Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Xử lý hình sự ông Thăng: chỉ là kế sách yên dân?



Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và cán bộ PVN

RFA - Sáng ngày 8/1, tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và 21 đồng phạm về tội gây thiệt hại và làm thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng tiền vốn và tài sản của nhà nước, trong thời gian từ 2005 đến 2011, lúc các bị cáo đang điều hành guồng máy lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, được gọi tắt là PVN, và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam, tức PVC.

Ông Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị truy tố với tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể lãnh bản án từ 10 đến 20 năm tù.

Trước khi bị truy tố, ông Thăng từng giữ những vai trò quan trọng trong đảng cũng như trong chính phủ, như ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số 21 bị cáo cùng bị xét xử chung với ông Thăng, được chú ý đến nhiều nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC, nguyên phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh bị truy tố 2 tội danh cố ý làm trài quy định của nhà nước và tội tham ô tài sản. Nếu bị tòa xác nhận có tội tham ô tài sản, ông có thể đối mặt với án tử hình.

Ông Thanh được thế giới biết đến vì hồi 2016 khi đang làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông bất ngờ bỏ trốn sang Đức xin tỵ nạn chính trị. Một năm sau đó, chính quyền Việt Nam cho biết ông Thanh tự ý quay về Hà Nội và ra đầu thú, trong khi chính phủ Đức khẳng định ông này bị công an từ Việt Nam sang bắt cóc đưa về nước.

Vụ việc vừa nêu khiến quan hệ Berlin-Hà Nội trở nên khó khăn. Chính phủ Đức đã ban hành một loạt quyết định cứng rắn như trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam về nước, và đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Theo trang Thông Tin Chính phủ, phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tuần lễ, đến ngày 21 tháng Giêng 2018 mới kết thúc.

Ông Đinh La Thăng (giữa) trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8/1/2018. AFP
Tổng cộng có tới 44 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đáng lý ra số luật sư đại diện cho ông Thanh còn đông hơn nữa, nhưng trước ngày phiên tòa diễn ra, có hai luật sư trong danh sách những luật sư bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh quyết định rút lui.

Một trong hai người này nói với đài BBC rằng đây là một vụ án quan trọng, nhưng vì không có đủ thì giờ nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nên không thể nào bào chữa tốt nhất cho bị cáo.

Một điểm đáng chú ý khác là mới hôm thứ Năm tuần trước, tức ngày mùng 4 tháng Giêng 2018, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức là bà Petra Isabel Schlagenhauf vào Việt Nam với mục đích theo dõi phiên tòa, nhưng bị cấm nhập cảnh ngay tại phi trường Hà Nội, buộc bà phải rời Việt Nam chí ít giờ đồng hồ sau đó.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với báo chí rằng việc chính quyền Việt Nam không cho bà nhập cảnh là một hành động bất hợp pháp, xem đó là bằng chứng xác nhận thân chủ của bà sẽ không được xét xử đúng luật, pháp quyền không được tôn trọng.

Các bản tin chúng tôi ghi nhận được cho hay trong phiên tòa bắt đầu ngày hôm nay, tòa chấp thuận cho đại diện của EU và đại sứ quán Đức tham dự. Tuy nhiên Công chúng không được tham dự phiên tòa và an ninh được bảo vệ rất chặt chẽ.

Truyền thông Việt Nam đưa tin nói điểm đáng chú ý về mặt luật pháp là Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội áp dụng quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử theo đúng Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, có hiệu lực kể từ ngày mùng 1 tháng Giêng 2018.

Nhờ áp dụng những quy định mới này nên tất cả các bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa, các đại diện của Viện Kiểm Sát giữ quyền công tố ngồi dối diện với các luật sư biện hộ cho những bị cáo.

Một nhà báo Việt Nam được cắt cử săn tin ở tòa nói với chúng tôi rằng khi ban hành Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, Việt Nam muốn thực hiện đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế là bị cáo không có tội cho đến khi tòa xác nhận là có tội, và phía công tố lẫn phía luật sư biện hộ được đối xử ngàng hàng, bình đẳng với nhau.

Cũng về mặt pháp lý, luật pháp Việt Nam quy định những người bị truy tố về tội tham ô tài sản có thể lãnh án tử hình, nhưng sẽ thoát bản án này nều tự ý nộp trả ít nhất ba phần tư số tiền bị cáo buộc tham nhũng và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn .

3 ngày trước khi phiên tòa bắt đầu, thân nhân của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi Hành Án Dân Sự Thành Phố Hà Nội để nộp 2 tỷ đồng, được gọi là tiền nộp “khắc phục hậu quả”.

Source: RFA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam