Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về sau 10 năm chịu án oan, sai |
Án oan, sai
nguyenvubinh - Chúng ta đã biết được, hiện nay có một đội ngũ dân oan hùng hậu khắp cả nước. Những người dân oan này, ngoài việc bị mất đất đai, rất nhiều người phản kháng đã bị những án tù đày, oan ức. Hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam, kết hợp với quá trình điều tra và tố tụng, đã tạo ra vô số những người bị tù, án oan sai, oan khuất...Như vậy, xét theo hệ quy chiếu là quyền con người và so sánh luật pháp tương đương ở các nước, chúng ta cần phải thừa nhận, án oan sai ở Việt Nam là rất lớn, bắt nguồn từ các quá trình: xây dựng luật, điều tra, và tố tụng.
Ngày 05/6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã dành trọn một ngày để thảo luận về báo cáo giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong ba năm qua, cả nước có 71 trường hợp bị hàm oan, trong đó có 27 trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Theo báo chí lề đảng, những tiếng nói ngày càng can đảm, thông điệp mà cử tri nhận được sau các phiên thảo luận báo cáo giám sát nói chung thường chỉ dừng lại ở mức độ “chúng tôi hiểu vấn đề”. Trong khi cái mà người dân cần ở Quốc hội là thái độ “chúng tôi giải quyết vấn đề”.
Tuy nhiên, cách đặt vấn đề về án oan, sai trong báo cáo giám sát của Quốc hội mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đó hầu như là những vụ án oan, sai rõ mười mươi và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, của dư luận. Ví dụ như vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, khi thủ phạm thực sự ra đầu thú, thì mới mặc nhiên ông Chấn bị án, tù oan. Vậy còn những vụ án mà thủ phạm thực sự không ra đầu thú, nhưng những chứng cứ vô tội và những chứng cứ ép cung, nhục hình và vô lý như vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng (người ở huyện Kim Thành, Hải Dương, bị công an Hải Phòng bắt, kết án tử hình tội giết người), và vụ Hồ Duy Hải ở Long An thì sao?