Nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn bị nhốt tù oan 10 năm, ảnh chụp hôm được trả về gia đình. |
Một báo cáo mới đây của Uỷ ban Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong vòng ba năm qua, có tất cả 71 vụ oan sai ở Việt Nam. Đây được cho là hậu quả không tránh được của tình trạng thiếu vắng tam quyền phân lập: độc lập giữa tư pháp, hành pháp và lập pháp. Tại sao Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi thể chế vốn được xem là tối ưu trên thế giới này và liệu có khả năng tam quyền phân lập có sớm đuợc thiết lập ở Việt Nam hay không, Hải Ninh tìm hiểu trong bài sau.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện, cho biết có nhiều vụ án oan để lại hệ quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt oan hay 5 công an ở Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người.
Luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn luật Hà Sơn, cho rằng nguồn gốc của án oan là việc Việt Nam không có một nhà nước pháp quyền thực sự, trong đó ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập lẫn nhau. Ông dẫn một thông tư liên tịch 01/2010 trong đó quy định về sự phối hợp của các cơ quan là viện kiểm sát tối cao, toà án tối cao và cơ quan điều tra. Theo thông tư này, các cơ quan kể trên phải phối hợp nhịp nhàng trong tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố và xét xử.