Bùi Quang Vơm - ...Mọi việc sẽ được huy động vận hành hết tốc lực: cơ quan ngoại giao bằng mọi nguồn, mọi biện pháp xoa dịu, tranh thủ và thuyết phục phía Đức giữ được im lặng, tránh những phát ngôn gay gắt. Mọi việc rồi sẽ được giải quyết đúng như ý muốn của Đức, nhưng không ngay lập tức. Có nghĩa là, Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa trở lại Đức, nhưng sau khi hồ sơ vụ án PVN đã được hoàn tất từ sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh và việc dàn xếp nội bộ đã hoàn thành, tức là trong lãnh đạo đã quyết định được việc thí mạng ai, thí uy tín của ai, của những ai, theo nguyên tắc giữ cho uy tín của đảng và chính phủ không bị sứt mẻ. Một kịch bản có thể phải được cả phía Đức chấp nhận, để việc bắt cóc không thuộc trách nhiệm của những nhà lãnh đạo CSVN...
*
Cứ theo những tư liệu mà phía bộ Ngoại Giao Đức khẳng định, thì việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là không thể chối cãi. “Bộ ngoại giao Đức có đầy đủ bằng chứng”.
Nếu tự thú, Trịnh Xuân Thanh chỉ mất khoảng 25 phút từ khách sạn, nơi ở, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin để khai báo và sẽ được bảo vệ và săn sóc, không phải lặn lội vượt biên phi pháp, và phải “ném chiếc điện thoại vào bụi rậm” trước khi “đi”.
Việt Nam không ra mặt thừa nhận, nhưng cũng không bác bỏ. Theo tập quán hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội, thì không bác bỏ, có nghĩa là ngầm xác nhận.
Tuy vậy, thái độ chính thức của Chính phủ Việt Nam cho đến nay chỉ là lời phát ngôn có tính nước đôi của bà Lê Thị Thu Hằng, mặc dù tuyên bố trước báo giới với tư cách đại diện Bộ ngoại giao, nhưng lại lấp lửng như phát ngôn cá nhân: “Tôi lấy làm tiếc” chứ không phải “chúng tôi lấy làm tiếc”?!
“Tiếc” cái gì? tại sao lại lấp lửng như vậy? “Tiếc”vì những “quy kết thiếu chính xác của bộ ngoại giao Đức”? hay “tiếc” vì các “cơ quan cấp dưới của chúng tôi đã có những hành vi không chuẩn mực và có lỗi với luật pháp Đức”?