Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Lạc Trôi

Lạc trôi. Sơn Tùng
Huyền Chiêu - Đầu năm 2017, ca sĩ trẻ Sơn Tùng ra mắt trên kênh youtube MV Lạc Trôi. Và chỉ một ngày sau đã có 4 triệu lượt vào xem. MV cũng được xếp vào hạng nhất châu Á khi có được 100 triệu lượt vào sau 61 ngày.

Quá lâu không nghe giới trẻ bây giờ hát gì nhưng lần này tôi vào Net xem MV Lạc Trôi.

Sơn Tùng mặc y phục cổ trang nhưng mang giày sneaker của hãng Bitti’s (hãng giày của Đài Loan sản xuất tại Việt Nam) kèm áo len cổ lọ. Hình ảnh, cảnh quan đẹp. Sơn Tùng đóng vai một ông vua Trung Quốc đang cô đơn, lạc lõng, tìm kiếm một tình yêu đích thực dù chung quanh có nhiều mỹ nữ.


Thật ngạc nhiên và buồn cười khi thấy một ca sĩ đã 24 tuổi, được giáo dục trong nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa, lại viết ra những câu ca đầy sáo ngữ và ngô nghê đến vậy.

Chúng ta hãy xem một trích đoạn của “Lạc Trôi” nhé:

“Đường xưa nơi cố nhân giã từ biệt ly (giã từ biệt ly là sao?)
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng
Ohhhh
Tiếng khóc cuốn theo làn gió bay
Thuyền ai qua sông quên vớt ánh trăng vàng nơi này
Trống vắng bóng ai dần hao gầy
Ehhhh
Lòng ta xin nguyện khắc ghi
Trong tim tình nồng mê say
Mặc cho tóc mây vương lên đường môi cay.
Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời
Ta lạc trôi giữa trời
Đôi chân lang thang về nơi đâu
………………………………..
Ngày chia lìa hoa rơi buồn hiu hắt
Tiếng đàn ai thêm sầu tương tư
Lặng mình trong chiều hoàng hôn
…………………………………..

Những câu chữ như “giã từ biệt ly”, “phận duyên mong manh”, “ngày tương phùng”, “nguyện khắc ghi”, “lang thang về đâu”, “buồn hiu hắt”, “sầu tương tư” … hình như người Việt đã nghe đâu đó trong văn thơ cũ kỹ của nước ta thời ông Nguyễn Văn Vĩnh chưa dịch bài thơ “Con Ve và Con Kiến” của La Fontaine:
Chiến tranh kết thúc đã hơn 40 năm, người dân tạm có gạo ăn, giới trẻ được quyền sáng tác, ca hát theo ý mình.
Nhưng hãy nhìn chàng ca sĩ tiêu biểu nhất cho giới trẻ Việt. Em đang tâm tình điều gì vậy, em muốn cổ xúy thứ gì thông qua mớ quần áo giày dép nửa ta nửa tàu, nửa tân, nửa cổ? Với hàng triệu fan trên toàn quốc, với thừa mứa áo quần, tiền bạc, em có thực sự cô đơn khi “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…” như nhạc sĩ Đặng Thế Phong khi viết “Giọt Mưa Thu” cũng vào năm 24 tuổi?

Thực ra con người ở thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng có nỗi cô đơn riêng.
Tôi không thể ép thế hệ trẻ mang nỗi buồn cổ lổ kiểu Đặng Thế Phong, nhưng tôi sợ niềm vui hời hợt, nỗi thất vọng không tên, niềm cô đơn không lối thoát trong những con người dành hết thời gian đi tìm ảo vọng trên ô vuông của một con robot mang tên điện thoại thông minh.

Tôi sợ rằng hàng triệu bạn trẻ không vào MV Lạc Trôi để thưởng thức âm nhạc hay chia sẻ nỗi buồn của ông vua trẻ Sơn Tùng. Dường như họ chỉ muốn xem ca sĩ thần tượng của họ mặc y phục gì, mang giày hiệu gì, để tóc kiểu gì và có lẽ họ cũng không quan tâm đến lời lẽ của ca khúc được hát theo giai điệu cố cho giống như trong những phim cổ trang Trung Quốc.

Chẳng lẽ đã đến thời xóa sổ một nền tân nhạc huy hoàng kể từ ngày ông Lê Thương viết Hòn Vọng Phu?

Thời đó, học trò ít người có tiền mua sách báo đọc, trường thì không có thư viện nhưng họ có thể học cách diễn đạt tình cảm qua cách thuộc lời … những bài hát.

Những ca khúc của Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Giác, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn…. đều là những áng văn hay.

Hơn 70 năm qua, tiếng trống tiễn biệt trong Hòn Vọng Phu vẫn hào hùng, bi tráng:

“Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca xang rồi đi chiến chinh ngoài ngàn”

Bây giờ chỉ cần một click là có một tin nhắn, một tấm ảnh, không hiểu hai người đang yêu có còn bồi hồi như thuở chưa có email:

“Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng
Chờ đến kiếp nào
Tình đầu trong gió mùa, người yêu ơi.
Em nay về đâu
phong thư còn đây
Nhớ nhau tìm trong ánh sao. (1)

Những lời yêu thắm thiết như trong “Lá Thư” của Đoàn Chuẩn chắc chắn không có trong tin nhắn smart phone..

Và với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy là một nhà văn có công nhiều nhất trong việc làm cho những lá thư tình trở nên đằm thắm, những bài luận văn của học trò trở nên vô cùng giản dị, đầy xúc cảm. Hãy đọc một đoạn văn của Phạm Duy:

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi. Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy. Có người bừa thay trâu cày.
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy, thấp thoáng bóng người bên ngòi, tát nước với giọt mồ hôi.
Chiều rơi, thoi thóp trên vài luống khoai, hiu hắt tiếng bà mẹ cười, vui vì nồi cơm ngô đầy. (2)

Hát “đoạn văn” này cứ muốn khóc.

Phạm Duy cũng là nhà sáng tạo ngôn ngữ mà không ai dám bắt lỗi.
“Vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mùng” (5)
Vạt áo thì thường nhưng “vạt tóc” thì chỉ có Phạm Duy.

Trong lời dịch “Come back to Sorrento”
Phạm Duy viết “Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn”
Sao không là mái nhà mà lại là “nấm nhà”?
Màu xám buồn như màu tàn thuốc lá của một búp nấm rơm nho nhỏ gợi nhớ vô cùng hình ảnh của ngôi nhà mái rơm mục nát có bóng bà mẹ lưng còng, ngóng chờ đứa con lữ thứ.

Ngoài cái công đưa tiếng Việt gần hơn với dòng văn chương lãng mạn châu Âu qua bản dịch những tình khúc bất hủ của Chopin, Schubert, Toselli, Strauss…. Phạm Duy không quên đưa chúng ta về với dân ca.

Ông đã làm cho làn điệu dân ca có khi lẳng lơ, say đắm:
“Đố ai biết gió ở đâu
Gió hay đi vắng, lúc nao có nhà” (3)

Có khi mênh mông dào dạt:
“Sao tua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha”.(4)

Miền Nam thuở ấy càng may mắn hơn khi ngoài “Nhà Văn” Phạm Duy còn có “Nhà Thơ” Trịnh Công Sơn chuyên phổ nhạc thơ của chính mình và biến nó thành lung linh bất tử.
Nếu Trịnh Công Sơn làm thơ rồi in ra mang tặng cho bạn bè thì chắc chắn “Thơ” của ông không được ngưỡng mộ như “nhạc Trịnh Công Sơn”
Ông bắt đầu được biết đến nhiều qua bài thơ tám chữ “Diễm Xưa”

“Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.”

Rồi “Nắng Thủy Tinh” bảy chữ:

“Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em.”

Chúng ta đã vẫn thường hát bài thơ năm chữ “Ru Ta Ngậm Ngùi “

“Em về hãy về đi
Ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây
Ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây”

Nhưng dù là thơ có vần, thơ tự do, cách dùng chữ của Trịnh Công Sơn mới là điều làm cho mọi người kinh ngạc.

Những “Rồi một ngày tóc trắng như vôi”, “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, “Chập chờn lau trắng trong tay”, “Cho trăm năm về chết một ngày”, “Có người lòng như khăn mới thêu”… là những câu thơ mà người ta không quên được vì đã hát nó nhiều lần.

Ngoài Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhiều nhạc sĩ của một thời đã góp công làm giàu cho tiếng Việt, nuôi dưỡng cảm xúc cho người nghe.
Thật buồn khi thế hệ trẻ của đất nước đang “Lạc Trôi” đến một nơi vô định.
Một nơi lạ lẫm không còn ai nhớ câu hát:

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời (6)

Tháng ba 2017

(1) Lá Thư – Đoàn Chuẩn
(2) Quê Nghèo –Phạm Duy
(3) Đố Ai – Phạm Duy
(4) Bài Ca Sao – Phạm Duy
(5) Nghìn Trùng Xa Cách – Phạm Duy
(6) Việt Nam Việt Nam – Phạm Duy

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam