|
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Ảnh: TL TBKTSG
|
Tư Giang - (TBKTSG Online) - Việt Nam đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với phần còn lại của thế giới vì mô hình phát triển “lạc điệu”.
Đây là nhận xét của nhiều nhà kinh tế hàng đầu đất nước tại diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới giai đoạn 1986 – 2015 được tổ chức hôm nay, ngày 19-11, tại Hà Nội.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đơn vị phối hợp với các cơ quan khác tổ chức sự kiện này, phải “rào trước” rằng diễn đàn nhằm hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 62 của Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2015 nhằm tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam so sánh với phần còn lại của thế giới.
Phát triển lạc điệu
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả.”
“Tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới,” ông nói.
“Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới,” ông nói tiếp.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan bổ sung thêm: “Người Việt Nam chúng ta thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai ba chục năm nay. Ví dụ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cãi nhau 30 năm chưa kết thúc; rồi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo cũng cãi nhau 30 năm rồi không kết thúc. Những chuyện này còn tranh luận dài dài, không biết đến bao giờ kết thúc được.”
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khái niệm như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo,… như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước.