Qua hầu hết các bài báo tôi đọc được trên mạng hiện nay, tôi thấy, nhiều người cho rằng, đã có hai cuộc di dân lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là cuộc được gọi là “Di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954” và cuộc “Di tản của người Việt Nam ra nước ngoài sau 1975”.
Theo tôi, các nhà nghiên cứu đã quên hẳn một cuộc di dân trước đó, diễn ra trong khoảng hai năm (1950-1951) với tên gọi là cuộc “Hồi cư từ vùng tự do về vùng tề” (chủ yếu diễn ra ở miền Bắc). Tôi cố tìm trong các tài liệu lịch sử, nhưng hầu như không có một nghiên cứu nào đáng được xem là có hệ thống về sự kiện này. Vì vậy, những điều tôi viết trong bài này chỉ là mong muốn đóng góp một vài ghi nhận về những gì diễn ra mà tôi được chứng kiến.
Cuộc di dân thứ nhất: Cuộc hồi cư 1950-1951
Sở dĩ người ta gọi là “Hồi cư”, là vì trước đó, những năm 1946-1947 có phong trào “Tản cư” và “Tiêu thổ kháng chiến”.
“Tản cư” là cuộc di chuyển dân cư từ các thành phố về nông thôn để tránh sự đàn áp của quân đội Pháp. Phải nói thời kỳ này, quân đội Pháp đàn áp dân chúng rất dã man. Khi đó tôi còn nhỏ, nhưng chính mắt tôi đã chứng kiến quân Pháp bắn giết dân, hãm hiếp phụ nữ và cắt tiết những người vô tội.