Chiếc tàu Cap Anamur 2 cập cảng Hamburg năm 1986 với 286 thuyền nhân Việt Nam trên tàu. Photo courtesy of wdr.de
|
Hòa Ái - RFA - Kể từ khi chiến tranh kết thúc vào cuối tháng 4 năm 1975 cho đến nay, đa số người dân trong nước vẫn luôn ôm ấp và thực hiện giấc mơ được định cư ở nước ngoài. Mới đây nhất, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ Việt Nam phải làm cho đất nước thực sự trở thành nơi đáng sống chứ không phải muốn ra đi. Hòa Ái sơ lược các làn sóng di dân của người Việt suốt hơn 4 thập niên qua cũng như tìm hiểu nguyên nhân vì sao giấc mơ này vẫn còn đó dù chính quyền Hà Nội luôn cho rằng Việt Nam độc lập, ổn định và phát triển.
Hiện nay nhiều trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài.
- Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
Theo số liệu thống kê của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến cuối năm 1995, có khoảng gần một triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi và ước chừng phân nửa trong số này bị thiệt mạng trên đường vượt biên. Cuộc vượt thoát trốn chạy chế độ cộng sản của người Việt trong 2 thập niên đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc đã gây chấn động dư luận thế giới và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Tây Âu dang tay đón nhận những người Việt may mắn còn sống sót trong hành trình tìm tự do của họ. Từ cuộc di dân mang tính lịch sử này dẫn đến nhiều đợt di dân của vài triệu người Việt khác suốt 4 thập niên qua theo chương trình bảo lãnh đoàn tụ gia đình.