nhưng thanh bình trong tâm hồn còn đâu nữa bạn đường ơi!

- Tau cũng nghĩ như rứa. Đem dân ra họp hành đấu tố chửi rủa nhau, thế này thì xã hội làm sao khỏi suy thoái đạo đức. Ngay cả người lớn mổ xẻ sát phạt xâu xé đổ tội nhau thế này làm sao giáo dục con cái biết thế nào là lẽ phải. 

- Mi thấy rỏ ràng trước mắt đó. Mấy cuộc họp trước cán bộ có cảnh cáo huỵch toẹt ra là các tổ tam chế không theo dõi sát sao báo cáo để trừng trị những phần tử phản động đó mà. 

- Trong nhà tau làm cái chi nhất cử nhất động phải có người điểm cho nên bị công an lâu lâu kêu lên cảnh cáo. 

*

Cả đêm trằn trọc với giấc ngủ chập chờn trong mộng mị. Khi tiếng gà gáy canh hai vừa tan, tôi chạy ra chuồng gà. Nhìn những con trống xen mái gục đầu kêu cúc, cúc. Tôi nói trong lòng là phải thuyết phục mẹ tôi đi trước một bước để giết vài con làm thịt dù là còn non trước khi khai báo xã kiểm kê để gián tiếp cướp sạch qua cái cổng hợp tác xã. 

Chờ mẹ ngủ dậy theo thói quen cầm cái chổi quét sân. Tôi nấn ná tới nịnh: 

- Mẹ nè! Họ sắp bắt khai báo kiểm kê để sớm tịch thu súc vật gia cầm qua cái chiêu mua lại, con muốn bắt vài ba con gà làm thịt ăn một bữa cho đã thèm rồi tới mô thì tới. 

Mẹ tôi nhổ cái bã trầu xuống đất rồi chống hai tay lên vầng thái dương: 

- Tao ngán ngẩm cái cảnh đổi đời ni rồi. Nhà nước là cái chi chi mà đến nổi kiểm soát từng cái kim sợi chỉ của dân nói chi đến gà vịt của người ta nuôi cũng phải khai với báo để lường gạt ăn cướp. 

- Nếu có bị bắt phạt thì cả nhà chịu đòn, ăn trước no bụng tính sau nghe mẹ. 

Mẹ tôi không la rầy hay nói năng gì nữa. Tôi võ đoán là bà ngầm đồng ý. 

Khi màn đêm buông xuống, tôi sai đứa em gái bắc nồi nước sôi, rồi lặng lẻ cầm cái bao bố ra chuồng gà. Giơ tay bắt một con gà mái chưa kịp bỏ vào bao nó kêu lên tiếng tục tác oang oác như mới để trứng xong. Tôi bắt tiếp hai con nữa mà không để ý quan tâm tới tiếng chó nhà phía sau sủa liên tục. 

*

Luộc gà xong hai anh em tôi thi đua nhau nhổ lông. Em tôi đưa ra ý kiến: 

- Anh nè! Gia đình mình đem con gà trống lên đặt bàn thờ cúng tổ tiên, phần con gà mái nhiều mỡ này đem cho nhà ông chú có đông con để ăn, còn con gà nhỏ nhất để dành ngày khác vậy. 

Tôi phân bua: 

- Chia cho nhà chú không phải như thời kỳ trước đâu. Anh đi họp nhiều lần nghe mấy đứa con của chú còn tố khổ cha mẹ, đứa con gái còn tấn công chồng là không theo kế hoạch ba khoan nữa đó. 

- Thế thì thời buổi ni mình nhân đạo bà con ai nhân đạo lại mình, không chừng nuôi ăn lại bị tố ngược. Chắc ăn nhất là ai có thân nấy lo. 

- Em nói đúng. Xã hội bây giờ không có một chút nhân bản như thời chính quyền cũ. Bởi họ sinh ra đã bị hệ thống cầm quyền nhồi sọ làm chuyện ác độc rồi. 

Hai chị em tôi mãi mê vừa nói chuyện vừa làm thịt gà. Bỗng thấy xuất hiện họng súng đen ngòm dí vào đầu: 

- Đứng dậy! Giơ tay lên! Đồ quân phản động!

Hai anh em tôi bật người lên rồi đưa tay lên đầu chờ đợi. 

Một tên trong bọn xông tới cầm cổ áo tôi: 

- Ai cho tụi mầy làm thịt gà ăn khi có lệnh cấm. Cha mẹ chúng mầy quen làm tay sai đế quốc hút máu đến gà vịt cũng không tha. 

Một người khác ra lệnh: 

- Tịch thu tất cả cùng áp giải hai người này về cơ quan giải quyết. Hai anh em tôi bị trói hai tay ra phía sau lưng. Họ dẫn đi bằng báng súng kè kè bên hông. Tôi ngước lên nhìn bầu trời mây đen kín mịt, trên đọt cây tre vài ba con chim ríu rít gọi nhau bay về tổ ấm. Tôi tự trách móc đời: 

- Tại sao bà con láng giềng lại manh tâm đi tố cáo nhà cầm quyền kiểu này, hóa ra dân lại giết dân. 

Tôi nghe tiếng em tôi lẩm bẩm: 

- Anh có thấy mạ mình đang ngồi lẻ loi trước thềm nhà chảy nước mắt nhìn ra không?

Tôi bước đi nghe quặn thắt lùa vào xé nát cả tâm tư... 

04.01.2017

Lê Hải Lăng

SourceDanlambao

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam